Sùi mào gà lây qua đường nào [Bác sĩ trả lời]

Cập nhật 09/05/2023

1.3K

BSCKI Mai Văn Lực

Tham vấn y khoa:BSCKI Mai Văn Lực

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Bệnh Xã Hội

Sùi mào gà là bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến hiện nay. Bệnh thường có xu hướng lây lan nhanh nếu không biết phòng tránh. Vậy bệnh sùi mào gà có thể lây qua những con đường nào ngoài việc có quan hệ không an toàn? Làm sao để phòng ngừa bệnh? Và khi nào cần thăm khám với bác sĩ? Cùng theo dõi chi tiết những chia sẻ từ MEDIPLUS qua vài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích chăm sóc sức khỏe.

Bệnh sùi mào gà lây qua đường nào?

Sùi mào gà được biết đến với nguyên nhân chính là do virus Human Papillomavirus (HPV). HPV thường lây truyền qua đường tiếp xúc với da hoặc niêm mạc bị tổn thương, virus xâm nhập vào các tế bào của lớp đáy biểu bì thông qua các vết xước nhỏ. Đặc biệt, HPV có thể lây truyền sang cho người khác kể cả khi không có dấu hiệu hay triệu chứng. Tỷ lệ nhiễm HPV đường sinh dục khoảng 10-20%, trong đó chỉ 1% có biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, nắm vững được những con đường lây nhiễm sùi mào gà sẽ giúp chúng ta có cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh hiệu quả hơn.

Tham vấn y khoa Bác sĩ Trương Văn Phi – Tổ hợp Y tế MEDIPLUS cho biết, bệnh sùi mào gà thường lây truyền thông qua 3 con đường chính: quan hệ tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con và sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm.

>>> Xem thêm: Hình ảnh sùi mào gà ở nam và nữ

HPV là nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà

HPV là nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà

Qua quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn là con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh lý sùi mào gà. Nguy cơ nhiễm HPV thường cao ở những người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không có dụng cụ bảo vệ. Và khi một người đã bị nhiễm HPV thì nguy cơ lây truyền cho bạn tình có thể xảy ra dưới bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào:

  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người nhiễm HPV, đặc biệt khi không dùng bao cao su an toàn.
  • Qua tiếp xúc ngoài da với bộ phận sinh dục, HPV có thể lây nhiễm cho bạn tình kể cả khi quan hệ tình dục không xâm nhập.
  • Sử dụng chung đồ chơi tình dục nhưng không vệ sinh sạch sẽ.
Sùi mào gà lây qua việc quan hệ tình dục không an toàn

Sùi mào gà lây qua việc quan hệ tình dục không an toàn

Sùi mào gà lây từ mẹ sang con

HPV có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai và trong quá trình chuyển dạ. Có tới 80% trẻ sơ sinh được sinh ra từ những phụ nữ bị nhiễm HPV sinh dục có thể phát hiện được HPV trong dịch hút mũi họng hoặc niêm mạc miệng. Tuy tỷ lệ phát hiện HPV cao nhưng biểu hiện bệnh ở trẻ em không phổ biến, chỉ có một vài trường hợp hiếm gặp có thể phát triển thành bệnh u nhú đường hô hấp.

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai mắc bệnh sùi mào gà, sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến mụn cóc phát triển nhanh hơn về cả kích thước và số lượng, thậm chí chảy máu. Do đó, phụ nữ mang thai mắc bệnh sùi mào gà cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Sùi mào ga lây nhiễm từ mẹ sang con

Sùi mào ga lây nhiễm từ mẹ sang con

Sử dụng chung đồ dùng cá nhân

HPV có trong các dịch tiết, từ đó có thể bám dính, tồn tại trên các đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn tắm, quần lót, bàn chải,… Do đó, khi dùng chung những đồ này với người bệnh thì nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

Sử dụng chung dụng cụ cá nhân cũng làm tăng nguy cơ nhiễm sùi mào gà

Sử dụng chung dụng cụ cá nhân cũng làm tăng nguy cơ nhiễm sùi mào gà

Biện pháp phòng ngừa mắc bệnh sùi mào gà

Hiện nay, mặc dù các phương pháp điều trị có thể loại bỏ mụn cóc nhưng không loại bỏ được hoàn toàn HPV, do đó cần có biện pháp phòng ngừa tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này. Từ những hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh và các con đường lây truyền, có các cách phòng ngừa mắc bệnh sùi mào gà như sau:

Tiêm vacxin HPV

HPV đã được xác định hơn 200 loại, trong đó có hơn 40 loại có thể gây bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Trong số này, HPV loại 6, 11 được phát hiện ở khoảng 90% trường hợp sùi mào gà. Tiêm phòng HPV được đánh giá là an toàn và có hiệu quả cao trong phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến HPV như bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung…

Tại Việt Nam, Vacxin HPV được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất. Số liều tiêm tùy thuộc vào loại vacxin và độ tuổi tiêm.

Hiện nay, trên thị trường có các loại vacxin HPV là vacxin Cervarix (phòng 2 loại HPV 16,18), Gardasil 4 (phòng 4 loại HPV 6, 11, 16, 18) và Gardasil 9 (phòng 9 loại HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58). Để phòng ngừa bệnh sùi mào gà và cả ung thư gây ra bởi HPV, đặc biệt là ung thư cổ tử cung thì nên lựa chọn tiêm vacxin Gardasil 4 hoặc Gardasil 9.

Tiêm vacxin HPV là cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà an toàn và hiệu quả

Tiêm vacxin HPV là cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà an toàn và hiệu quả

Quan hệ tình dục an toàn

Như đã đề cập, đây là con đường lây nhiễm sùi mào gà với tỷ lệ khá cao. Việc sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục sẽ làm giảm khả năng bị lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, HPV vẫn có thể lây nhiễm vào những vùng không được bao cao su bao phủ, nên đây không phải là cách có thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi HPV mà cần phối hợp với các biện pháp khác.

Ngoài ra, bạn cũng nên có mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng hoặc chỉ quan hệ tình dục với người chỉ quan hệ với bạn.

Vệ sinh cá nhân

Bạn cần có thói quen vệ sinh cá nhân, cơ quan sinh dục và cả đồ chơi tình dục sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, tránh dùng chung bất kỳ đồ dùng cá nhân nào của người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm HPV và các loại virus gây bệnh khác.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp chống lại các tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh khác. Cụ thể:

  • Lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm, vitamin nhóm B, C, …
  • Tránh các loại đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế uống rượu bia, trà, cà phê, …

Bên cạnh đó, bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc các chất kích thích cũng là cần thiết vì hút thuốc (kể cả chủ động và thụ động) là yếu tố ảnh hưởng sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà nếu gặp phải các tác nhân gây bệnh.

>>> Xem thêm bài viết: Đốt sùi mào gà những lưu ý cần biết

Nên gặp bác sĩ sớm nếu có các triệu chứng

Sau khi nhiễm HPV, thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virus đến khi có triệu chứng) có thể kéo dài từ 3 tuần – 8 tháng tùy vào từng trường hợp. Nam giới thường có triệu chứng sùi mào gà sớm hơn và dễ phát hiện hơn nữ giới. Bệnh sùi mào gà đặc trưng bởi các nốt sùi với các đặc điểm:

Vị trí sùi mào gà xuất hiện

  • Ở phụ nữ, nốt sùi mào gà có thể mọc trên âm hộ, thành âm đạo, khu vực giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn, ống hậu môn và cổ tử cung.
  • Ở nam giới, chúng có thể xuất hiện ở đầu hoặc thân dương vật, bìu hoặc hậu môn.
  • Các nốt sùi cũng có thể phát triển trong miệng hoặc cổ họng người bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sùi mào gà bao gồm

  • Nốt sùi có thể đơn lẻ hoặc thành cụm, có thể phẳng, hình vòm, hình súp lơ, hình sợi, hình nấm, có cuống, hình não, dạng mảng, nhẵn (đặc biệt là trên thân dương vật), sần sùi hoặc chia thùy.
  • Màu sắc khác nhau: có thể có màu trắng, màu da, ban đỏ (hồng hoặc đỏ), màu tím, nâu hoặc tăng sắc tố.
  • Nốt sùi thường mềm khi sờ và có thể có đường kính từ 1mm đến hơn vài cm, thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ngứa, thậm chí đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
  • Lan rộng có thể gây biến dạng rõ rệt vùng hậu môn sinh dục và gây cản trở đại tiện.
  • Nốt sùi niệu đạo có thể dẫn đến chảy máu niệu đạo (bao gồm cả chảy máu khi quan hệ tình dục) và trong một số ít trường hợp gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
Bệnh sùi mào gà khiến người bệnh khó chịu, tự ti

Bệnh sùi mào gà khiến người bệnh khó chịu, tự ti

Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ sùi mào gà như trên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh như tiến triển thành bệnh ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả hai giới.

Sùi mào gà là căn bệnh xã hội nguy hiểm với khả năng lây truyền nhanh qua nhiều cách khác nhau, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản và sinh hoạt của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn biết được những con đường lây truyền và cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH KHÁM & TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Đặt lịch ngay để được Tư vấn và thăm khám trực tiếp với các Bác sĩ chuyên gia đầu ngành



    Bài viết liên quan

    Sùi mào gà ở lưỡi có dấu hiệu gì? Gợi ý 6 Cách điều trị

    Sùi mào gà ở lưỡi có thể là một vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bạn. Để nhận…

    29 Th10, 2024
    1.1K

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Sùi mào gà có lây qua nước bọt không? Có nguy hiểm không?

    Sùi mào gà là một loại bệnh xã hội khá phổ biến và thường chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Bệnh này không…

    29 Th10, 2024
    676

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Hôn nhau có lây sùi mào gà không? 4 cách phòng bệnh

    Nhiều cặp đôi thắc mắc là khi hôn nhau có lây sùi mào gà không? Hôn nhau được xem là một cách truyền tải tình…

    22 Th9, 2024
    441

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Bệnh giang mai ở dương vật có chữa được không?

    Giang mai là một căn bệnh truyền nhiễm, thường lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh…

    29 Th10, 2024
    275

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám