Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có hại không?

Cập nhật 08/05/2023

4.8K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sản khoa

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp là giải pháp hiệu quả và cần thiết cho chị em trong những tình huống “cấp bách”, nhất là sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Vậy, liệu sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy hiểm gì không? Cần lưu ý điều gì để dùng thuốc tránh thai khẩn cấp cho an toàn? Hãy cùng theo dõi chia sẻ của bác sĩ sản phụ khoa Tổ hợp Y tế MEDIPLUS qua bài viết dưới đây!

Hoạt động của thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp là dạng viên uống tránh thai có hàm lượng nội tiết tố cao. Đây là giải pháp hiệu quả thường được các chị em sử dụng sau khi quan hệ tình dục không an toàn, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc tránh thai khẩn cấp khác nhau. Tại Việt Nam, 3 loại thuốc tránh thai khẩn cấp phổ biến đó là:

  • Thuốc chứa progestin: Chỉ gồm 1 viên có thành phần Levonorgestrel hàm lượng 1,5 mg. Thuốc được khuyến cáo sử dụng càng sớm càng tốt và tối đa 72 giờ sau khi quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ. Theo ghi nhận qua lâm sàng, hiệu quả tránh thai trong vòng 24 giờ đầu đạt 95%; từ 25-48 giờ tiếp theo đạt 85% và từ 49-72 giờ sau, hiệu quả giảm chỉ còn 58%.
  • Thuốc chứa progestin loại 2 viên, mỗi viên chứa 0,75 mg Levonorgestrel: Uống viên thứ nhất trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ, uống viên thứ hai sau viên thứ nhất 12 giờ (không quá 16 giờ). Bắt buộc phải uống đủ hai viên mới đạt được hiệu quả tránh thai nhất định.
  • Thuốc chứa hoạt chất kháng progestin: Gồm 1 viên chứa Mifepristone hàm lượng 10 mg, cho hiệu quả cao nhất trong vòng 120 giờ sau khi quan hệ.
Thuốc ngừa thai khẩn cấp có chứa hàm lượng nội tiết tố cao

Thuốc ngừa thai khẩn cấp có chứa hàm lượng nội tiết tố cao

Khi đưa thuốc tránh thai khẩn cấp vào cơ thể, thành phần nội tiết tố trong thuốc sẽ được giải phóng và cho các tác động nhất định. Cụ thể như sau:

  • Ức chế quá trình rụng trứng của buồng trứng: Thành phần progestin ngoại sinh sẽ ức chế cơ thể tiết ovestin. Từ đó, ức chế thùy trước tuyến yên tiết FSH và metakentrin. Nhờ vậy, thuốc ngăn cản hiện tượng rụng trứng và giúp tránh thai hiệu quả.
  • Biến đổi niêm dịch cổ tử cung: Progestin trong thuốc tác động lên tuyến thể ở cổ tử cung, làm cho lớp dịch quanh cổ tử cung trở nên đặc dính. Từ đó, ngăn cản tinh trùng đi qua để gặp trứng và hạn chế hiện tượng thụ tinh.
  • Thay đổi hình thái nội mạc tử cung: Progestin và estrogen ngoại sinh do thuốc đưa vào sẽ làm thay đổi hình thái nội mạc tử cung, không cho trứng làm tổ trong tử cung. Nhờ đó, trứng dù đã thụ tinh nhưng không tạo thành phôi, mang lại tác dụng ngừa thai hiệu quả.

Do có tác động lên nội tiết tố của cơ thể, phụ nữ không nên lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp mà chỉ nên sử dụng trong những tình huống “cấp bách”. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thuốc ngừa thai khẩn cấp nên được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Phụ nữ không thường xuyên quan hệ tình dục, phụ nữ không có hoặc không thể sử dụng các biện pháp tránh thai khác như thuốc tránh thai hàng ngày, bao cao su, đặt vòng tránh thai,…
  • Trường hợp 2: Phụ nữ bị xâm hại tình dục và không muốn mang thai.
  • Trường hợp 3: Phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai khác nhưng không thành công như thủng bao cao su, quên uống thuốc tránh thai hàng ngày, tuột bao,… mà không có mong muốn mang thai.

Mặc dù thuốc ngừa thai khẩn cấp vốn được xem là biện pháp hiệu quả và cần thiết trong những trường hợp kể trên, thế nhưng, khả năng tránh thai của thuốc không hoàn toàn tuyệt đối. Theo thống kê, trong số 100 phụ nữ uống thuốc tránh thai khẩn cấp, có khoảng 1-2 phụ nữ vẫn mang thai dù đã sử dụng thuốc trong vòng 72 giờ đầu sau quan hệ tình dục không an toàn.

Bên cạnh đó, thuốc tránh thai khẩn cấp không phù hợp với tất cả phụ nữ. Những người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người đang có bệnh lý, nguy cơ đột quỵ, đau tim, hình thành cục máu đông hoặc các vấn đề về tim mạch,… nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Xem thêm: Phân biệt các loại thuốc tránh thai hàng ngày và cách dùng

Thuốc tránh thai khẩn cấp không phù hợp với tất cả phụ nữ 

Thuốc tránh thai khẩn cấp không phù hợp với tất cả phụ nữ

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có hại không?

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp cho khả năng ngừa thai tương đối cao, có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tránh thai nhanh chóng cùng tính tiện lợi, thuốc cũng tồn tại nhiều tác dụng phụ nếu chị em sử dụng sai cách.

Do đó, bác sĩ sản phụ khoa MEDIPLUS khuyến cáo phụ nữ không nên lạm dụng thuốc tránh thai, mà chỉ nên dùng trong những trường hợp thực sự cần thiết. Nếu có thắc mắc hoặc triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc, cần tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định biện pháp khác an toàn hơn.

Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc ngừa thai khẩn cấp nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách:

Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa

Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ bị buồn nôn và nôn sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Một số tác dụng phụ khác được ghi nhận là đau bụng, đầy hơi, khó tiêu,… Nếu bị nôn trong vòng 2 giờ ngay sau khi dùng thuốc, chị em cần uống bổ sung liều khác để thay thế.

Phản ứng nôn là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc ngừa thai nói chung. Do đó, để hạn chế tình trạng này, chị em nên dùng thuốc trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Khoảng 50% phụ nữ bị buồn nôn và nôn sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Khoảng 50% phụ nữ bị buồn nôn và nôn sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Các vấn đề về thần kinh

Thuốc tránh thai khẩn cấp có tác động đến hệ nội tiết, đặc biệt là các hormone trong cơ thể. Do đó, thuốc sẽ có một vài ảnh hưởng nhất định lên hệ thần kinh. Các tác dụng phụ thường gặp nhất được ghi nhận gồm: nhức đầu, chóng mặt, loạn thị, mệt mỏi,…

Tình trạng trên thường gặp vào buổi sáng, xảy ra ở những phụ nữ mới sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp lần đầu. Tuy nhiên, biểu hiện này chỉ kéo dài trong vòng một đến hai ngày sau khi uống thuốc. Nếu triệu chứng vẫn kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện, tham khảo ngay ý kiến bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.

Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt là tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Biểu hiện này ghi nhận ở khoảng 50% phụ nữ sử dụng thuốc. Trong phần lớn trường hợp, chị em không cần quá lo lắng về tình trạng trên. Bởi lẽ, tác dụng phụ này gây ra do thành phần progestin và estrogen của thuốc có tác dụng gây xuất huyết âm đạo.

Thông thường, hiện tượng chảy máu âm đạo sẽ biến mất sau khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt kế tiếp. Tuy nhiên, trên lâm sàng cũng ghi nhận một vài trường hợp âm đạo bị chảy máu do thai ngoài tử cung hoặc sảy thai. Chị em không nên chủ quan mà cần theo dõi để báo ngay cho bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tình trạng này có thể xảy ra ngay từ lần đầu uống thuốc hoặc đã uống nhiều lần. Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do trong thuốc có chứa progestin – thành phần ức chế hormone sinh dục nữ, đồng thời, ngăn cản quá trình rụng trứng và thụ tinh.

Tùy vào cơ địa mà mỗi chị em sẽ bị rối loạn kinh nguyệt theo các mức độ khác nhau. Theo đó, kỳ kinh có thể đến sớm hoặc muộn hơn so với thời điểm bình thường. Trong trường hợp chị em bị chậm kinh quá 1 tuần, nên dùng que thử thai để kiểm tra hoặc gặp bác sĩ để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định chính xác chị em có mang thai hay không.

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Đau bụng dưới

Trên lâm sàng cũng ghi nhận một vài trường hợp chị em bị đau đột ngột ở vùng bụng dưới. Lúc này, chị em cần theo dõi và đến gặp bác sĩ để thăm khám nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh, tầm soát mang thai ngoài tử cung – biến chứng thường gặp khi sử dụng thất bại thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Tác dụng phụ kéo dài

Thuốc tránh thai khẩn cấp nên được sử dụng trong thời gian quy định với liều dùng phù hợp. Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc, bởi lẽ, việc làm này có thể dẫn đến tình trạng dung nạp thuốc, đưa đến nhiều tác dụng phụ kéo dài bao gồm: tăng cân mất kiểm soát, căng thẳng, stress, trầm cảm, rối loạn huyết áp, loạn nhịp tim hoặc hô hấp,…

Nếu chắc chắn đã mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai, chị em nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong tình huống này, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có các giải pháp phù hợp.

Xem thêm bài viết liên quan: Các biện pháp tránh thai an toàn phổ biến nhất

Nên đến gặp bác sĩ nếu các tác dụng phụ xảy ra kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện

Nên đến gặp bác sĩ nếu các tác dụng phụ xảy ra kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện

Những lưu ý khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp mang lại hiệu quả tránh thai cao và nhanh chóng nên được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa trường hợp có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Để hạn chế tình trạng này, khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp cần chú ý những điều sau:

Đối tượng nào không nên sử dụng thuốc tránh thai?

Phần lớn phụ nữ đều có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, kể cả những trường hợp không thể dùng các biện pháp tránh thai nội tiết khác (miếng dán tránh thai, thuốc tránh thai hàng ngày, cấy mô, thuốc tiêm tránh thai,…) Tuy nhiên, vẫn có một số ít phụ nữ được khuyến cáo không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bản thân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh liên quan đến tim mạch, hệ tuần hoàn, đột quỵ, rối loạn đông máu.

Bên cạnh đó, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nên sử dụng đối với phụ nữ không thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn (tức không có biện pháp bảo vệ). Việc dùng thuốc liên tục sẽ làm giảm tác dụng. Do đó, những phụ nữ quan hệ tình dục thường xuyên cần áp dụng các biện pháp tránh thai khác có tính chất liên tục và kéo dài.

Ngoài ra, thuốc cũng cho hiệu quả tránh thai thấp hơn ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì. Theo đó, các nhà khoa học đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng tiến hành trên phụ nữ uống thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin. Kết quả cho thấy, phụ nữ béo phì (BMI >30) có nguy cơ mang thai cao gấp 3 lần so với phụ nữ không béo phì dù sử dụng thuốc đúng cách.

Do đó, đối với những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, lựa chọn tránh thai tốt nhất là dùng dụng cụ tử cung có chứa đồng. Biện pháp này có hiệu quả tương tự như dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, với khả năng ngừa thai lên tới 99% và kéo dài trong ít nhất là 10 năm.

Một số các lưu ý trong việc dùng thuốc

Thuốc tránh thai khẩn cấp thuộc danh mục thuốc không cần kê đơn. Do đó, chị em có thể mua thuốc một cách dễ dàng tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng cũng như tác dụng phụ không mong muốn do thuốc gây ra, trước khi mua thuốc, chị em cần tìm hiểu rõ về tên biệt dược, thành phần, khuyến cáo và chống chỉ định (nhất là trẻ vị thành niên).

Thuốc tránh thai khẩn cấp có liều lượng cao gấp 4 lần thuốc tránh thai hàng ngày. Do đó, chỉ nên sử dụng tối đa 2 viên/tháng và dùng một cách thận trọng để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như teo niêm mạc tử cung, ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản, nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận, tim mạch, ung thư vú hay ung thư cơ quan sinh sản,…

Trong trường hợp dùng quá liều lượng được khuyến cáo, chị em nên chủ động theo dõi những dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Đồng thời, tiến hành thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời, ngăn chặn những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, thuốc tránh thai khẩn cấp nên được sử dụng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ đầu sau khi quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ. Sau 72 giờ, phụ nữ vẫn có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, hiệu lực tránh thai lúc này không còn cao nữa.

Uống thuốc tránh thai khẩn cấp không có tác dụng phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục (gọi tắt là STDs). Do đó, để chủ động tránh thai cũng như ngừa STDs, chị em phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và đưa ra biện pháp ngừa thai phù hợp, hiệu quả cao mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chức năng sinh sản nói riêng.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp, nếu thấy cơ thể có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, xuất huyết âm đạo nhiều và kéo dài sau vài ngày dùng thuốc, chị em nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và theo dõi.

Thông thường, kỳ kinh nguyệt tiếp theo sẽ xuất hiện trong vòng 1 tháng sau khi dùng thuốc. Hiện tượng này có thể xảy ra đúng ngày, sớm hoặc muộn hơn 1 tuần so với dự kiến. Vì vậy, nếu thấy mình bị chậm kinh quá 1 tuần, chị em nên kiểm tra xem mình có mang thai hay không. Bởi lẽ, trên lâm sàng vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mang thai dù đã uống thuốc trong thời gian quy định.

Cần tuân thủ một số lưu ý để sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn và hiệu quả

Cần tuân thủ một số lưu ý để sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn và hiệu quả

Trên đây là lời giải đáp của MEDIPLUS cho nỗi băn khoăn của nhiều chị em rằng: “Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy hiểm không?” Nhìn chung, thuốc tránh thai khẩn cấp là “con dao hai lưỡi”. Bên cạnh khả năng ngừa thai hiệu quả cao, thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản người sử dụng nếu quá lạm dụng.

Do đó, phụ nữ cần hạn chế lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và tìm những biện pháp ngừa thai khác an toàn hơn như dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai hàng ngày,… Trong trường hợp bất khả kháng phải dùng thuốc, chị em nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, uống thuốc đủ liều lượng và đúng thời gian quy định. Nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900 3366 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị từ bác sĩ chuyên khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng giữa: 8 nguyên nhân, 3 cách khắc phục

    Khi mang thai, cơ thể của mẹ bầu sẽ có nhiều sự thay đổi, đi kèm với đó là mẹ bầu hay bị mất ngủ,…

    16 Th9, 2024
    421

    Chuyên mục: Sản khoa

    Mẹ bầu 3 tháng đầu kiêng ăn gì? 5 Lưu ý cho mẹ

    Thời gian mang thai, khẩu phần ăn của mẹ bầu có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết…

    16 Th9, 2024
    659

    Chuyên mục: Sản khoa

    Mẹ bầu bị điện giật nhẹ con có sao không? 5 Cách xử lý

    Mẹ bầu bị điện giật nhẹ con có sao không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trong quá trình mang thai, cơ thể…

    20 Th11, 2024
    37

    Chuyên mục: Sản khoa

    Mẹ bầu đau rát cổ họng: 7 nguyên nhân, 6 cách chữa trị

    Mẹ bầu đau rát cổ họng là tình trạng khá phổ biến trong thai kỳ, gây ra nhiều khó chịu cho các mẹ. Cảm giác…

    21 Th10, 2024
    142

    Chuyên mục: Sản khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám