Viêm phổi ở trẻ nhỏ – Biến chứng nguy hiểm cha mẹ chớ chủ quan

Cập nhật 11/05/2023

1.6K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, mỗi ngày có đến 2200 trẻ tử vong do căn bệnh này. Vậy nguyên nhân gây viêm phổi là gì? Làm sao để ngăn ngừa những biến chứng do viêm phổi gây ra? Bố mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chiếm 14% các ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các vi khuẩn hoặc virus thường tác động lên các phế nang ở phổi làm cho các cấu trúc này chứa đầy dịch và mủ viêm, hậu quả là làm cho quá trình hô hấp bị rối loạn và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em điến tiến nguy hiểm nguy cơ tử vong cao

Bệnh viêm phổi ở trẻ em điến tiến nguy hiểm nguy cơ tử vong cao

Theo thống kê tại khu vực Nam Á nói chung, cứ 40 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc bệnh viêm phổi. Con số này cho thấy tính phổ biến của viêm phổi, do đó bố mẹ cần tích cực phòng ngừa cho con em để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

>>> Xem thêm:

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em

Thủ phạm gây viêm phổi ở trẻ là do đâu? Medi+ có tham khảo ý kiến Bác sĩ Phạm Thị Vân Anh – Bác sĩ nội nhi BV Nhi TW, qua đó bác sĩ cho biết, có nhiều nguyên nhân gây bệnh ở trẻ nhỏ nhưng “thủ phạm” hàng đầu và thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae.

Streptococcus pneumoniae: Hay còn gọi là phế cầu khuẩn, đây là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi, viêm phổi ở trẻ em. Vi khuẩn được lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt xì) hoặc lây qua tiếp xúc với người bệnh, hoặc người khỏe mạnh nhưng mang vi khuẩn phế cầu trong người.

Viêm phổi ở trẻ nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn gây ra

Viêm phổi ở trẻ nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn gây ra

Haemophilus influenzae type b (Hib): Đây là chủng vi khuẩn gây viêm phổi ở trẻ em xếp thứ 2 sau S_pneumoniae.

Các loại vi khuẩn khác: Một số vi khuẩn khác cũng có khả năng gây viêm phổi ở trẻ nhỏ có thể kể ra như: Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, các vi khuẩn không điển hình như Legionella pneumophila, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,…

Tác nhân khác: Một số loại virus, nấm và ký sinh trùng khác cũng có khả năng gây viêm phổi ở trẻ, thường gặp là virus cúm, virus SARS-CoV-2, nấm Candida, nấm Cryptococcus, amib, sán.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi

Khi trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng khá tương đồng với bệnh cúm thông thường nên cha mẹ dễ bị nhầm lẫn và xem nhẹ, tự ý mua thuốc và điều trị triệu chứng hoặc truyền tai nhau về các cách chữa theo dân gian mà chưa được kiểm chứng.

Thông tin từ các bác sĩ Vân Anh cho biết thêm, bệnh viêm phổi ở trẻ em có 2 loại, cha mẹ cần chú ý:

  • Viêm phổi thùy: Tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi, viêm ống phế nang, túi phế nang, viêm phế quản tận cùng. Dạng bệnh này gặp khá nhiều ở các trẻ có sức đề kháng yếu hoặc có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp. Khi thời tiết giao mùa hoặc chuyển lạnh, trẻ dễ bị bệnh và có thể bùng phát dịch nhất là ở trường học, khu dân cư..
  • Viêm phế quản phổi: Tình trạng viêm, nhiễm trùng cấp lan tỏa ở phế quản, phế nang phổi và cả các mô kẽ. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì bệnh này tiến triển khá nhanh và biến chứng khá nạng, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được xử lý hoặc đưa ra liệu trình điều trị đúng cách.

Triệu chứng của viêm phổi ở trẻ có thể nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và loại vi sinh vật gây bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi trẻ bị viêm phổi:

  • Ho có đờm (đờm có thể có màu xanh, màu vàng hoặc có máu).
  • Sốt cao từ 39-40oC.
  • Vã mồ hôi, lạnh run.
  • Khó thở, thở nhanh, thở nông.
  • Đau ngực khi cố gắng hít thở sâu hoặc khi ho.
  • Sụt cân, thường xuyên mệt mỏi, đau nhức người.
  • Buồn nôn, nôn ói.

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tiến hành thăm khám, điều trị sớm và kịp thời.

Một số các triệu chứng viêm phổi ở trẻ dễ bị nhầm với các bệnh hô hấp thông thường khác

Một số các triệu chứng viêm phổi ở trẻ dễ bị nhầm với các bệnh hô hấp thông thường khác

Trẻ nhỏ bị viêm phổi điều trị như thế nào?

Sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết các ca nhiễm trùng phổi, viêm phổi ở cả trẻ em và người lớn. Đa số các trường hợp viêm phổi ở trẻ được điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống, trong trường hợp nặng cần theo dõi tại bệnh viện thì bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.

Thang CURB-65 là một trong những thang tiêu chuẩn đánh giá và giúp gợi ý trẻ nên điều trị nội trú hay ngoại trú. Theo thang CURB-65 thì nếu trẻ có hơn 1 trong 4 điều kiện sau sẽ phải điều trị nội trú và theo dõi tại bệnh viện:

  • Có dấu hiệu mất định hướng về không gian, thời gian.
  • Nồng độ BUN >19mg/dL (>7 mmol/L).
  • Nhịp thở >29 lần/phút.
  • Huyết áp tâm thu <90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60mmHg.

Điều trị ngoại trú

Lựa chọn phổ biến nhất để điều trị viêm phổi ngoại trú ở trẻ là Amoxicillin dùng 1g x 3 lần/ngày. Có thể dùng viên uống phối hợp Amoxicilin/acid clavuclanic để diệt trừ các chủng vi khuẩn tiết betalactamase.

Các thuốc kháng sinh nhóm macrolide như Azithromycin, Clarithromycin cũng thường được lựa chọn để thay thế cho amoxicillin.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5oC.

*Lưu ý: Các loại thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến trước khi sử dụng kháng sinh và không tự ý mua thuốc, tự điều trị tránh tác dụng phụ hoặc biến chứng không mong muốn.

Điều trị nội trú

Khi một trẻ nhập viện do viêm phổi, đầu tiên bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu dịch sinh học (thường là mẫu đờm, mẫu máu) để làm xét nghiệm vi sinh tìm ra loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để chỉ định loại  kháng sinh hợp lý cho trẻ.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trẻ sẽ được sử dụng các kháng sinh đường tiêm tuỳ theo mức độ nhiễm trùng và nguy cơ nhiễm các vi khuẩn đề kháng thuốc.

Phối hợp thường dùng trong trường hợp này là Amoxicillin hoặc một kháng sinh Cephalosporin như Ceftriaxon, cefotaxim, ceftarolin phối hợp với kháng sinh Macrolid (Azithromycin, Clarithromycin) hoặc phối hợp với một kháng sinh nhóm Quinolon (Levofloxacin, Moxifloxacin).

Sau khi có kết quả kháng sinh đồ (từ 48-72 tiếng sau khi lấy mẫu xét nghiệm), phác đồ điều trị viêm phổi ở trẻ sẽ được các bác sĩ điều chỉnh phù hợp với độ nhạy cảm của vi khuẩn và đáp ứng của trẻ.

Cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ bị viêm phổi

Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bố mẹ có thể thực hiện các bước chăm sóc trẻ dưới đây để giúp trẻ mau khỏi bệnh:

Hạ sốt cho trẻ: Lau người trẻ bằng nước ấm giúp hạ sốt nhanh chóng. Bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước thất thoát qua hơi thở khi bị sốt.

Vỗ lưng cho trẻ: Động tác này giúp đờm từ trong phế quản long ra và dễ dàng khạc ra ngoài. Động tác vỗ lưng như sau: khum bàn tay lạ, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ rồi vỗ lưng trẻ từ trái sang phải, mỗi vùng vỗ từ 3-5 phút. Bố mẹ nên thực hiện động tác này trước bữa ăn của trẻ hoặc 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.

Hướng dẫn trẻ ho: Bố mẹ yêu cầu trẻ ho sau khi vỗ mỗi khu vực để đẩy đờm ra khỏi phổi. Sau khi trẻ ngừng ho thì bố mẹ hãy tiếp tục thực hiện động tác vỗ lưng cho trẻ. Các bước ho bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ như sau:

  • Cho trẻ ngồi thoải mái, hơi ngả đầu về phía trước
  • Hít vào
  • Thực hiện động tác ho thật sâu bằng cách ép mạnh cơ bụng, không ho ở cổ họng
  • Tiếp tục thực hiện động tác trên cho đến khi tống được đờm ra ngoài
  • Lưu ý, đối với trẻ còn nhỏ không thể tự ho khạc được thì bố mẹ có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế để hỗ trợ hút đờm dãi ra khỏi hầu họng cho trẻ.

>>> Các mẹ cũng cần biết: Cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà an toàn

Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ nhỏ từ sớm

Chăm sóc và phòng ngừa cho trẻ tránh bị viêm phổi

Chăm sóc và phòng ngừa cho trẻ tránh bị viêm phổi

Viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, hạ natri huyết,… Do đó, tốt nhất bố mẹ nên áp dụng các biện pháp sau đây để phòng ngừa viêm phổi ở trẻ:

  • Vệ sinh sạch sẽ: Bố mẹ, người trực tiếp chăm sóc phải rửa tay và hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách. Rửa mũi và súc miệng cho trẻ mỗi ngày để loại bỏ những vi khuẩn bám trên các khoang cơ thể.
  • Tăng sức đề kháng cho trẻ: Cần bổ sung chế độ dinh dưỡng giàu vitamin C và các nguyên tố khoáng như Fe, Mg, Mn cho trẻ để tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ sơ sinh, nên cho bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây viêm phổi: Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, thường xuyên lau dọn nhà cửa để tránh bụi bẩn, tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, hạn chế uống nước đá là những cách phòng ngừa viêm phổi rất hiệu quả và đơn giản.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em cha mẹ rất hay nhễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường khác hoặc cảm cúm, nên không được khám và xử trí sớm đùng cách gây biến chứng nguy hiểm khó lường. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không được chủ quan, nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm phổi, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ đẻ được thăm khám và chẩn đoán sớm kịp thời.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa!

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám