Có thể thủng dạ dày do biến chứng viêm loét dạ dày kéo dài

Cập nhật 12/08/2023

1.5K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nội soi tiêu hóa

Viêm loét dạ dày kéo dài không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân: chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày,… và dẫn đến biến chứng cấp cứu vô cùng nguy hiểm thủng dạ dày. Tình trạng bệnh lý khá nguy hiểm khiến dạ dày xuất hiện một hoặc nhiều lỗ, đe dọa mạng sống người bệnh và cần được phát hiện, chữa trị sớm. Hãy cùng theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về bệnh thủng dạ dày nhé!

Thủng dạ dày biến chứng nguy hiểm

Viêm loét dạ dày không điều trị sớm dễ gây biến chứng nguy hiểm

1. Thủng dạ dày là tình trạng gì?

1.1 Thủng dạ dày là gì?

Thủng dạ dày (dạ dày bị vỡ) là hiện tượng thành dạ dày xuất hiện một lỗ (thường gặp) hoặc nhiều lỗ thủng. Khi đó, thức ăn và dịch dạ dày sẽ qua các lỗ thủng lọt vào ổ bụng gây bỏng, nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Thủng dạ dày có thể do các biến chứng bệnh lý về đường ruột gây ra như: viêm ruột, viêm túi thừa hoặc do bị các tác động vật lý: bị vật nhọn đâm, thủng do súng,…

Đây là bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Khi bị nghi ngờ thủng dạ dày, bệnh nhân cần được cấp cứu và điều trị kịp thời.

1.2 Triệu chứng và các dấu hiệu khi bị thủng dạ dày

Khi bị thủng dạ dày, người bệnh có những triệu chứng biểu hiện rất rõ ràng để nhận biết:

  • Cơn đau rất dữ dội, cảm giác như dao đâm ở vùng thượng vị (dạ dày bị thủng, dịch dạ dày là dịch toan chảy ra ổ bụng gây bỏng phúc mạc). Tư thế đứng hoặc nằm làm căng cơ bụng, càng gây đau dữ dội; khi ở tư thế gập người, người bệnh cảm giác đỡ đau hơn.
  • Vùng bụng căng cứng, có thể nổi rõ các cơ thẳng ở vùng thượng vị, sờ nắn cảm giác rất cứng; thở mạnh cũng gây đau đớn cho bệnh nhân.
  • Cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị, sau đó lan dần ra khắp ổ bụng.
  • Bệnh nhân có thể bị shock; mặt mũi tái nhợt, đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn; tim đập, nhịp thở nhanh, huyết áp giảm thấp, thân nhiệt nóng lạnh thất thường, có thể thấy các cơn ớn lạnh.
  • Siêu âm dạ dày thấy các ổ loét có xuất hiện lỗ thủng.

Khi người bệnh xuất hiện một trong các triệu chứng như trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra dạ dày, khi dấu hiệu bệnh ngày càng nặng và nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần được cấp cứu và có thể phẫu thuật ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho tính mạng người bệnh.

1.3 Thủng dạ dày nguyên nhân do đâu?

Người bệnh bị thủng dạ dày có thể do nguyên nhân đến từ các bệnh lý đường tiêu hóa:

  • Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày kéo dài, làm thành dạ dày mỏng đi, gây nên biến chứng thủng dạ dày hay xảy đến với nhóm đối tượng: hút thuốc nhiều; hay sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,… và lạm dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau; người trên 50 tuổi và có tiền sử bị loét dạ dày.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, các bệnh đường ruột như viêm loét đại tràng, ung thư dạ dày, các khối u trong dạ dày… dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, người bệnh thủng dạ dày có thể do bị chấn thương vùng bụng đến từ các nguyên nhân tác động vật lý: chấn thương do dao đâm, do súng bắn tổn thương vùng bụng, hoặc bệnh nhân nuốt phải các dị vật sắc nhọn gây tổn thương, thủng dạ dày.

1.4 Những trường hợp nào dễ bị và yếu tố làm tăng nguy cơ thủng dạ dày

Tình trạng này có thể xảy đến với bất cứ ai mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi, và có nhiều trường hợp trong cuộc sống làm tăng nguy cơ dẫn đến thủng dạ dày.

Các trường hợp làm tăng nguy cơ dẫn đến thủng dạ dày bao gồm:

  • Người bệnh bị các chấn thương, bị đâm ở vùng bụng, các chấn thương nặng ảnh hưởng đến dạ dày.
  • Bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày mạn tính vẫn duy trì các thói quen xấu.
  • Bệnh nhân bị các bệnh lý về đường tiêu hóa và tình trạng bệnh trở nặng như viêm ruột, viêm túi thừa, viêm loét dạ dày, các khối u trong dạ dày hoặc do ung thư dạ dày,…
  • Người lớn với những thói quen xấu như: hút thuốc, sử dụng rượu, bia, các chất kích thích thường xuyên; lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm;… góp phần tăng khả năng dẫn đến tình trạng thủng dạ dày.

Người bệnh có thể kiểm soát tình trạng nghiêm trọng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cho bản thân. Hãy phòng tránh và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ trước khi quá muộn.

Nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tới người bị viêm loét dạ dày

Thói quen sấu, chế độ ăn uống không đúng khiến tình trạng viêm loét dạ dày chuyển biến nặng

2. Cần làm gì nếu nghi ngờ viêm loét dạ dày

2.1 Thăm khám với bác sĩ

Khi người bệnh nhận thấy bản thân có dấu hiệu của bệnh hoặc là trường hợp có nguy cơ cao có thể dẫn đến thủng dạ dày cần đi khám sớm nhất có thể để được kiểm tra và chẩn đoán phát hiện sớm bệnh trước khi trở nặng.

Ngoài ra, hãy đi khám và kiểm tra đường tiêu hóa định kỳ 6 tháng/lần nhằm kiểm soát được sức khỏe bản thân, đồng thời giúp phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh lý, tình trạng nguy hiểm này (nếu có).

2.2 Phương pháp điều trị

Với những bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh lý và chỉ định làm một số xét nghiệm: Xét nghiệm máu để thấy được sự gia tăng cao số lượng bạch cầu; chụp X-quang vùng bụng; Nội soi dạ dày; Siêu âm vùng bụng xác định hơi và dịch tự do trong ổ bụng;…

Với phương pháp điều trị bệnh, bởi đây là tình trạng cấp cứu nguy hiểm nên bệnh nhân cần được nhanh chóng chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật nhằm khâu lại lỗ thủng và loại bỏ tác nhân.

Đặt ống thông mũi dạ dày đôi khi được chỉ định và cần thực hiện trước phẫu thuật. Bệnh nhân cần được bổ sung nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng, máu; người bệnh được truyền dịch, kháng sinh và có thể sử dụng thuốc giảm đau.

Ngoài ra, bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ theo đơn thuốc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2.3 Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hạn chế tiến triển của bệnh

Viêm loét dạ dày cần có chế độ dinh dương hợp lý

Viêm loét dạ dày cần có chế độ dinh dương hợp lý

Chế độ ăn uống dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh rất quan trọng và góp phần phòng ngừa dẫn đến tình trạng biến chứng nguy hiểm này.

Chế độ ăn uống cần được xây dựng với đầy đủ chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể, khẩu phần ăn hợp lý. Hạn chế ăn các đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, các đồ ăn giàu mỡ, nhiều muối, đường, thực phẩm chua, cay, nóng, các đồ uống nhiều cồn và ga.

Một số thói quen không tốt cần loại bỏ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa: nằm ngay hoặc vận động mạnh sau khi ăn, lạm dụng hoặc tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc chống viêm mà chưa có chỉ định của bác sĩ; thường xuyên uống nhiều rượu, bia, sử dụng chất kích thích hay ma túy; ăn uống không vệ sinh thiếu sạch sẽ.

Những thói quen này không chỉ tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh thủng dạ dày mà còn dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác, bởi vậy nên cần được thay đổi ngay.

Ngoài ra giữ tinh thần thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng, stress; tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn thường xuyên để nâng cao sức khỏe giúp hạn chế và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh nặng.

Với các bệnh nhân có biến chứng nặng phải phẫu thuật có thể tham khảo thêm Mổ nội soi dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để mau hồi phục? Để giữ được thể trạng tốt nhất.

Người bệnh cần đi khám và theo dõi sức khỏe bản thân định kỳ, nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp; ngoài ra theo dõi được diễn biến tình trạng bệnh (nếu có). Nếu đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa, gây nguy cơ cao dẫn đến biến chứng thủng dạ dày cần điều trị sớm và dứt điểm bệnh.

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám