U cột sống có nguy hiểm không: 3 nguyên nhân, 2 cách điều trị

Cập nhật 16/10/2024

21

Tác giả:Phạm Quang Nam

Chuyên mục:Cơ - Xương - Khớp

U cột sống có nguy hiểm không? Căn bệnh này có anh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người bệnh? Nên điều trị khối u cột sống như thế nào? Tất cả các vấn đề trên sẽ được Tổ hợp y tế MEDIPLUS giải đáp trong bài viết dưới đây. Bạn đọc đừng bỏ lỡ nhé. 

1. U cột sống là gì?

Cột sống (spine) bao gồm 33 đốt xương và đĩa đệm, với cấu trúc đặc biệt gồm thân sống phía trước để chịu trọng lực và ống sống (spinal canal) phía sau để bảo vệ tủy sống. 

Tủy sống là bộ phận của hệ thần kinh trung ương, nằm trong một khung ống do xương sống và dây chằng tạo thành. Tủy sống được bao bọc bởi ba lớp màng: Màng nuôi (cung cấp dinh dưỡng), màng nhện (chứa dịch tủy) và màng cứng, bảo vệ và duy trì chức năng của nó.

U cột sống là khi cột sống xuất hiện các mô bất thường, nằm trong tủy sống

U cột sống là khi cột sống xuất hiện các mô bất thường, nằm trong tủy sống

U cột sống là tình trạng xuất hiện các khối mô bất thường tại cột sống, có thể nằm trong tủy sống hoặc ống đốt sống. Khi các tế bào này phát triển mất kiểm soát, chúng hình thành những khối u. Dựa trên mô học, u cột sống được chia thành hai loại: Nguyên phát và thứ phát.

  • U nguyên phát xuất phát từ sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào trong mô cột sống, có thể là lành tính hoặc ác tính (ung thư).
  • U thứ phát là khối u do sự di căn từ một ung thư khác ở cơ quan khác đến cột sống.

2. Phân loại u cột sống

Các loại u cột sống theo vị trí bệnh

U đốt sống có thể được phân loại đơn giản theo vị trí xuất hiện trong cột sống. Dựa trên cấu trúc giải phẫu của cơ thể người, các loại u cột sống bao gồm:

  • U cột sống cổ
  • U cột sống ngực
  • U cột sống thắt lưng – cùng
U đốt sống cổ

U đốt sống cổ

Các loại u cột sống theo cấu trúc tế bào

Khi nói đến khối u cột sống, việc xác định loại tế bào tạo thành khối u là rất quan trọng vì điều này ảnh hưởng đến phương pháp điều trị. Dựa trên cấu trúc màng bảo vệ tủy sống, được gọi là màng cứng (dura), u cột sống được phân loại thành ba loại chính:

  • U trong màng cứng – ngoài tủy: Khối u này xuất phát từ màng nhện, một thành phần của màng não – tủy, và là loại u có tỷ lệ mắc cao nhất. Mặc dù không xâm lấn hay di căn, nhưng chúng có tỷ lệ tái phát cao do khó khăn trong việc cắt bỏ hoàn toàn.
  • U tủy sống – U nội tủy: Đây là những khối u có bản chất tế bào của tủy sống, bao gồm các loại phổ biến như u tế bào sao (astrocytoma) và u màng nội tủy (ependymoma). Hai loại này thường là lành tính và thường xuất hiện ở vùng cột sống cổ. U mỡ nội tủy cũng được xếp vào nhóm này.
  • U ngoài màng cứng: Các khối u cột sống trong nhóm này phát sinh từ các tế bào nằm bên ngoài màng cứng. Nhóm này cũng bao gồm các khối u của xương đốt sống, cả lành tính và ác tính. Khối u ngoài màng cứng có thể phát triển vào lòng ống sống, gây hội chứng chèn ép tủy hoặc xâm lấn ra ngoài ống sống qua lỗ liên đốt sống, dẫn đến triệu chứng đặc trưng theo chức năng của rễ thần kinh bị chèn ép.

Hầu hết các loại u ở đây đều do di căn từ các cơ quan khác, ngoại trừ u tế bào Schwann, nguyên phát ở vùng này. Tế bào Schwann hỗ trợ nuôi dưỡng và tăng tốc độ dẫn truyền của sợi thần kinh. 

U di căn cột sống

Khối u cột sống có thể do ung thư nguyên phát từ các cơ quan khác di căn đến. Cột sống là nơi thường gặp nhất để ung thư di căn, đặc biệt là từ ung thư xương, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt.

Ở nam giới, ung thư phổi là loại ung thư di căn đến xương phổ biến nhất, trong khi ở nữ giới, ung thư vú dẫn đầu. Ngoài ra, các loại ung thư khác như đa u tủy, lymphoma, melanoma, sarcoma, cũng như ung thư đường tiêu hóa, thận và tuyến giáp cũng có khả năng di căn đến cột sống.

U cột sống ở trẻ em

Khối u cột sống nguyên phát ở trẻ em là một dạng u hiếm gặp, với nhiều loại khác nhau như u xương dạng xương, u hạt ái toan, phình mạch nang xương, chordoma, u nguyên bào xương, u sụn xương, sarcoma xương, dị sản sợi, u sợi, sarcoma Ewing, mesenchymal chondrosarcoma, u tế bào khổng lồ của xương, sarcoma mạch máu và u mạch máu.

U đốt sống ở trẻ em

U đốt sống ở trẻ em

Việc điều trị phụ thuộc vào loại u và cần xem xét nhiều yếu tố do hệ cơ xương của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, bao gồm độ vững của cột sống, liệu có cần can thiệp phẫu thuật hay không, và cách bảo tồn chức năng thần kinh của trẻ.

Tìm hiểu: Cột sống lưng bị lõm có nguy hiểm không? 3 cách chữa

3. U cột sống có nguy hiểm không?

U cột sống có nguy hiểm không? Đây là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để giảm thiểu biến chứng cho sức khỏe. Cả khối u lành tính và ác tính đều có thể chèn ép dây thần kinh cột sống, dẫn đến giảm hoặc mất cảm giác ở các vùng dưới vị trí khối u. Tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng ruột và bàng quang, như khó tiểu tiện và táo bón.

U cột sống có nguy hiểm không?

U cột sống có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị đúng cách, khối u cột sống có thể làm hỏng xương cột sống, tăng nguy cơ gãy xương đột ngột, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ về u cột sống, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị an toàn.

*Lưu ý: Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau hay kháng sinh mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Bời vì điều này có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn, làm cho việc điều trị sau này dễ gặp khó khăn hơn. 

4. 3 Nguyên nhân u cột sống và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây khối u cột sống hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố khả thi:

  • Tiếp xúc với chất sinh ung thư: Một số loại khối u cột sống có thể liên quan đến việc tiếp xúc với các chất gây ung thư.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Lympho tủy sống, một loại ung thư ảnh hưởng đến tế bào lympho trong hệ miễn dịch, thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Di truyền: U đốt sống có thể xuất hiện trong một số nhóm có huyết thống chung. Một số bệnh lý di truyền liên quan đến u nguyên phát bao gồm:
    • Đa u sợi thần kinh type 2 (Neurofibromatosis 2): Là dạng u lành tính phát triển từ lớp màng nhện của tủy sống, thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thính giác và có thể gây mất thính lực.
    • Bệnh Von Hippel-Lindau: Là bệnh rối loạn di truyền đa cơ quan hiếm gặp, thường kèm theo u mạch máu trong não, võng mạc, cột sống, cũng như các dạng u khác ở thận hoặc tuyến thượng thận.
U cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

U cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

5. Dấu hiệu của u cột sống và khi nào cần đi khám

Biểu hiện thường gặp nhất khi có khối u cột sống là đau, với đau lưng là triệu chứng phổ biến cho cả khối u lành tính và ác tính. Đau lưng không thay đổi khi vận động và có thể tăng lên khi nằm. Các cơn đau này thường không đáp ứng với thuốc giảm đau không kê toa.

Ngoài đau lưng, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào vị trí và hướng phát triển của khối u cột sống, bao gồm:

  • Đau cứng cổ gáy.
  • Rối loạn cảm giác ở tay, chân, hoặc bàn tay, bàn chân.
  • Cảm giác đau chạy dọc từ lưng đến mông và chân, tương tự như đau thần kinh tọa.
  • Yếu cơ ở tay hoặc chân, khó khăn khi đi lại, thậm chí có thể gây liệt.
  • Rối loạn chức năng ruột và tiểu không tự chủ.
U cột sống có nhiều dấu hiệu nhận biết khác nhau

U cột sống có nhiều dấu hiệu nhận biết khác nhau

Dấu hiệu của khối u cột sống có thể tương tự như nhiều bệnh lý thần kinh khác. Nếu có cơn đau lưng đột ngột, đau cổ mà không thuyên giảm sau 4 giờ sử dụng thuốc giảm đau, hoặc có triệu chứng yếu tay chân, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

6. Chẩn đoán u cột sống thế nào? 

Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh u đốt sống, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, đặc biệt chú ý đến đau lưng và khiếm khuyết thần kinh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán chính xác:

  • Chụp Xquang cột sống: Sử dụng tia X để chụp ảnh cấu trúc cột sống và khớp. Phương pháp này có thể phát hiện nguyên nhân đau lưng như u, nhiễm trùng, hay gãy xương, nhưng không hiệu quả trong việc chẩn đoán khối u. Chụp xquang cột sống được áp dụng nhiều để chẩn đoán bệnh. 
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Máy CT sử dụng hệ thống tia X đặc biệt để cung cấp hình ảnh chi tiết về hình dạng và kích thước của ống sống, giúp xác định sự hiện diện của khối u trong cột sống.
  • Chụp MRI: Cộng hưởng từ giúp khảo sát tủy sống, các rễ thần kinh và cấu trúc xung quanh khối u, cũng như phát hiện sự phì đại, thoái hóa và các khối u.
Hình ảnh XQ cột sống

Hình ảnh XQ cột sống

Kết hợp kết quả xét nghiệm hình ảnh và triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để xác định khối u là lành tính hay ác tính, từ đó lựa chọn liệu trình điều trị phù hợp.

7. 2 Cách điều trị u đốt sống và hồi phục sau mổ

Điều trị không phẫu thuật (hóa trị, xạ trị)

Đối với các khối u cột sống lành tính có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng và có dấu hiệu thoái triển sau điều trị, các liệu pháp không phẫu thuật thường được áp dụng.  

  • Theo dõi sự thoái triển tự nhiên: Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của khối u.
  • Hóa trị: Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào u.
  • Xạ trị: Sử dụng bức xạ để điều trị khối u.
Điều trị khối u cột sống không cần phẫu thuật

Điều trị khối u cột sống không cần phẫu thuật

Người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ bằng chụp MRI cột sống trong các lần tái khám. Một số khối u có thể phản ứng tốt với hóa trị và xạ trị, mang lại hiệu quả điều trị tích cực.

Điều trị phẫu thuật u cột sống

Việc điều trị phẫu thuật khối u cột sống phụ thuộc vào loại khối u, vị trí và giai đoạn của khối u (đặc biệt nếu là u ác tính). Điều trị phẫu thuật:

  • Khối u di căn xương: Thường áp dụng liệu pháp giảm nhẹ nhằm phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh cũng như giảm đau. Phẫu thuật thường chỉ được thực hiện để loại bỏ các mô ác tính tại xương.
  • Khối u lành tính: Có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật lấy trọn khối u kết hợp với liệu pháp phục hồi sau phẫu thuật để điều trị triệt để.

Chỉ định phẫu thuật cắt u cột sống thường được xem xét trong các trường hợp sau:

  • Khối u đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với hóa trị hoặc xạ trị.
  • Khối u gây chèn ép tủy sống cần giải áp.
  • Tình trạng cột sống mất vững do bị gãy xương bệnh lý.
  • Khối u di căn ở bệnh nhân có tiên lượng sống từ 12 tuần trở lên.

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể thực hiện thủ thuật thuyên tắc mạch để thu nhỏ khối u, làm giảm lượng máu đến nuôi khối u. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách luồn một ống dẫn từ động mạch vùng đùi để đưa keo đặc biệt vào mạch nuôi khối u, từ đó giúp việc phẫu thuật dễ dàng hơn và ít chảy máu. Phương pháp phẫu thuật:

Có hai cách tiếp cận để phẫu thuật: từ phía lưng hoặc từ phía trước (ngực bụng). Trong một số trường hợp, cả hai đường mổ có thể cần phải kết hợp. Phẫu thuật có thể gặp khó khăn hơn nếu khối u nằm ở vùng cột sống chịu lực chính như vùng ngực và thắt lưng.

Hồi phục sau mổ

Sau phẫu thuật u cột sống, quá trình hồi phục của bệnh nhân được hướng dẫn như sau:

  • Ngày đầu: Bệnh nhân cần nằm yên, không di chuyển.
  • Sau 48 giờ: Có thể bắt đầu cử động nhẹ nhàng.
  • 5-7 ngày: Bệnh nhân có thể xuất viện về nhà.

Hướng dẫn hồi phục tại nhà:

  • 6 tuần đầu: Đi lại nhẹ nhàng, tránh chơi thể thao và không bưng vác nặng.
  • 6-8 tuần: Có thể tham gia các môn thể thao nhẹ.
  • 8-12 tuần: Thực hiện các bài tập thể thao đối kháng từ nhẹ đến nặng theo chỉ định của bác sĩ phục hồi chức năng.

Tái khám: Bác sĩ sẽ đánh giá chức năng cột sống, kiểm tra tình trạng tái phát hoặc diễn biến mới tại vùng phẫu thuật. Chụp MRI cột sống được chỉ định để theo dõi và đánh giá tình hình phục hồi.

8. Chăm sóc người bệnh u cột sống cần lưu ý gì?

Chăm sóc người bệnh u cột sống cần bắt đầu từ bệnh viện và tiếp tục xuyên suốt quá trình hồi phục. Trong bệnh viện, bệnh nhân hạn chế vận động, do đó việc sinh hoạt phụ thuộc vào người nhà và nhân viên y tế. Sau khi xuất viện, người bệnh cần được hỗ trợ và hướng dẫn tập luyện, bao gồm:

  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Hướng dẫn sử dụng xe lăn, thiết bị kích thích cơ và các dụng cụ cơ học.
  • Luyện tập vận động: Sự phối hợp giữa bệnh nhân và gia đình theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp phục hồi nhanh chóng hơn.
  • Tập thở: Giúp bệnh nhân không lệ thuộc vào thiết bị hỗ trợ hô hấp.
  • Dinh dưỡng khoa học: Do dễ bị táo bón, bệnh nhân cần ăn thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước.
Nên cẩn thận và nhẹ nhàng khi chăm sóc sức khỏe của người bệnh u đốt sống

Nên cẩn thận và nhẹ nhàng khi chăm sóc sức khỏe của người bệnh u đốt sống

Nếu bệnh nhân gặp di chứng liên quan đến bàng quang, cần đặt ống thông tiểu tại nhà. Hồi phục các chức năng thần kinh có thể mất thời gian, vì vậy cần sự động viên từ gia đình.

U cột sống có nguy hiểm không? Đây là bệnh lý khá nguy hiểm và cần được điều trị sớm. Khi thấy các dấu hiệu của u đốt sống, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, chẩn đoán và thực hiện điều trị theo phát đồ của bác sĩ. 

*Lưu ý: Bài viết không thay thế cho khám, chẩn đoán và điều trị y khoa. 

5/5 - (1 vote)

    Đặt lịch khám bệnh

    Bài viết liên quan

    Loãng xương ở người trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

    Loãng xương là tình trạng xương bị mỏng dần, giòn hoặc xốp xương thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng…

    28 Th2, 2024
    488

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đau Mỏi Vai Gáy Tê Bì Chân Tay: Nguyên Nhân và Cách Khắc Phục Hiệu Quả

    Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay là triệu chứng thường gặp, liên quan tới xương khớp. Bệnh lý này có thể do nhiều…

    22 Th1, 2024
    589

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Bệnh loãng xương có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách phòng ngừa

    Loãng xương là tình trạng xương bị suy yếu, giảm mật độ xương, khiến xương trở nên giòn, dễ gãy. Bệnh loãng xương là một…

    30 Th1, 2024
    441

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Thực đơn cho người bệnh gout và tiểu đường: 3 nhóm nên ăn và nên tránh

    Cả bệnh gout và tiểu đường đều là những căn bệnh khó điều trị và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó,…

    10 Th10, 2024
    81

    Chuyên mục: Cơ - Xương - Khớp

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám