Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, trượt đĩa đệm cách chữa thế nào?

Cập nhật 10/05/2023

1.8K

TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tham vấn y khoa:TS. BSCKII Lê Quốc Việt

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý khá phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động và có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp gây đau nhức vùng cổ vai gáy kéo dài, tê bì tay chân, thậm chí là tàn phế nếu không được chẩn đoán, điều trị đúng. Vậy có thể nhận biết sớm thoát vị đĩa đệm cột sống cổ qua những triệu chứng nào? Những biến chứng nguy hiểm nào có thể xảy ra ở người bệnh?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Cột sống của cơ thể con người có từ 33-35 đốt sống, được chia thành các đoạn: cổ, ngực, thắt lưng, cùng cụt, trong đó cột sống cổ gồm 7 đốt sống (C1 – C7). Giữa những đốt sống này là các đĩa đệm có chức năng nâng đỡ cột sống giúp cơ thể vận động dễ dàng và có tác dụng giảm xóc, giảm bớt lực chấn động phát sinh khi chạy, nhảy hoặc mang vác nặng giúp cột sống tránh khỏi những chấn thương.

Đĩa đệm là một cấu trúc gồm 3 phần: nhân nhầy nằm giữa, bọc ngoài là bao xơ gồm nhiều vòng xơ sụn chắc và đàn hồi, 2 tấm sụn gắn đĩa đệm với cột sống liền kề. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách, nứt do chấn thương, thoái hóa; tạo điều kiện cho các khối nhân nhầy bên trong theo các vết nứt, vết rách thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép lên ống sống hay rễ thần kinh gây đau đớn cho người bệnh.

Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa các đốt sống giúp nâng đỡ cột sống

Đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa các đốt sống giúp nâng đỡ cột sống

Tỷ lệ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tăng dần theo độ tuổi đối với cả nam và nữ, thường gặp ở những người có độ tuổi 30 – 50. Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới, chiếm hơn 60% các trường hợp. Các đĩa đệm đều có nguy cơ bị thoát vị, nhưng thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5 – C6 và C6 – C7.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị là do phần đĩa đệm thường xuyên phải chịu áp lực cao khiến tình trạng loạn dưỡng và thoái hóa sớm xuất hiện. Một số nghề nghiệp phải thường xuyên mang vác nặng, tư thế lao động phải ngồi nhiều như thợ may, lái xe,… cùng với yếu tố di truyền hoặc nhiễm khuẩn cột sống cổ đã thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ. Khi đó, chỉ cần một chấn thương nhẹ hoặc một động tác sai tư thế cũng có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.

>>>Bài viết liên quan: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Biến chứng liệt thân dưới

Các triệu chứng khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ thoát vị, có gây chèn ép tủy sống, rễ thần kinh hay không mà người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ có các biểu hiện khác nhau. Một số dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:

  • Đau căng cứng vùng cổ: Hầu hết người bệnh có triệu chứng này do tình trạng co cứng các cơ cạnh cột sống cổ. Mức độ đau thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy vào tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn đầu, cột sống cổ của người bệnh chỉ bị cứng, gây khó quay đầu và cúi ngửa; sau xuất hiện cơn đau vùng chẩm gáy lan xuống vai và đau tăng khi làm việc nặng.
  • Tê bì chân tay: Triệu chứng xảy ra khi khối thoát vị đã chèn ép một phần vào dây thần kinh hay tủy sống. Người bệnh thường tê bì và giảm cảm giác vùng bả vai, đầu gối, bắp chân, gót chân, hay gặp nhất là tê bì như kiến bò ở lòng bàn tay và đầu các ngón tay khiến người bệnh rất khó chịu.
  • Hạn chế vận động: Cử động cổ và cánh tay bị hạn chế, không thể đưa tay vòng ra sau lưng hoặc giơ lên cao, khó khăn trong việc cúi đầu hay xoay cổ, đi lại mất thăng bằng.
  • Yếu cơ: Khi các dây thần kinh cổ bị chèn ép, các cơ do nó chi phối sẽ bị yếu đi, cụ thể là các cơ vùng vai, cánh tay, cẳng tay và bàn tay, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh.
  • Một số triệu chứng khác: Một số người bệnh có biểu hiện đau một bên ngực, khó thở, táo bón và bí tiểu. Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thoát vị đang tiến triển nặng dần lên và cần được điều trị kịp thời.
Thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh đau căng cứng vùng cổ

Thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh đau căng cứng vùng cổ

Chẩn đoán sớm tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Khi xuất hiện những triệu chứng vừa được đề cập ở trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán sớm. Đồng thời, bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá kỹ hơn các cơ quan để chẩn đoán sơ bộ mức độ tổn thương thần kinh, tủy sống. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán và xác định vị trí cũng như mức độ thoát vị đĩa đệm:

  • Chụp X quang cột sống: Có ý nghĩa đánh giá đường cong sinh lý của cột sống cổ, tình trạng mất vững cột sống, loại trừ các nguyên nhân gây đau khác.
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống (MRI): Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất giúp đánh giá tủy sống, thần kinh, các mô mềm xung quanh, từ đó giúp xác định được mức độ thoát vị địa đệm.
  • Điện cơ: Phương pháp này sử dụng các xung điện để đo lường mức độ tổn thương thần kinh do thoát vị đĩa đệm chèn ép các rễ thần kinh, ngoài ra đây cũng là kĩ thuật giúp để loại trừ một số bệnh lý thần kinh khác.
Chụp X quang, MRI cột sống cổ thường được chỉ định để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Chụp X quang, MRI cột sống cổ thường được chỉ định để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Biến chứng nguy hiểm do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ra

Khi người bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, tình trạng thoát vị đĩa đệm sẽ tiến triển ngày càng nặng, chèn ép các tổ chức cận kề gây nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Thiếu máu não: Khối đĩa đệm cột sống cổ thoát vị gây chèn ép lên hệ động mạch đốt sống, cản trở tuần hoàn máu lên não dẫn đến tình trạng thiếu máu não.
  • Đau lan rộng: Khi nhóm rễ thần kinh cổ bị tổn thương, chèn ép, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức nhối, đau như điện giật, đau tăng lên khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ. Đau lan từ gáy xuống cánh tay, cẳng tay, có thể đến các ngón tay. Thậm chí, những cơn đau nặng có thể lan dọc cột sống xuống toàn bộ lưng, đến mông, đùi, cẳng chân khiến những bộ phận này trở nên kém linh hoạt.
  • Hẹp ống sống cổ: Thoát vị đĩa đệm gây biến chứng hẹp ống sống với nhiều mức độ khác nhau, gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau, tê bì ở vai, bả vai, cánh tay, thậm chí gây teo cơ. Cơn đau có xu hướng giảm khi nằm nghỉ ngơi và đau tăng khi đứng hoặc ngồi lâu.
  • Chèn ép tủy: Khi xảy ra biến chứng chèn ép tủy, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn vận động, rối loạn cảm giác ở cả chi trên và chi dưới, thường rầm rộ với bệnh cảnh liệt tứ chi, khi đó cần phải phẫu thuật sớm.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Biến chứng này thường biểu hiện bởi tình trạng chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng. Thậm chí, người bệnh nặng có thể bị đau nhức hốc mắt, cảm giác mắt mờ từng cơn và hạ huyết áp.
  • Nguy cơ bị liệt vĩnh viễn: Khi đĩa đệm cột sống cổ thoát vị và chèn ép lên dây thần kinh, tủy sống cổ kéo dài, gây đau, tê bì, yếu cơ cả tay và chân. Nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến liệt tứ chi vĩnh viễn.
Thiếu máu não là một biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thiếu máu não là một biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cần lưu ý

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Tùy theo mức độ tổn thương của thoát vị đĩa đệm, có những chỉ định điều trị khác nhau ở từng người bệnh. Hiện nay, các phương pháp điều trị thường được áp dụng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bao gồm:

Điều trị bảo tồn bất động cột sống cổ

Trong giai đoạn cấp đang đau nhiều, người bệnh cần nằm nghỉ tại giường, đeo nẹp cổ khi ngồi và khi đi lại trong 1-3 ngày đầu, với mục đích làm giảm phù nề và giảm đau cột sống.

Điều trị dùng thuốc

Đây là biện pháp chủ yếu để làm điều trị các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Các thuốc thường hay được dùng như:

  • Thuốc giảm đau: paracetamol, tramadol
  • Thuốc chống viêm không steroid: Meloxicam, naproxen, ibuprofen, …
  • Thuốc giãn cơ vân: eperisone, decontractyl, mydocalm,…

*Lưu ý: Người bệnh sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và không lạm dụng thuốc tránh các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Điều trị phẫu thuật

Đa số người bệnh thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật, tuy nhiên trong các trường hợp điều trị bảo tồn, dùng thuốc thất bại và có các biến chứng do chèn ép thần kinh, tủy cổ thì chỉ định phẫu thuật cần được đặt ra. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay:

  • Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp ít xâm lấn, ít tàn phá cơ, phần mềm, hiệu quả nhanh. Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh cấp tính hoặc điều trị nội khoa thất bại.
  • Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo: Bảo tồn được biên độ vận động của đĩa đệm, tuy nhiên chỉ áp dụng được khi người bệnh bị viêm khớp, loãng xương hoặc có nhiều đĩa đệm cùng bị thoái hóa.
  • Phẫu thuật hợp nhất cột sống: Người bệnh được lấy bỏ đĩa đệm, hàn xương liên thân đốt, cố định cột sống. Ưu điểm của phương pháp này là lấy bỏ rộng rãi thoát vị đĩa đệm và đĩa đệm thoái hóa, cố định vững chắc cột sống cổ. Tuy nhiên, phương pháp có nhược điểm làm mất biên độ vận động cổ, gây thoái hóa các tầng liền kề nhanh hơn. Do đó, thường chỉ được thực hiện khi không áp dụng được phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo.

>>>Bạn cần biết: Phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt Hà Nội

Thăm khám và điều trị thoát vị đĩa đệm cốt sống cổ

Thăm khám và điều trị thoát vị đĩa đệm cốt sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ qua đó có hướng phòng và điều trị bệnh hiệu quả.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới Fanpage của Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để nhận được giải đáp từ chuyên gia một cách nhanh chóng.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    TƯ VẤN NGAY VỚI TIẾN SĨ CƠ XƯƠNG KHỚP

    Đặt lịch tư vấn khám và điều trị bệnh cơ xương khớp với các chuyên gia.



    Bài viết liên quan

    Bị đau cánh tay trái, cảnh báo bệnh gì? Mách bạn cách điều trị hiệu quả

    Đau cánh tay trái có thể nguy hiểm nếu là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng và đi kèm một số triệu chứng…

    22 Th1, 2024
    1.0K

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    [Gợi ý] 6 cách trị gai cột sống lưng tại nhà và 7 lưu ý

    Gai cột sống lưng là một vấn đề phổ biến gây ra đau đớn và khó chịu cho nhiều người. Việc tìm kiếm các phương…

    22 Th10, 2024
    107

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Loãng xương ở người trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

    Loãng xương là tình trạng xương bị mỏng dần, giòn hoặc xốp xương thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng…

    28 Th2, 2024
    578

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đo loãng xương: Phương pháp, chỉ số và ý nghĩa kết quả

    Mọi người thường lầm tưởng rằng những tác động ảnh hưởng đến xương sẽ do các hoạt động mạnh hay tai nạn, té ngã. Nhưng…

    19 Th2, 2024
    1.9K

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám