Bệnh ung thư vú: Nhận biết sớm cơ hội điều trị khỏi cao

Cập nhật 28/04/2023

4.0K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sản phụ khoa

Ung thư vú là bệnh lý ung thư phổ biến  ở nữ giới. Theo thống kê năm 2018 của Globocan, nước ta có đến 15.000 ca mắc mới ung thư vú, trong đó tỷ lệ tử vong lên đến 6.000 trường hợp. Những con số báo động này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nguy hiểm khó lường của ung thư vú. Các chị em cần làm gì để phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh hiệu quả?

Ung thư vú là bệnh gì?

Ung thư vú (u vú ác tính) là hiện tượng tăng sinh và phát triển quá mức các tế bào bên trong vú tạo thành các khối u. Tương tự như các loại ung thư khác, các tế bào ung thư theo thời gian nếu không được điều trị sẽ xâm lấn, di căn sang các mô, cơ quan xung quanh rồi từ đó hình thành lên các loại ung thư mới.(*)

Các khối u ung thư vú phát triển khi các tế bào vú tăng sinh đột biến

Các khối u ung thư vú phát triển khi các tế bào vú tăng sinh đột biến

Theo những thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ bệnh lý gây tử vong khá cao đứng thứ 2 ở nữ giới. Cụ thể, với phụ nữ khoảng 39 tuổi thì cứ trung bình 231 người sẽ có 1 người mắc ung thư vú. Xác suất này ở độ tuổi từ 40-59 là 1/25, từ 60-79 tuổi là khoảng 1/15. Bên cạnh đó nam giới cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 1%.(*)

Ung thư vú xảy ra ở độ tuổi nào?

Ung thư vú thường xuất hiện ở phụ nữ từ 50-55 tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh lý này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chị em phụ nữ nên đi kiểm tra phát hiện ung thư vú ngay từ khi 40 tuổi để tránh mắc phải một trong các loại ung thư vú.

Các loại ung thư vú phổ biến

Có một số loại ung thư vú khác nhau có thể kể đến như:

  • Angiosarcoma: Angiosarcoma là một loại ung thư khá hiếm gặp và rất nguy hiểm do tế bào ung thư hình thành trong hạch bạch huyết và hệ thống mạch máu nên tốc độ phát triển và di căn rất nhanh. Ung thư dạng angiosarcoma có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể như đầu, mặt, cổ, những khu vực tiếp xúc thường xuyên với xạ trị chứ không chỉ riêng vùng ngực.
  • Ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ (DCIS – Ductal carcinoma in situ): Ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ (hay ung thư giai đoạn 0) là hiện tượng các tế bào ung thư mới chỉ xuất hiện tại ống dẫn sữa, chưa xâm lấn, lan ra khắp bầu ngực. Ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ có khả năng điều trị được nếu phát hiện và can thiệp điều trị sớm.
  • Ung thư vú dạng viêm (IBC – Inflammatory breast cancer): Ung thư vú dạng viêm là loại ung thư vú có tốc độ phát triển và lây lan rất nhanh tại các mô và hạch bạch huyết. Khác với các loại loại ung thư khác khi nắn bóp, thăm khám ngực sẽ không phát hiện được các cục u. Chính vì thế, đa phần khi phát hiện thì bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng. Cụ thể:
    • – Khi quan sát bầu ngực của người bị ung thư vú dạng viêm có thể thấy da ngực bị đỏ, viêm, vú sưng, cứng hoặc mềm, núm vú thụt vào bên trong. Bệnh lý này gần như rất khó phát hiện thông qua hình ảnh chụp X quang, chủ yếu là thăm khám và làm sinh thiết.
    • – Ung thư vú dạng viêm được xếp vào ung thư vú giai đoạn 3 nên người bệnh sẽ được chỉ định làm hóa trị, xạ trị, phẫu thuật để ức chế quá trình lây lan của các tế bào ung thư.
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC – Invasive lobular carcinoma): Nếu DCIS là dạng ung thư tại ống dẫn sữa thì ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là loại ung thư bắt nguồn tại các tuyến sữa hay các tiểu thùy sau đó di căn sang khắp bầu ngực và các khu vực lân cận.
  • Ung thư biểu mô dạng thùy tại chỗ (LCIS): Ung thư biểu mô dạng thùy tại chỗ là dạng ung thư ít gặp, trong đó các tế bào ung thư được tìm thấy trong tuyến sữa. Khi mắc ung thư biểu mô dạng thùy tại chỗ thì nguy cơ phát triển thành dạng xâm lấn ở một trong hai bên ngực sẽ tăng lên.
    • – Chính vì thế ngay khi nhận định được dạng ung thư vú mắc phải, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh nên thường xuyên tầm soát ung thư vú và cân nhắc thực hiện các biện pháp điều trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành dạng xâm lấn.
  • Ung thư vú ở nam: Ung thư vú thường khá hiếm gặp ở nam giới, chỉ chiếm khoảng 1% và phần lớn gặp ở người lớn tuổi. Khi nam giới được chẩn đoán mắc ung thư vú, nhất là ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn rất cao. Tùy vào giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp điều trị phù hợp, phổ biến nhất là phẫu thuật loại bỏ tổ chức ung thư, xạ trị, hóa trị.
  • Bệnh Paget vú (PAJ-its): Dạng ung thư này gây ảnh hưởng trực tiếp đến núm vú và vùng da xung quanh núm vú của người bệnh, khiến cho chúng trở nên sẫm màu. Đối với trường hợp Paget vú, bác sĩ có thể sờ thấy một hoặc vài khối u tại vùng ngực, từ đó việc chẩn đoán bệnh cũng trở nên dễ dàng hơn.
    • – Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, bệnh Paget vú hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý da liễu, thay vì ung thư. Chính vì thế, chị em tuyệt đối không được bỏ qua bất kỳ tín hiệu cảnh báo ung thư vú nào tại bầu ngực để đi khám càng sớm càng tốt.
  • Ung thư vú tái phát: Ung thư vú tái phát xảy ra do các tế bào lạ không được loại bỏ hết trước đó, âm thầm phát triển, nhân lên. Thời gian tái phát ung thư có thể xuất hiện vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị lần đầu, có thể ở ngay vị trí cũ (tái phát cục bộ) hoặc di căn sang khu vực khác (tái phát xa).

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư vú

Theo thống kê, mỗi năm nước ta tăng thêm hơn 22.000 ca mắc mới ung thư vú, trong đó có đến hơn 9.315 ca tử vong do ung thư vú. Chính vì thế, việc nắm rõ các biểu hiện của bệnh để thăm khám sớm là giải pháp tối ưu nhất giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Một số triệu chứng phổ biến nữ giới gặp phải khi mắc ung thư vú bao gồm:

  • Đau tức ngực: Nếu ngoài chu kỳ kinh nguyệt mà xuất hiện triệu chứng đau tức âm ỉ vùng ngực không theo quy luật một hoặc cả hai bên vú thì chị em phụ nữ nên đi khám vì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú giai đoạn đầu.
  • Thay đổi vùng da ở ngực: Đa phần các trường hợp mắc ung thư vú đều quan sát thấy sự thay đổi cả về tính chất và màu sắc tại da ngực như xuất hiện nếp nhăn, da ngực dày lên hoặc căng cứng hơn, núm vú lõm xuống, kèm theo mụn nước, ngứa ngáy vùng ngực.
  • Vú sưng hoặc sờ thấy hạch: Đây là dấu hiệu điển hình cảnh báo chị em cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Cụ thể, nếu thấy vú sưng, căng, khi nắn bóp có khối cứng trong bầu ngực thì đây có thể là biểu hiện ung thư đang tiến triển.(*)
Thay đổi vùng da trước ngực dấu hiệu ung thư vú dễ nhìn thấy

Thay đổi vùng da trước ngực dấu hiệu ung thư vú dễ nhìn thấy

Vú sưng hoặc nổi hạch bất thường chị em có thể sở và nhận thấy

Vú sưng hoặc nổi hạch bất thường chị em có thể sở và nhận thấy

Các giai đoạn ung thư vú phát triển

Đa phần mọi người đều có suy nghĩ mắc ung thư sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên theo chuyên gia MEDIPLUS, ung thư vú có thể hồi phục nếu phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

  • Giai đoạn 0: Ở giai đoạn này các tế bào ung thư mới bắt đầu xuất hiện bên trong các ống dẫn sữa. Để loại bỏ hết tổ chức ung thư, ngăn chặn bệnh lan rộng, di căn sang các khu vực lân cận thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với xạ trị để loại hoàn toàn mầm mống ung thư. Phát hiện và chữa trị ung thư vú ngay từ giai đoạn này thì tỷ lệ điều trị thành công rất cao.
  • Giai đoạn 1: Ung thư vú giai đoạn này lại được chia làm 2 giai đoạn nhỏ là giai đoạn 1A và 1B. Với giai đoạn 1A, hệ thống hạch bạch huyết vẫn bình thường nhưng trong bầu ngực xuất hiện các khối u kích thước dưới 2 cm. Ở giai đoạn 1B thì khối u đã xâm lấn sang hạch bạch huyết. Lúc này, nếu tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ thì khả năng khỏi bệnh là hoàn toàn có thể.
  • Giai đoạn 2: Khối u vú giai đoạn này đã lớn hơn giai đoạn 1, các khối u có thể lan rộng sang những hạch bạch huyết ở gần vú. Ở giai đoạn này tiến triển của bệnh lại được chia làm 2 giai đoạn 2A và 2B:
    • – Ở giai đoạn 2A, có thể xuất hiện khối u có kích thước 2-5cm nhưng chưa di căn sang các hạch bạch huyết hoặc khối u nhỏ hơn 2cm và di căn chưa đến 4 hạch bạch huyết ở nách.
    • – Ở giai đoạn 2B, có thể xuất hiện khối u có kích thước 2-5cm với sự di căn đến ít hơn 4 hạch bạch huyết ở nách hoặc khối u lớn hơn 5cm nhưng chưa di căn sang hạch bạch huyết nào.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn khá nguy hiểm bởi vì các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và di căn đến các hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này, các khối u có thể nằm trong thành ngực hoặc da vùng vú và đã lan tới 9-10 hạch bạch huyết xung quanh. Thậm chí các tế bào ung thư có thể đã di căn đến vùng xương ức và xương đòn. Bác sĩ thường khuyến khích người bệnh cắt bỏ hoàn toàn vú hoặc cắt bỏ khối u kèm xạ trị để ngăn chặn sự di căn. Ngoài ra, có thể lựa chọn phương pháp điều trị hormon hoặc hóa trị để thu nhỏ khối u rồi mới cắt bỏ.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối, là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh ung thư vú. Các tế bào ung thư lúc này đã di căn tới xương, não, gan và phổi. Việc điều trị bệnh thời điểm này chỉ giúp ngăn ngừa ung thư lan rộng, khả năng điều trị khỏi hoàn toàn gần như là không có. Tuy nhiên nhờ sự phát triển của y học hiện đại có thể giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị.
Giai đoạn phát triển của ung thư vú với các triệu chứng khách nhau

Giai đoạn phát triển của ung thư vú với các triệu chứng khách nhau

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú

Ung thư vú phát triển khi các tế bào bất thường trong vú của bạn phân chia và nhân lên. Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân khiến quá trình này bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú có thể kể đến:

  • Vấn đề tuổi tác: Tuổi tác càng tăng thì nguy cơ mắc bệnh lý ung thư vú càng cao, đặc biệt sau giai đoạn tiền mãn kinh. Theo thống kê, có đến 80% trường hợp mắc ung thư vú thuộc đối tượng trên 50 tuổi. Chính vì thế, tầm soát ung thư vú định kỳ khoảng 3 năm 1 lần là việc làm cần thiết đối với phụ nữ ngoài 50 để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời ngay từ giai đoạn đầu.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ bị bệnh của những thế hệ sau sẽ cao hơn so với những người khác. Cụ thể, với những gia đình mang kiểu gen BRCA1 và BRCA2 hoặc TP53 và CHEK2 thì nguy cơ mắc ung thư vú tiến triển tăng cao.
  • Khối u hoặc bệnh lý từ trước: Nếu bạn đã từng mắc ung thư vú hoặc gặp phải những bất thường như u nhú ở ngực, một số loại u lành tính ở vú thì nguy cơ phát triển thành ung thư sẽ cao hơn.
  • Sử dụng các liệu pháp ức chế nội tiết tố: Với mục đích kìm hãm, làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Nếu áp dụng các biện pháp ức chế cơ thể sản sinh nội tiết tố này dưới 1 năm thì khả năng kìm hãm ung thư tương đối tốt. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài lại khiến nguy cơ ung thư vú tăng cao.
  • Tiếp xúc với bức xạ, tia tử ngoại, tia X thời gian dài: Việc tiếp xúc với bức xạ, tia tử ngoại, tia X kéo dài sẽ khiến cho các bộ gen dễ bị đứt gãy khi sao chép gây bất thường, đột biến gen tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các tế bào ung thư.

Ung thư vú có gây tử vong không?

Ung thư vú thuộc top 10 bệnh lý ung thư hay gặp nhất ở nữ giới và đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khiến không ít chị em cảm thấy rất lo lắng không biết có nguy hiểm không, tỷ lệ tử vong là bao nhiêu? Đa phần khi nghe đến ung thư, nhiều người có suy nghĩ rằng sẽ không thể khỏi được. Tuy nhiên, bệnh nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi là rất cao.

Tỷ lệ tử vùng do mắc ung thư vú đang chiếm tỷ lệ khá cao

Tỷ lệ tử vùng do mắc ung thư vú đang chiếm tỷ lệ khá cao

Cụ thể theo thống kê, có đến 90% trường hợp mắc ung thư vú giai đoạn 1-2 đạt được hiệu quả điều trị rất tích cực. Tỷ lệ này ở giai đoạn 3 là khoảng 60%. Còn khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, lan rộng khắp ngực và di căn sang các khu vực xung quanh thì điều trị chỉ giúp kéo dài thời gian sống chứ không khỏi hoàn toàn được.

Chính vì thế việc tầm soát, khám sức khỏe định kỳ hoặc tự khám ung thư vú tại nhà là những cách phòng, phát hiện sớm bệnh tốt nhất mà chị em nên thực hiện.

Làm sao để chẩn đoán ung thư vú?

Ung thư vú là bệnh lý có tốc độ lây lan nhanh nên việc sàng lọc sớm sẽ đóng vai trò rất quan trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Quá trình tầm soát ung thư được thực hiện như sau:(*)

  • Khám lâm sàng: Đây là bước đầu, có ý nghĩa rất lớn trong quá trình sàng lọc ung thư. Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác mọi thông tin có ý nghĩa chẩn đoán như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, những bất thường gặp phải,… và khám lâm sàng vùng vú để phát hiện sớm bệnh lý ung thư vú.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng siêu âm tái tạo hình ảnh và cấu trúc tuyến vú giúp bác sĩ có thể kiểm tra được những bất thường tại các tổ chức mô tuyến vú. Từ đó làm căn cứ xác định giai đoạn, mức độ của bệnh.
  • Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): Là kỹ thuật sử dụng chùm tia X có mức năng lượng thấp chiếu vào vị trí cần thăm khám để thu lấy hình ảnh bất thường bên trong bầu ngực. Hình ảnh X quang vú chụp được sẽ giúp bác sĩ có thể phát hiện những thay đổi bất thường như khối u bên trong vú và cũng như đánh giá được mức độ tiến triển của bệnh tại thời điểm thăm khám. Từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân:
    • – Nhũ ảnh tầm soát: Áp dụng cho những đối tượng chưa có biểu hiện bệnh với mục đích sàng lọc, phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn đầu.
    • – Nhũ ảnh chẩn đoán: Áp dụng cho những đối tượng nghi ngờ có sự  bất thường tại tuyến vú, thường gặp nhất là núm vú tăng tiết dịch, nắn bóp thấy khối u.
    • – Nhũ tương ảnh theo dõi: Thực hiện sau 6 tháng chụp nhũ ảnh lần đầu và các phương pháp tầm soát khác như X quang, cộng hưởng từ mà vẫn không phát hiện bệnh.
Tầm soát và là các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sớm ung thư vú

Tầm soát và là các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sớm ung thư vú

  • Chụp MRI tuyến vú: Chụp MRI tuyến vú là phương pháp sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến tạo ra hình ảnh chi tiết của cấu trúc bên trong vú. Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ quan sát rõ hơn vị trí xuất hiện của các tế bào ung thư cũng như mức độ tổn thương hiện tại một các chính xác hơn.
  • Làm xét nghiệm dịch núm vú: Một số trường hợp khi mắc ung thư vú, núm vú sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy không màu hoặc lẫn máu. Lấy mẫu dịch tiết núm vú mang đi xét nghiệm có thể giúp phát hiện được tế bào ung thư.
  • Sinh thiết: Để đưa ra nhận định chính xác nhất về tình trạng ung thư hiện tại của người bệnh, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào hoặc mô tại vị trí nghi ngờ ung thư. Sau đó đem đặt dưới kính hiển vi để quan sát sự thay đổi về hình thái và cấu trúc tế bào vú. Phương pháp này có ý nghĩa chẩn đoán xác định khi có nghi ngờ ung thư vú trong quá trình khám vú hoặc làm các phương pháp siêu âm, chụp nhũ ảnh hay chụp MRI.

Phương pháp điều trị ung thư vú

Ung thư vú tiến triển rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, khi xuất hiện những triệu chứng cảnh báo ung thư vú thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bằng các phương pháp sau:

Phẫu thuật điều trị ung thư vú

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư vú đều được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ triệt để các khối u, tổ chức ung thư bên trong bầu ngực và các khu vực lân cận. Các phương pháp phẫu thuật hay được chỉ định là:

  • Phẫu thuật cắt vú bảo tồn: Bác sĩ sẽ chỉ tiến hành cắt bỏ các khối u, tổ chức ung thư và thêm một ít tế bào lành tính lân cận để loại sạch mầm mống bệnh ở giai đoạn ung thư sớm.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ vú: Cắt bỏ một hoặc cả hai bên do ung thư đã xâm lấn khắp bầu ngực nên phải cắt bỏ để tránh di căn sang các tổ chức, cơ quan xung quanh.
  • Phẫu thuật cắt vú triệt để cải biên: Bác sĩ không chỉ tiến hành cắt bỏ toàn bộ bên vú bị ung thư mà còn loại sạch cả hạch nách và thêm một phần khối cơ lồng ngực.
  • Bóc tách hạch nách: Nếu ung thư có nhiều hạch bạch huyết, dưới cánh tay vùng nách, có thể tiến hành phẫu thuật bóc tách hạch nách để loại bỏ chúng.
  • Sinh thiết hạch: Bác sĩ làm sinh thiết để xác định hạch bạch huyết trọng điểm, theo dõi hạch bạch huyết đầu tiên mà ung thư sẽ di căn. Nếu hạch bạch huyết đó không bị ung thư, thì các hạch bạch huyết khác không cần phải cắt bỏ. Nếu hạch bạch huyết đó có ung thư trong đó, có thể cần phải loại bỏ các hạch bạch huyết bổ sung.

Hóa trị ung thư vú

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư. Các hóa chất được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc đường tiêm truyền tĩnh mạch, theo đường máu đi đến khắp các tổ chức ung thư. Hóa trị có thể được chỉ định trước hoặc sau khi phẫu thuật, thậm chí khi ung thư đã di căn sang các cơ quan khác.

Xạ trị ung thư vú

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng chùm tia có mức năng lượng cao để chiếu trực tiếp vào vị trí tổn thương  nhằm tiêu diệt và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Thông thường, xạ trị thường kết hợp với hóa trị để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Tiến hành xạ trị điều trị ung thư ở giai đoạn

Tiến hành xạ trị điều trị ung thư vú ở giai đoạn

Liệu pháp hormone điều trị bệnh

Nội tiết tố ngoài chức năng giúp thay đổi vóc dáng, tâm trạng, sức khỏe tình dục, sinh sản thì còn làm tăng sinh tế bào. Từ đó kích thích sự lan rộng của các tế bào ung thư. Liệu pháp ức chế sản sinh nội tiết tố giúp ức chế quá trình phát triển và nhân lên của tế bào ung thư nên được ứng dụng nhiều trong điều trị bệnh.

Phòng ngừa ung thư vú từ sớm

Hầu như không có biện pháp cụ thể nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư vú. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau đây:

  • Duy trì cân nặng ở mức phù hợp.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây.
  • Hạn chế đưa nhiều chất béo bão hòa vào cơ thể, cụ thể không nên tiêu thụ quá 10% trong tổng lượng calo, chỉ nên giữ ở mức 30gr mỗi ngày.
  • Bổ sung nhiều thực phẩm giàu axit béo, omega 3 thay vì các chất béo chuyển hóa, thực phẩm chứa nhiều phụ gia.
  • Tự kiểm tra vú ít nhất mỗi tháng 1 lần tại nhà theo sự hướng dẫn.
  • Chụp X quang tuyến vú tầm soát hàng năm sau tuổi 35.
  • Khám và kiểm tra định kỳ tổng quát tại các cơ sở y tế chuyên khoa ít nhất 3 năm 1 lần.

Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú người bệnh có thể cảm thấy lo lắng, sợ và thậm chí là tuyệt vọng. Nếu bạn hoặc người thân đang phải đối mặt với căn bệnh này, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần thoải mái, thăm khám và troa đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, lựa chọn phác đồ điều trị hiệu quả.

Hy vọng bài viết trên đã giúp các chị em phụ nữ hiểu rõ hơn về ung thư vú để phát hiện sớm và đưa ra hướng khắc phục kịp thời. Nếu có thắc mắc hoặc cần được tư vấn chi tiết về tình trạng bệnh lý, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của MEDIPLUS!

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán và điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám