Bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Cập nhật 28/07/2023

5.7K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Bệnh Xã Hội

Giang mai (Syphilis) từ lâu đã không còn là căn bệnh quá xa lạ với nhiều người. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến (xếp thứ hai sau HIV – AIDS), với khoảng 6 triệu ca mắc mới mỗi năm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lây lan nhanh và đe dọa đến sức khỏe của người bệnh. Vậy, cụ thể bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh ra sao? Điều trị giang mai như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!

Bệnh giang mai là gì?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận trên 35 triệu ca mắc mới các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, bệnh giang mai chiếm tỷ lệ khoảng 2%. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh giang mai chiếm khoảng 2-5% tổng số ca nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục hàng năm.(*)

Bệnh giang mai chiếm tỷ lệ cao các ca bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Bệnh giang mai chiếm tỷ lệ cao các ca bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Số liệu cuộc thống kê trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh giang mai ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm phụ nữ mại dâm (từ 1% năm 2010 lên 2,1% năm 2016) và quan hệ tình dục đồng giới nam (từ 0,5% năm 2010 đến 6,1% năm 2016). Tỷ lệ mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ em có xu hướng giảm nhưng không đáng kể trong giai đoạn từ 2012-2016, từ khoảng 750.000 xuống còn 660.000 ca bệnh.

Giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum

Theo định nghĩa của Cục Phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ Y tế, giang mai là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh gây nhiều thương tổn trên da – niêm mạc và rải rác tại các tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ – xương – khớp, thần kinh và tim mạch.

Tương tự như “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS, bệnh giang mai lây truyền qua 3 con đường chính là: quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con qua nhau thai. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp thông qua các dụng cụ, đồ dùng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da – niêm mạc có vết trầy xước với người bệnh,…

Giang mai thời kỳ đầu gây nhiều tổn thương trên da và niêm mạc

Giang mai thời kỳ đầu gây nhiều tổn thương trên da và niêm mạc

Các giai đoạn phát triển giang mai

Tiến triển của bệnh giang mai trải qua 3 thời kỳ chính. Ở thời kỳ đầu, thương tổn xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần nhiễm khuẩn, đặc trưng bởi các nốt săng có hình tròn hoặc bầu dục, gờ cao, khá nông, màu đỏ tươi và nền cứng. Những nốt này thường gặp ở vùng niêm mạc sinh dục hoặc ở miệng, môi, lưỡi,… Hạch sưng to thành chùm, có hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.

Bệnh bước vào thời kỳ thứ 2 sau khoảng 6-8 tuần nhiễm bệnh. Bệnh nhân xuất hiện các vết đào ban rải rác khắp cơ thể, sẩn giang mai với nhiều hình dạng khác nhau, sẩn phì đại ở vùng sinh dục,… Đồng thời, có các triệu chứng viêm hạch lan tỏa, rụng tóc kiểu “rừng thưa” (tình trạng tóc rụng nham nhở, không đều ở hai bên thái dương và sau gáy khá đặc trưng ở giai đoạn này).

Thời kỳ thứ 3 của bệnh giang mai thường ở năm thứ 3 tính từ khi bắt đầu khởi phát bệnh, đặc trưng bởi các thương tổn ở tim mạch (giang mai tim mạch), tổn thương thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh), “gôm” giang mai ở da – cơ – xương. Đặc biệt, bệnh không có triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn chuyển giao giữa các thời kỳ. Giai đoạn này được gọi là giang mai kín, chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm huyết thanh.

Đối tượng nào dễ mắc giang mai?

Bất kỳ đối tượng nào có thực hiện quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh giang mai. Tuy nhiên, những người quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ với nhiều bạn tình, người đã nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn hẳn.

Thời gian ủ bệnh giang mai

Thời gian ủ bệnh giang mai trung bình từ 3-4 tuần (tức khoảng 9-90 ngày). Đây được xem là “thời điểm vàng” để phát hiện và điều trị khỏi bệnh. Lúc này, ở một vài bệnh nhân có thể xuất hiện các săng giang mai hình tròn, kích thước dưới 2cm, không đau, không có gờ nổi cao.

Trong khoảng từ 1-15 năm tiếp theo, xoắn khuẩn giang mai sẽ gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng và biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Nguyên nhân bị bệnh giang mai

Như đã đưa ra ở trên, bệnh giang mai gây ra bởi xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum. Xoắn khuẩn này được phát hiện vào năm 1905 bởi nhà động vật học người Đức Fritz Schaudinn và bác sĩ da liễu Erich Hoffmann, có hình dạng lò xo đặc trưng với khoảng 6-14 vòng xoắn nằm sát nhau. Khả năng đề kháng tương đối yếu, có thể chết sau vài giờ ra khỏi cơ thể. Khi tiếp xúc với chất sát khuẩn hay xà phòng, xoắn khuẩn giang mai sẽ bị bất động và chết trong vài phút sau đó.

Theo các nhà khoa học, xoắn khuẩn giang mai sẽ chết trong vòng 15 phút ở nhiệt độ 56oC. Nhiệt độ tối ưu để chúng phát triển là 37oC – trùng khớp với thân nhiệt cơ thể người. Điều này lý giải cho khả năng lây lan nhanh và rất khó kiểm soát khi cơ thể đã nhiễm bệnh và không phát hiện ra.

Bệnh giang mai thường không tự tái phát sau khi đã chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc hoặc quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh.

Bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra

Bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra

Các triệu chứng bệnh giang mai thường gặp

Phát hiện sớm bệnh giang mai có ý nghĩa quan trọng trong điều trị bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, giang mai có thể tiến triển và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nhìn chung, giang mai có thể chia làm 2 giai đoạn chính là: giang mai sớm và giang mai muộn. Cụ thể từng giai đoạn:

Giang mai sớm

Trong giai đoạn này, bệnh tiến triển theo 3 giai đoạn nhỏ hơn, gồm: giai đoạn I, giai đoạn II và giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn I và II có nguy cơ lây nhiễm cao nhất cho người lành:

– Bệnh nhân bước vào giai đoạn I trong khoảng 3-4 tuần sau khi nhiễm vi khuẩn (9-90 ngày). Hầu như bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường và không có bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt. Tại vùng sinh dục, hậu môn, miệng hoặc lưỡi có thể xuất hiện các vết loét nhỏ, tròn, nông và có gờ cứng, gọi là săng. Săng không đau, có khả năng lây nhiễm cao và sẽ tự lành trong vòng 3-10 tuần mà không cần điều trị.

– Sau 4-8 tuần từ khi xuất hiện tổn thương ban đầu, bệnh bước sang giai đoạn II với các dấu phát ban trên da và đau họng. Vết ban không ngứa, thường gặp ở lòng bàn tay và chân hoặc ở bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể, rất dễ nhầm lẫn với bệnh vảy nến hoặc dị ứng.

– Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể kèm theo các triệu chứng như đau đầu, sưng hạch bạch huyết, giảm cân, rụng tóc kiểu “rừng thưa”, đau nhức khớp,… Cần lưu ý một số biểu hiện liên quan đến thần kinh như điếc một bên, viêm màng não, liệt thần kinh mắt, viêm màng bồ đào,… Nếu không được phát hiện và điều trị tích cực, bệnh giang mai sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn.

– Đối với giang mai tiềm ẩn, bệnh không có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng nào rõ ràng, chỉ có thể phát hiện thông qua các xét nghiệm huyết thanh. Bệnh nhân có thể bước vào giai đoạn tiềm ẩn sớm (trong vòng 2 năm nhiễm bệnh) hoặc tiềm ẩn muộn (kéo dài trên 2 năm). Đa số các trường hợp không được điều trị đều không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt trong vòng 12-24 tháng đầu tiên.

Giang mai muộn

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh giang mai có thể diễn tiến sang giai đoạn muộn (giai đoạn III) sau 3-10 năm tính từ lần xâm nhập đầu tiên của xoắn khuẩn. Theo thống kê có khoảng 30-50% bệnh nhân giang mai chuyển sang giai đoạn III, thường bắt đầu từ năm thứ 3, thứ 5 hoặc thứ 10 của bệnh.

Ở giai đoạn này, bệnh gây nhiều tổn thương mang tính khu trú, ăn sâu và phá hủy các tổ chức, gây biến chứng không hồi phục. Một số biến chứng nguy hiểm như săng thương sâu, tổn thương da – xương – nội tạng, tim mạch và thần kinh.

Trong đó, giang mai tim mạch được xem là biến chứng nguy hiểm nhất (chiếm 10% số ca bệnh). Tổn thương xuất hiện sau khoảng 10-40 năm mắc bệnh, gây phình động mạch chủ, hở động mạch chủ, ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh. Giang mai thần kinh chiếm 4% ca bệnh, xuất hiện sau 10-25 năm. Lúc này, xoắn khuẩn ăn sâu vào não và tủy sống gây viêm màng não, bại liệt toàn thân,…

Cũng trong giai đoạn này, người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình và cộng đồng. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, xoắn khuẩn đã xâm nhập, ăn sâu và khu trú vào trong phủ tạng, không còn ở da và niêm mạc như giai đoạn giang mai sớm.

Biến chứng do bệnh giang mai gây ra

Bệnh giang mai nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bằng thuốc, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng và tổn thương nguy hiểm không thể phục hồi như:

  • Xuất hiện u bã đậu: Là những vết sưng hoặc khối u nhỏ phát triển trên da, xương, gan hoặc bất kỳ cơ quan khác trên cơ thể. Biến chứng này thường gặp ở những người đã chuyển sang giang mai muộn.
  • Giang mai thần kinh: Xoắn khuẩn tấn công vào não và tủy sống gây đau đầu, viêm màng não, mất thính lực, giảm thị giác và mù lòa. Bệnh nhân có thể mất cảm giác đau và cảm nhận nhiệt, rối loạn chức năng tình dục, mất kiểm soát bàng quang,…
  • Nhiễm HIV: Giang mai và HIV được xem là “người bạn đồng hành” do có cùng cơ chế lây nhiễm. Do đó, người nhiễm giang mai có nguy cơ cao nhiễm HIV, nhất là ở đối tượng nhiễm xoắn khuẩn giang mai qua đường tình dục.
  • Giang mai tim mạch: Tổn thương thường gặp nhất là viêm động mạch chủ. Bệnh nhân có triệu chứng suy tim trái do hở van động mạch chủ. Nếu dòng hở van tim không được điều trị và cải thiện, lượng máu bơm lên quá mức khiến sức căng thành mạch lớn, từ đó gây giãn động mạch, vỡ động mạch, nguy cơ tử vong là rất cao.
  • Biến chứng khi mang thai và sinh nở: Phụ nữ mang thai bị nhiễm giang mai có thể lây truyền qua thai nhi vào tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ. Bệnh làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Trẻ sinh ra có thể mắc giang mai bẩm sinh khiến bé nhẹ cân, tử vong trong vài ngày sau sinh hoặc bị nhiều dị tật bẩm sinh khác.

Hình ảnh bệnh giang mai qua các giai đoạn

Dưới đây là một số hình ảnh bệnh giang mai qua các giai đoạn có thể quan sát để nhận biết sớm:

Giang mai giai đoạn đầu với đặc trưng là các săng trên da và niêm mạc

Giang mai giai đoạn đầu với đặc trưng là các săng trên da và niêm mạc

Vết săng giang mai hình tròn màu hơi hồng hình thành trên da

Vết săng giang mai hình tròn màu hơi hồng hình thành trên da

Rụng tóc kiểu “rừng thưa” ở giang mai giai đoạn II khá đặc trứng

Rụng tóc kiểu “rừng thưa” ở giang mai giai đoạn II khá đặc trứng

Hình ảnh bệnh giang mai ở lưng các vết bắt đầu lan rộng

Hình ảnh bệnh giang mai ở lưng các vết bắt đầu lan rộng

Hình ảnh bệnh giang mai ở mắt và nguy cơ biến chứng mù lòa

Hình ảnh bệnh giang mai ở mắt và nguy cơ biến chứng mù lòa

Hình ảnh bệnh giang mai ở miệng lưỡi với các vết viêm loét

Hình ảnh bệnh giang mai ở miệng lưỡi với các vết viêm loét

Hình ảnh bệnh giang mai ở trẻ nhỏ các tổn thương phát triển nhanh

Hình ảnh bệnh giang mai ở trẻ nhỏ các tổn thương phát triển nhanh

Chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai

Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh giang mai có ý nghĩa quan trọng trong việc chữa khỏi hoàn toàn và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Qua đó nếu nhận thấy có các triệu chứng bất thường, hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, cần chủ động đi kiểm tra chi tiết sớm.

Phương pháp chẩn đoán sớm giang mai

Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể trực tiếp lấy mẫu từ vết lở loét, dịch âm đạo, dịch niệu đạo của người bệnh để quan sát, tìm xoắn khuẩn gây bệnh trên kính hiển vi nền đen. Ở giai đoạn muộn hơn, bên cạnh việc quan sát các dấu hiệu ngoài da và triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân cần phải tiến hành các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm huyết thanh (đặc hiệu và không đặc hiệu): Nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể giang mai trong máu của bệnh nhân. Các kháng thể này có thể tồn tại trong vòng nhiều năm. Do đó, xét nghiệm này thường được dùng để xác định xem liệu bệnh nhân có đang hoặc đã từng nhiễm giang mai hay không.
  • Xét nghiệm dịch não tủy: Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có biến chứng giang mai thần kinh hoặc giang mai tim mạch, người bệnh sẽ được đề nghị lấy mẫu dịch não tủy bằng phương pháp chọc dò thắt lưng (vòi tủy sống) để làm xét nghiệm.
Tiến hành xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể giang mai trong máu bệnh nhân

Tiến hành xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể giang mai trong máu bệnh nhân

Điều trị bệnh giang mai

Tham vấn y khoa Ths BSNT Nguyễn Hữu Thảo về phương pháp điều trị bệnh giang mai hiệu quả thường dựa trên nguyên tắc: Điều trị sớm, đủ liều, đúng thời gian quy định, điều trị cả bạn tình. Theo đó, phác đồ điều trị cụ thể như sau:

  • Giang mai thời kỳ I và năm đầu của thời kỳ II, giang mai tiềm ẩn sớm: Ưu tiên dùng Penicillin dạng tiêm. Benzathin penicillin G tiêm mông liều duy nhất (mỗi bên 1,2 triệu đơn vị), hoặc Procain penicillin tiêm bắp trong vòng 10 ngày (mỗi ngày 1,2 triệu đơn vị).
  • Nếu bệnh nhân dị ứng với Penicillin và không mang thai, thay thế bằng Tetracyclin 500mg hoặc Erythromycin 500mg. Cả hai kháng sinh này đều uống 4 lần/ngày trong vòng 15 ngày.
  • Giang mai trên 1 năm, giang mai kín muộn: Benzathin penicillin G tiêm mông 4 lần (mỗi lần 2,4 triệu đơn vị, cách nhau 1 tuần), hoặc Procain penicillin tiêm bắp trong vòng 3-4 tuần (mỗi ngày 1,2 triệu đơn vị).

Trong những lần điều trị đầu tiên, bệnh nhân có thể xuất hiện phản ứng Jarisch – Herxheimer. Triệu chứng điển hình gồm sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ và đau đầu,… thường không kéo dài hơn 1 ngày.

Sau khi điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tuân thủ kiểm tra và xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi và đảm bảo khả năng đáp ứng của cơ thể với Penicillin. Tránh quan hệ tình dục với bạn tình mới cho đến khi điều trị thành công. Đồng thời, nên tầm soát virus HIV và thông báo cho bạn tình được biết để họ kiểm tra và điều trị nếu thấy cần thiết.

*Lưu ý: Không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc tại nhà khi chưa có chỉ định hoặc hướng dấn từ bác sĩ chuyên khoa, tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.

Phòng ngừa bệnh giang mai là cần thiết

Bệnh giang mai hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa đặc hiệu nên mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh giang mai mà bạn phải biết và có thể áp dụng:

  • Tuyên truyền, giáo dục y tế, giáo dục giới tính và lối sống lành mạnh, sống thủy chung một vợ, một chồng.
  • Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng bao cao su và che chắn các vùng bị tổn thương.
  • Hạn chế dùng thuốc kích thích, rượu bia,… tránh dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân với người khác.
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Tăng cường sức khỏe bản thân bằng cách tập thể dục điều độ, xây dựng lối sống lành mạnh, thực đơn cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Khi phát hiện bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.
  • Phụ nữ có thai cần làm phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống để phòng ngừa giang mai bẩm sinh cho bé. Nếu phát hiện mắc giang mai trong thai kỳ, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa lây nhiễm cho con.
Quan hệ tình dục an toàn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa bệnh giang mai

Quan hệ tình dục an toàn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất giúp phòng ngừa bệnh giang mai

Các câu hỏi liên quan về bệnh giang mai

Bệnh giang mai được đánh giá là một trong những bệnh nguy hiểm nhất lây truyền qua đường tình dục, do khả năng lây nhiễm nhanh đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, những kiến thức liên quan đến bệnh lý này được rất nhiều người quan tâm và thắc mắc.

Bị giang mai có ngứa không?

Nhiều người lầm tưởng rằng các nốt săng do bệnh giang mai gây ra là nguyên nhân gây ngứa ngáy và khó chịu. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia Nam học MEDIPLUS cho rằng, những vết loét nhỏ màu đỏ hoặc nâu có kích thước bằng đồng xu ở cơ quan sinh dục, lòng bàn tay hay bàn chân,… đã xuất hiện trong vòng 10-90 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn giang mai. Các nốt ban này thường KHÔNG gây ngứa, biểu hiện cũng không rõ rệt nên người bệnh dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Bệnh giang mai có lây không?

Tương tự với các bệnh tình dục khác, giang mai có thể lây truyền cho người lành thông qua 3 con đường chủ yếu:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Bao gồm quan hệ tình dục đồng tính, quan hệ tình dục dị tính, quan hệ bằng miệng,… không sử dụng các biện pháp an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, người lành cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn giang mai nếu tiếp xúc trực tiếp qua bề mặt da có vết trầy xước với người bệnh.
  • Qua đường máu: Dùng chung kim tiêm, truyền máu, không vệ sinh dụng cụ lấy máu kỹ càng,… trong quá trình tiêm chủng hoặc điều trị bệnh.
  • Từ mẹ sang con trong quá trình mang thai: Sự lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang thai nhi thường xảy ra từ tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ. Khi đó, bánh rau mới cho phép các vật thể kích thước lớn như xoắn khuẩn giang mai đi qua. Do đó, phụ nữ mang thai cần xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai ở cả 3 thời kỳ tam cá nguyệt để chắc chắn bản thân không nhiễm bệnh và có hướng xử lý kịp thời.

Bệnh giang mai có tái phát không?

Bệnh giang mai hoàn toàn có thể tái phát ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị thành công. Do đó, người bệnh cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm bảo đảm kết quả của quá trình điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể tái nhiễm giang mai nếu quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh giang mai có con được không?

Nhìn chung, bệnh giang mai không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Do đó, chị em phụ nữ mắc bệnh giang mai có thể mang thai và sinh con bình thường. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có thai, căn bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi như:

  • Sảy thai: Phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai có tỷ lệ sảy thai cao, xảy ra vào giai đoạn từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 của thai kỳ. Lúc này, xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào nhau thai gây viêm động mạch, tắc động mạch, hoại tử nhau thai. Từ đó, thai nhi không nhận được chất dinh dưỡng từ mẹ, dẫn đến tình trạng sảy thai.
  • Thai chết lưu: Tình trạng này thường gặp ở thai phụ gần đến tháng sinh. Thai nhi có thể chết lưu trước mấy tháng so với ngày dự sinh, hoặc chết trong khi sinh. Tỷ lệ thai chết lưu do bệnh giang mai khá cao, lên đến 8%.
  • Nguy cơ sinh non: Xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 của thai kỳ. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập thai nhi khiến các cơ quan nội tạng bị tổn thương. Thai nhi dễ bị chết lưu hoặc sinh non và mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Do đó, phụ nữ trước khi có kế hoạch mang thai cần thực hiện tầm soát sức khỏe để kiểm tra xem mình có nhiễm vi khuẩn giang mai hay không. Nếu có, chị em phải tiến hành chữa dứt điểm trước khi mang thai. Đối với trường hợp phát hiện bệnh trong thai kỳ, thai phụ cần trao đổi với bác sĩ sản khoa để có hướng xử lý và can thiệp kịp thời, hạn chế các nguy cơ lây nhiễm cho bé.

Bệnh giang mai có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Bệnh giang mai hoàn toàn có thể được chữa khỏi thông qua phác đồ điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Theo đó, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ ghi trên toa. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng phác đồ này không thể phục hồi các tổn thương mà bệnh giang mai đã gây ra cho bệnh nhân mà chỉ có thể ngăn chặn không cho các biến chứng tiến triển nghiêm trọng hơn.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về bệnh giang mai, những triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị cũng như biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng. Tương tự như HIV/AIDS, giang mai được xếp vào nhóm bệnh xã hội khá nguy hiểm với khả năng lây lan nhanh và rất khó kiểm soát. Vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc nghi ngờ mắc bệnh giang mai, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mọi vấn đề thắc mắc xin liên hệ Hotline 1900 3366 hoặc inb trực tiếp tới fanpage Facebook của Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được tư vấn và đặt lịch thăm khám.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM & TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Đặt lịch ngay để được Tư vấn và thăm khám trực tiếp với các Bác sĩ chuyên gia đầu ngành



    Bài viết liên quan

    Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?

    Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không? là vấn đề được nhiều chị em quan tâm khi đang có nhu cầu tiêm phòng HPV.…

    25 Th4, 2024
    729

    Tham vấn y khoa: BS Hoàng Văn Sơn

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Bệnh giang mai có ngứa không? 7 dấu hiệu và 3 triệu chứng

    Bệnh giang mai thường lây lan qua đường tình dục. Căn bệnh này cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vậy bệnh…

    28 Th10, 2024
    846

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    19 Cách chữa sùi mào gà tại nhà theo dân gian

    Sùi mào gà mặc dù không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái và làm giảm chất…

    16 Th9, 2024
    744

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Giang mai ở lưỡi: Dấu hiệu, nguyên nhân và 2 cách điều trị

    Giang mai là một bệnh truyền nhiễm, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như cơ quan sinh dục, tay chân hay…

    29 Th10, 2024
    512

    Chuyên mục: Bệnh Xã Hội

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám