Trẻ sơ sinh bị táo bón: Nguyên nhân và cách trị táo bón cho trẻ

Cập nhật 11/05/2023

1.1K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Trẻ bị táo bón là tình trạng khá phổ biến, thường xuyên gặp phải, cảnh báo hệ tiêu hóa của trẻ đang có vấn đề. Việc trẻ bị táo bón nếu kéo dài không những khiến cho bố mẹ lo lắng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy nguyên nhân táo bón ở trẻ là do đâu? Cha mẹ cần xử trí thế nào khi con mình bị táo bón? Hãy tham khảo chia sẻ của chuyên gia MEDIPLUS thông qua bài viết dưới đây để chăm sóc cho bé thật tốt.

Trẻ nhỏ bị táo bón, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề trẻ đang gặp phải

Trẻ nhỏ bị táo bón, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề trẻ đang gặp phải

Trẻ bị táo bón cha mẹ cần biết nguyên nhân

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nhỏ bị táo bón, nguyên nhân thực thể hoặc nguyên nhân chức năng, dưới đây Medi+ chỉ ra cụ thể cha mẹ cần biết:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ, thức ăn quá đặc: Chất xơ đóng vai trò cần thiết và quan trọng trong hệ tiêu hóa, nhất là ở trẻ nhỏ. Chất xơ bổ tốt từ rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa, phòng ngừa táo bón. Chất xơ khi vào ruột hút nước, tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột, tăng co bóp để tống phân ra ngoài; hơn nữa, chất xơ còn giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho lợi khuẩn. Bởi vậy bữa ăn của trẻ không thể thiếu chất xơ.
  • Bố mẹ cho trẻ uống ít nước: Khi lượng nước bổ sung vào cơ thể ít, cơ thể sẽ có xu hướng hấp thụ nước từ những nguồn khác để đáp ứng nhu cầu cho cơ thể khiến cho phân trở nên rắn, khô gây táo bón.
Trẻ uống ít nước hoặc ăn nhiều đồ khô khiến tình trạng táo bón kéo dài

Trẻ uống ít nước hoặc ăn nhiều đồ khô khiến tình trạng táo bón kéo dài

  • Nhịn đi ngoài, không chịu đi ngoài trong thời gian lâu: Càng nhịn lâu, phân trong ruột càng tích lại nhiều, làm việc đại tiện trở nên khó khăn, dẫn đến trẻ dễ bị táo bón mãn tính.
  • Căng thẳng sau khi ăn, vận động ít: Nhiều trẻ sau khi ăn bị căng thẳng hoặc vận động quá ít cũng dễ dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Trẻ đang trong thời gian cai sữa: Trẻ em khi mới cai sữa mẹ hoặc không được bú sữa mẹ có dễ dẫn đến tình trạng táo bón, do việc cai sữa làm trẻ mất nguồn cung cấp nước, hơn nữa trong sữa mẹ còn có hormone motilin giúp hỗ trợ rất tốt nhu động ruột của trẻ.
  • Trẻ không hợp sữa công thức (sữa hộp, sữa bột,…) Lượng protein trong từng loại sữa khác nhau cũng có thể gây táo bón ở trẻ.
  • Trẻ mắc các bệnh lý: cường giáp, phì đại tràng bẩm sinh, đái tháo đường,…

Với những trẻ táo bón do bệnh lý cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời không để dẫn tới các triệu chứng trở nặng hơn, gây nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới cơ thể trẻ: sụt cân, suy dinh dưỡng,…

Những dấu hiệu khi trẻ bị táo bón

Dấu hiệu trẻ bị táo bón là những dấu hiệu dễ nhận thấy, cha mẹ cần lưu ý và theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe của con để sớm phát hiện các táo bón ở trẻ:

  • Đặc điểm phân: Trẻ bị táo bón khi đi tiêu phân khô cứng, vón cục to hơn bình thường. Do phân khô cứng, vón cục to khiến cho việc đại tiện của trẻ rất khó khăn.
  • Số lần đi đại tiện của trẻ ít hơn bình thường: Phân vón cục và lưu lại trong trực tràng, khó thoát ra ngoài khi táo bón nên số lần đi ngoài của trẻ sẽ ít hơn bình thường. Với trẻ sơ sinh, do chủ yếu bú sữa mẹ nên việc đại tiện sẽ nhiều hơn, tuy nhiên khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu đi ít hơn hẳn, 1-2 ngày hoặc 1 tuần mới đi ngoài thì đó cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị táo bón.
  • Trẻ bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu: Dạ dày lúc này hoạt động kém khiến khả năng tiêu hóa thức ăn giảm sút gây triệu chứng đầy bụng.
Trẻ ăn uống khó tiêu, đầy bụng đại tiện phân cứng vón cục

Trẻ ăn uống khó tiêu, đầy bụng đại tiện phân cứng vón cục

  • Trẻ có dấu hiệu lười ăn: Do tình trạng táo bón kéo dài làm trẻ khó khăn khi đi ngoài, bụng thường xuyên chướng và đầy, gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi và không muốn ăn.

Với những dấu hiệu dễ nhận thấy như trên, bố mẹ cần lưu ý để nhận biết táo bón ở trẻ và tìm ra cách khắc phục sớm tình trạng này hoặc đưa trẻ đi khám, kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi tình trạng táo bón kéo dài liên tục, tái phát thường xuyên mà không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Hậu quả do táo bón ở trẻ kéo dài

Tình trạng táo bón kéo dài quá lâu ở trẻ mà không được thăm khám và khắc phục thì dễ dẫn đến những hậu quả, bệnh lý nghiêm trọng sau đây cha mẹ cần hết sức lưu ý:

  • Cảm giác đau khi đại tiện: Khi bị táo bón, phân trẻ sẽ khô cứng, vón cục to hơn bình thường nên khi đi rất khó khăn, có thể gây cảm giác đau, khó chịu khi đi ngoài. Bởi vậy, nhiều trẻ rất sợ đi ngoài và thậm chí nhịn đi tiêu khiến tình trạng táo bón càng nặng hơn.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ: Không đại tiện được hay đại tiện khó khăn khiến trẻ có cảm giác khó chịu, hơn thế nữa trẻ còn có tình trạng đầy chướng bụng, khó tiêu gây mệt mỏi dẫn đến sợ và chán ăn, ảnh hưởng rất nhiều đến thể trạng của trẻ.
  • Tích tụ độc tố trong cơ thể: Khi trẻ táo bón, không đại tiện được dẫn đến độc tố, chất cặn bã trong cơ thể không được đào thải ra ngoài mà sẽ ứ đọng trong cơ thể, lâu dần ảnh hưởng xấu đến các cơ quan nội tạng bên trong.
  • Tăng áp lực trong ruột: Phân, dịch bị ứ đọng lâu trong lòng ruột thừa gây nguy cơ cao mắc viêm ruột thừa. Không chỉ vậy, táo bón lâu ngày khiến chức năng ruột già suy yếu, độc tố tích tụ làm hình thành các túi thừa đại tràng và nguy hiểm hơn là có khả năng gây thủng ruột.
Trẻ bị táo bón kéo dài phân ứ đọng có thể gây nguy hiểm tới đường ruột

Trẻ bị táo bón kéo dài phân ứ đọng có thể gây nguy hiểm tới đường ruột

  • Tắc ruột: Đây là tình trạng khá nguy hiểm; phân ứ đọng lâu ngày trong ruột làm tăng về số lượng, phân trở nên ngày càng rắn, dẫn đến hiện tượng tắc ruột hoặc bán tắc ruột làm trẻ đau bụng liên tục, bụng chướng đầy, không xì hơi và đại tiện khó khăn.
  • Gây các bệnh lý liên quan đến hậu môn, trực tràng: Khi khối phân của trẻ táo bón khô cứng, hơn nữa còn vón cục, tích tụ to hơn bình thường dễ làm tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm niêm mạc trực tràng và ống hậu môn, và có thể dẫn đến áp xe, rò hậu môn ở trẻ. Hơn nữa, khối phân to khiến mỗi lần đi trẻ phải rặn nhiều lần, có thể gây nứt hậu môn dẫn đến đau và chảy máu.
  • Trẻ bị táo bón lâu ngày còn có thể mắc trĩ: Táo bón lâu ngày làm tăng áp lực ổ bụng của trẻ, hơn nữa việc đại tiện khó khăn làm thời gian mỗi lần đi vệ sinh của trẻ kéo dài và trẻ phải luôn gắng sức rặn mạnh, tăng nguy cơ xuất hiện các búi trĩ ở trẻ.
Trẻ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa do tình trạng táo bón kéo dài

Trẻ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa do tình trạng táo bón kéo dài

Cách trị táo bón ở trẻ như thế nào?

Với những trẻ bị táo bón, cha mẹ cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Một chế độ ăn cân đối là bao gồm đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất, đặc biệt bổ sung nhiều lợi khuẩn và chất xơ từ rau củ quả giúp cho đường tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh.

Mách nhỏ cha mẹ một vài cách hay trị táo bón cho trẻ nhỏ mang lại hiệu quả tích cực:

✜ Cho trẻ uống nhiều nước: Có thể đa dạng như nước lọc, nước ép hoa quả, nước canh…

✜ Bổ sung chất xơ có nhiều trong các loại thực phẩm:

  • Quả mận khô, hoặc nước ép mận
  • Táo
  • Súp lơ xanh
  • Đu đủ chín
  • Chuối chín
  • Bí đỏ
  • Cà rốt
  • Quả đào
  • Bột yến mạch
  • Lúa mạch
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Bánh quy giòn…

✜ Bổ sung lợi khuẩn: Có thể cho trẻ uống các loại sữa chua, men vi sinh, kẹo dẻo lợi khuẩn,… để bổ sung.

✜ Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều đường, chất béo xấu, và uống nước ngọt bởi có hại cho đường tiêu hóa của trẻ.

✜ Xoa bụng cho trẻ dễ đại tiện:

  • Xoa lòng bàn tay để làm ấm
  • Để bé nằm ngửa trên nệm, sau khi làm ấm tay, ấn nhẹ nhàng lên bụng bé tạo thành hình chữ U ngược, từ phía dưới bên trái di chuyển lên, kéo ngang qua trên rốn, sau đó di chuyển xuống dưới, tạo thành chữ U ngược.
  • Lặp lại thao tác này từ 10-15 lần và thực hiện 2-3 lần/ngày để mang lại hiệu quả.
Cha mẹ có thể xoa bụng để trẻ dễ đi đại tiện hơn

Cha mẹ có thể xoa bụng để trẻ dễ đi đại tiện hơn

✜ Cho trẻ vận động nhiều hơn:

  • Bố mẹ nên dẫn trẻ đi chơi, cho trẻ đến các khu vui chơi hoặc vui đùa cùng trẻ ở nhà, khuyến khích trẻ chạy nhảy, đi lại sẽ giúp cho ruột của trẻ chuyển động, hỗ trợ điều trị táo bón rất hiệu quả…
  • Bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ, tập trung khi đi đại tiện từ nhỏ giúp các bé hình thành phản xạ có điều kiện và dễ dàng đi ngoài hơn.

Khi tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ cần đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa nhi để được kiểm tra, thăm khám tìm ra nguyên nhân sâu xa và có phương án điều trị thích hợp.

Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết về các nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị táo bón bố mẹ cần biết. Nếu có điều gì còn thắc mắc, khách hàng vui lòng liên hệ tới Hotline: 1900 3366 hoặc fanpage Facebook Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được chuyên gia của giải đáp nhanh nhất.

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám