Bé 7 tháng ăn được gì? Bé tăng cân và phát triển trí thông minh

Cập nhật 11/05/2023

1.0K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu coi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là giai đoạn đặt viên gạch đầu tiên, giúp trẻ có một khởi đầu tốt nhất, thì giai đoạn từ 7 tháng tuổi trở về sau là giai đoạn đặt viên gạch nền tảng thứ hai đảm bảo giúp con phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, không ít mẹ bỉm sữa thắc mắc “bé 7 tháng ăn được gì” để đáp ứng nhu cầu phát triển của con. Cùng theo dõi chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng MEDIPLUS qua bài viết dưới đây!

Các dưỡng chất cần thiết cho bé 7 tháng tuổi

Từ giai đoạn 7 tháng tuổi trở đi, cân nặng và chiều cao của trẻ tăng khá nhanh khiến cho nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ cũng tăng cao. Song song với sự tăng trưởng, những chuyển hóa cơ bản và các hoạt động sinh lý của bé cũng diễn ra liên tục và luôn yêu cầu một nguồn năng lượng nhất định từ sữa và thức ăn. Giữ vững cân bằng về nhu cầu năng lượng và thức ăn đưa vào là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe cho bé. Chính vì thế, bố mẹ cần biết được những dưỡng chất cần thiết và vai trò của chúng để xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng thật hợp lý, giúp đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của con trong giai đoạn này.

>>> Xem thêm bài viết: Bảng chiều cao cân nặng của bé theo WHO

Cân bằng dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi là yếu tố quan trọng

Cân bằng dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi là yếu tố quan trọng

Nhu cầu năng lượng khuyến nghị ở trẻ 7 tháng tuổi là khoảng 600-650 Kcal/ngày, trong đó 15% từ protein (đạm), 25% từ lipid (chất béo) và 60% từ glucid (chất bột, đường). Những chất dinh dưỡng này không những là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn có nhiều vai trò quan trọng khác:

Protein (đạm)

Protein là thành phần rất cần thiết đối với cơ thể con người. Đặc biệt với trẻ 7 tháng tuổi tốc độ phát triển xương, cơ và các mô lớn nên nhu cầu bổ sung protein cũng càng nhiều. Một số lợi ích quan trọng mà protein mang lại đối với trẻ 7 tháng tuổi bao gồm:

  • Là nguyên vật liệu giúp xây dựng và tái tạo các cấu trúc trong cơ thể.
  • Là thành phần chính của kháng thể giúp chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thực hiện chức năng miễn dịch.
  • Là thành phần của các men và các nội tiết tố (hormone) quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
  • Tham gia vận chuyển một số chất trong máu như calci, sắt, mỡ.
  • Đóng vai trò đặc biệt quan trong trong di truyền, hình thành và hoàn thiện hệ thần kinh, giúp trẻ phát triển cả về trí tuệ và tầm vóc.

Theo chuyên gia Nhi khoa MEDIPLUS, trẻ 7 tháng tuổi cần bổ sung khoảng 1,4g protein/ kg/ ngày và nên sử dụng protein có giá trị sinh học cao như sữa, thịt, trứng.

Lipid (chất béo)

Lipid (hay chất béo) là thành phần dinh dưỡng thiết yếu cần có trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Bởi nó đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của cơ thể.

  • Trực tiếp tham gia xây dựng cơ thể.
  • Tạo mỡ dự trữ ở trong mô mỡ dưới da, quanh các tạng có tác dụng ngăn cản sự tỏa nhiệt.
  • Tăng cường hấp thụ các vitamin tan trong dầu: A, D, E, K và tích trữ chúng.
  • Tăng cảm giác ngon miệng.

Tuy nhiên, nhu cầu lipid của trẻ dưới 1 tuổi được xác định dựa vào lượng chất béo trung bình có trong sữa mẹ và lượng sữa trung bình trẻ được bú. Ở trẻ 7 tháng tuổi đang bú mẹ, vì 50-60% lượng ăn vào là do chất béo của sữa mẹ cung cấp nên khi trẻ ăn bổ sung cần chú ý bổ sung đủ chất béo để tránh tình trạng giảm lượng chất béo đột ngột do bú mẹ ít hơn.

Glucid

Glucid chiếm khối lượng lớn nhất trong các bữa ăn hằng ngày, là nguồn cung cấp năng lượng nhiều nhất cho cơ thể và tham gia nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

  • Glucid là nguyên liệu tham gia vào quá trình hình thành dịch khớp, mô sụn, da, van tim, sợi thần kinh …
  • Tham gia quá trình khử độc gan.
  •  Đảm nhận  nhiệm vụ lưu trữ thông tin di truyền.
  • Góp phần tham gia vào một số hoạt động chuyển hóa trong cơ thể.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu glucid khuyến nghị cho trẻ 7 tháng tuổi là 85-100g/ngày.

Vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất là thành phần dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt trẻ từ 0-12 tháng. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất đảm bảo giúp con phát triển ổn định và cân bằng.

Vitamin A

Vitamin A có vai trò bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt giúp mắt sáng và tránh tình trạng khô mắt. Bên cạnh đó, vitamin A cũng có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể,  giúp trẻ lớn lên, phát triển bình thường và tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Vitamin B

Vitamin B có tác dụng duy trì sức khỏe của tóc, da, hệ thống miễn dịch và quá trình chuyển hóa glucid (chất bột, đường) và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của não bộ. Vitamin B gồm nhiều loại: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Mỗi loại đều có những vai trò đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung, vitamin nhóm B đều có tác dụng hỗ trợ quá trình sản xuất năng lượng cũng như hoạt động trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào.

Vitamin C

Vitamin C cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen và một số chất dẫn truyền thần kinh. Trong đó, collagen là thành phần thiết yếu của mô liên kết, đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương. Ngoài ra, vitamin C còn tham gia vào chức năng miễn dịch và tăng cường hấp thu sắt trong thực phẩm.

Vitamin D

Vitamin D có vai trò kích thích vận chuyển và lắng đọng canxi vào xương thông qua việc giữ cân bằng canxi trong máu, giúp xương phát triển tốt và vững chắc. Nếu thiếu vitamin D, trẻ có nguy cơ mắc bệnh còi xương, thấp còi, biến dạng lồng ngực và gù vẹo cột sống.

Canxi

Canxi là một chất dinh dưỡng được hấp thu tại ruột nhờ sự thúc đẩy của vitamin D, giúp hình thành hệ thống xương, răng chắc khỏe. Canxi còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cơ bắp, duy trì hoạt động cơ tim và quá trình đông máu của cơ thể. Vì vậy nếu bị hạ canxi máu, trẻ có nguy cơ xuất hiện cơn co giật (cơn tetani), bỏ bú, rối loạn nhịp tim… Khi đó trẻ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Sắt

Sắt giúp cơ thể bé có được hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, sắt tham gia quá trình tạo hồng cầu trong máu, đảm nhiệm vai trò trong việc phát triển thể chất, trí não và tinh thần cho bé. Sự thiếu hụt sắt dẫn đến tình trạng thiếu máu và nhiều nghiên cứu còn cho thấy gây ra sự khiếm khuyết trong  tư duy và vận động cho trẻ.

>>> Xem chi tiết: Bổ sung sắt cho bé dưới 6 tuổi như thế nào cho đúng và đủ?

Kẽm

Kẽm có vai trò chính là duy trì chức năng miễn dịch, đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu và sửa chữa các tế bào. Bên cạnh đó, kẽm còn có tác dụng tích cực đối với khả năng nhận thức và phát triển của trẻ. Từ giai đoạn 7 tháng tuổi, sữa mẹ không còn khả năng cung cấp đủ nhu cầu kẽm của bé, vì vậy bổ sung cho trẻ các thực phẩm có chứa kẽm là điều quan trọng.

Trẻ nên được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết giúp phát triển toàn diện

Trẻ nên được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết giúp phát triển toàn diện

Bé 7 tháng tuổi ăn được gì và dạng thực phẩm nào?

Bé 7 tháng nhựng mẹ chưa biết bé ăn được gì? Đây là thắc mắc dễ hiểu của không ít chị em khi lần đầu làm mẹ. Liệu lượng sữa mẹ hàng ngày có bổ sung đủ dinh dưỡng cho con hay không? 7 tháng tuổi đã bổ sung đồ ăn dặm cho con được chưa?

Chuyên gia dinh dưỡng MEDIPLUS cho biết: Từ sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ dần không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, do đó đây là giai đoạn bố mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm, ăn sam). Từ 6 tháng tuổi, mẹ nên tập cho trẻ ăn từ bột loãng với hàm lượng tăng dần và nấu đặc dần khi trẻ được 7 tháng tuổi. Đồng thời, mẹ cũng nên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm trong chế biến để con không bị chán ăn.

Thành phần của bữa ăn bổ sung phải gồm đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản sau đây mẹ cần nhớ:

  • Nhóm lương thực chủ yếu cung cấp năng lượng, glucid (chất bột, đường)
  • Nhóm cung cấp protein (đạm)
  • Nhóm cung cấp lipid (chất béo)
  • Nhóm cung cấp chất khoáng và vitamin.
Bữa ăn bổ sung của bé cần có đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản

Bữa ăn bổ sung của bé cần có đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia có thể chia các nhóm thực phẩm cần bổ sung vào thực đơn của trẻ 7 tháng tuổi chi tiết thành 8 nhóm. Dựa vào đó, mẹ cần thay đổi đa dạng các loại thực phẩm, các món ăn, theo từng ngày, đảm bảo cho bé được ăn đủ 8 nhóm thực phẩm trong ngày. Cụ thể thì mẹ tham khảo bảng dưới đây:

Nhóm thực phẩm bổ sung Thành phần
Nguồn cung cấp glucid (chất bột, đường) Nhóm 1: Nhóm lương thực: gồm ngũ cốc (gạo, ngô), khoai củ, …
Nguồn cung cấp protein (chất đạm) Nhóm 2: Nhóm hạt các loại: đậu, đỗ, vừng, lạc

Nhóm 3: Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa

Nhóm 4: Nhóm thịt và các loại cá, hải sản

Nhóm 5: Nhóm trứng và các loại sản phẩm từ trứng

Nguồn cung cấp vitamin, chất xơ, khoáng chất Nhóm 6: Nhóm củ, quả có màu vàng, màu cam, màu đỏ: cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua…, hoặc rau tươi màu xanh thẫm

Nhóm 7: Nhóm rau, củ, quả khác: su hào, củ cải

Nguồn cung cấp lipid (chất béo) Nhóm 8: Nhóm dầu, mỡ các loại

Một vấn đề nữa được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Chế độ ăn bổ sung của trẻ 7 tháng tuổi là 2 bữa bột đặc/ ngày, mỗi bữa khoảng 200ml. Các thực phẩm mà mẹ bỉm có thể lựa chọn để chế biến cho con như:

  • Trứng gà
  • Thịt xay nhuyễn: ức gà, cá, thịt nạc…
  • Các loại củ hấp chín và nghiền: cà rốt, củ cải,…
  • Rau xanh nghiền: rau ngót, rau cải,…
  • Trái cây xay nhuyễn, nước ép: chuối, cam, táo,…

Một số gợi ý thực đơn cho bé 7 tháng tuổi

Để bổ sung dinh dưỡng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của con khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé, bố mẹ cần nắm được các nguyên tắc sau:

  • Bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin
  • Cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc
  • Đa dạng hóa, thay đổi các loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn
  • Không nên nêm gia vị (đường, mắm, muối…) vào đồ ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi vì nhu cầu đường muối của bé hoàn toàn được đáp ứng qua sữa mẹ và các thực phẩm khác.
  • Giúp trẻ thích thú với bữa ăn bằng cách tô màu bát bột với các thực phẩm có màu sắc.
Mẹ nên chế biến đa dạng các món và bữa ăn để tạo cảm giác thích ăn cho bé

Mẹ nên chế biến đa dạng các món và bữa ăn để tạo cảm giác thích ăn cho bé

Bố mẹ có thể đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ bằng cách thay đổi các loại thực phẩm chế biến mỗi bữa mỗi ngày. Dưới đây là một số thực đơn gợi ý có thể giúp việc lựa chọn thực phẩm cho trẻ dễ dàng hơn.

MẪU THỰC ĐƠN CHO BÉ No1

Thứ 9 giờ 30 15 giờ 30 17h30
2, 4 Bột thịt nạc, bí đỏ Bột thịt gà, rau cải Nước cam ép
3, 5 Bột trứng, cà rốt Bột cá hồi, bí đỏ Chuối xay
6, chủ nhật Bột thịt bò, rau mồng tơi Bột thịt nạc, bông cải Nước táo ép
7 Bột tôm, bí xanh Bột thịt gà, rau ngót Đu đủ xay

MẪU THỰC ĐƠN Số2

Thứ 9 giờ 30 15 giờ 30 17h30
2, 4 Bột thịt bò, súp lơ Bột trứng, rau dền Nước dưa hấu ép
3, 5 Bột cá, cà rốt Bột đậu xanh, bí đỏ Nước nho ép
6, chủ nhật Bột thịt heo, bí xanh Bột tôm, củ cải trắng Xoài xay
7 Bột trứng, cà chua Bột thịt bò, cải bó xôi Bơ xay

MẪU THỰC ĐƠN Số3

Thứ 9 giờ 30 15 giờ 30 17h30
2, 4 Bột gan heo, cà rốt Bột đậu nành, bí đỏ Nước dâu tây ép
3, 5 Bột cá quả, đậu Hà Lan Bột thịt bò, bắp cải xanh Chuối xay
6, chủ nhật Bột thịt heo, rau ngót Bột tôm, bí xanh Nước lê ép
7 Bột cua, rau mồng tơi Bột trứng, cà rốt Nước cam ép

Như vậy, trong giai đoạn đầu đời, muốn trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần thì việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng phù hợp là vô cùng quan trọng. Cụ thể, đối với trẻ giai đoạn 7 tháng tuổi, cần cho trẻ những bữa ăn bổ sung vừa đủ về lượng, vừa phải giàu dinh dưỡng và vẫn cần kết hợp bổ sung từ nguồn sữa mẹ.

Hy vọng thông qua bài viết trên đã giúp các mẹ bỉm sữa giải đáp được thắc mắc “bé 7 tháng ăn được gì?” Hãy là những bà mẹ thông thái, chăm con đúng cách để con được phát triển một cách toàn diện nhất.

*Bài viết chia sẻ và chỉ mang tính tham khảo thêm không thay thế phác đồ y khoa!

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám