Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, nhiều biến chứng nguy hiểm

Cập nhật 17/08/2023

3.6K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Hô hấp

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ gây tăng tiết dịch trong khoang màng phổi khiến quá trình hô hấp của người bệnh trở nên khó khăn. Bệnh lý này nếu không được khắc phục sớm có thể gây suy hô hấp, nặng hơn có thể biến chứng dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi là gì? Có những phương pháp nào để điều trị tràn dịch màng phổi hiệu quả dứt điểm? Hãy cùng MEDIPLUS tìm hiểu chi tiết tình trạng này qua bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích chăm sóc sức khỏe.

Tràn dịch màng phổi là gì?

Bạn cần biết, mỗi bên phổi được cấu tạo từ hai lớp màng mỏng gọi là màng phổi. Giữa hai màng phổi sẽ tạo thành một khoang rỗng gọi là khoang màng phổi. Tại đây có chứa một lượng dịch vừa đủ để giúp cho hai bên màng phổi không bị dính chặt lại với nhau trong quá trình hít thở. Từ đó giúp không khí dễ dàng lưu thông ở phổi hơn.

Tràn dịch màng phổi có thể biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe

Tràn dịch màng phổi có thể biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe

Tràn dịch màng phổi là hiện tượng ứ dịch bên trong màng phổi. Thông thường, giữa các lớp màng phổi luôn có một lượng dịch vừa đủ, khoảng từ 10-20ml giúp chống dính, tạo độ trơn nhẵn cho bề mặt phổi giúp cho quá trình hít thở trở nên dễ dàng hơn. Khi lượng dịch bên trong màng phổi tiết ra nhiều hơn bình thường sẽ gây hiện tượng tràn dịch màng phổi. Người mắc bình thường gặp phải tình trạng này sẽ có dấu hiệu như tức ngực, khó thở do lớp dịch dày làm hạn chế quá trình lưu thông của không khí tại phổi.

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Tham vấn ý kiến Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng – Bác sĩ nội hô hấp MEDIPLUS cho biết, tràn dịch màng phổi do nhiều nguyên nhân gây ra và kèm nhiều triệu chứng, bệnh có thể được chia làm 2 loại chính là:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Loại dịch trong khoang màng phổi chủ yếu do thay đổi áp suất bên trong khoang màng phổi khiến dịch từ bên ngoài thấm nhanh vào phổi. Nguyên nhân chủ yếu gây tràn dịch màng phổi dịch thấm là suy tim xung huyết, suy thận, suy dinh dưỡng,…
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Lượng dịch dư thừa trong khoang màng phổi trong trường hợp này có thể đến từ máu, protein dư thừa hay do các tế bào bị viêm, nhiễm virus thông qua các mạch máu di chuyển đến phổi. Tùy theo tình trạng và lượng dịch trong phổi bác sĩ sẽ cân nhắc có nên tiến hành chọc hút hay không. Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi dịch tiết được xác định là do bệnh lý viêm phổi hoặc ung thư phổi gây ra.

Bác sĩ Diệu Hồng còn cho biết thêm, đây là một trong những hội chứng rất phổ biến trong lâm sàng. Theo thống kê, mỗi năm ở Mỹ tăng lên 1,5 triệu ca mắc mới, trong đó có 500.000 trường hợp do suy tim sung huyết gây ra, 300.000 trường hợp do viêm phổi, 200.000 trường hợp do thai nghén,… Do đó người bệnh cần hết sức lưu ý khắc phục sớm những bệnh lý nền của cơ thể vì rất có thể chính những bệnh lý đó vô tình là nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi mà bản thân không hề hay biết.(*)

Nguyên nhân tràn dịch màng phổi do đâu?

Theo báo cáo thống kê tại các nước công nghiệp, mỗi năm có khoảng 32/100.000 trường hợp mắc tràn dịch màng phổi phát hiện được nguyên nhân bị bệnh là đến từ các bệnh lý như viêm phổi, suy tim, tắc mạch phổi,… Vậy cụ thể tràn dịch màng phổi do đâu?

Tràn dịch màng phổi do lao

Trực khuẩn lao tấn công vào đường hô hấp sẽ khiến cho các mô phổi bị viêm, làm tăng tiết mủ bên trong khoang màng phổi. Từ đó làm tăng nguy cơ tràn dịch màng phổi liên quan đến lao. Khi bị lao màng phổi người bệnh thường có các biểu hiện ho ra máu, gầy sút, sốt nhẹ vào buổi chiều, dịch màng phổi chọc hút được thường có màu xanh và đem đi xét nghiệm sẽ tìm thấy trực khuẩn lao.

Viêm màng phổi mủ – Empyema

Empyema hay tràn mủ màng phổi là sự tăng tiết mủ bên trong khoang màng phổi gây khó khăn cho hoạt động giãn nở của phổi trong quá trình hít thở. Khi khoang màng phổi bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thì hệ miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động để chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh tạo nên những chất lỏng đậm đặc, đục màu bên trong khoang màng phổi.

Viêm màng phổi mủ - Empyema

Hình ảnh chụp X quang cho thấy các khối mủ trong phổi – Empyema

Tràn dịch màng phổi ác tính

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi ác tính được xác định là hậu quả của các khối u ác tính tại màng phổi hoặc lồng ngực theo đường máu, bạch huyết gây tổn thương phổi. Khi bị tràn dịch màng phổi ác tính, có đến 60% trường hợp mắc bệnh có biểu hiện đau ngực âm ỉ thỉnh thoảng hoặc kéo dài không theo chu kỳ.

Hình ảnh X-quang của người bệnh bị tràn dịch màng phổi ác tính thường biểu hiện dày màng phổi, xương sườn bị chèn ép, cơ hoành nâng cao và lệch bên trung thất tương ứng với bên phổi bị xẹp. Để điều trị tràn dịch màng phổi ác tính, ban đầu bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút dịch màng phổi. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm thì dựa vào nguyên nhân gây bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Phương án tốt nhất để phòng tránh căn bệnh quái ác này là tiến hành tầm soát ung thử phổi định kỳ.

Hình ảnh X-quang phổi phát hiện tràn dịch phổi ác tính

Hình ảnh X-quang phổi phát hiện tràn dịch phổi ác tính

Tràn dịch màng phổi do viêm khớp dạng thấp

Tràn dịch màng phổi do viêm khớp dạng thấp chiếm khoảng 2-5% trong tổng số các nguyên nhân gây bệnh. Tràn dịch màng phổi xuất hiện trong giai đoạn tiến triển của viêm khớp hoặc từ thời điểm khởi phát bệnh… Hiện tượng tràn dịch do viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên màng phổi và chất lỏng tiết ra chủ yếu là huyết thanh.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Tràn dịch màng phổi được tìm thấy ở 50-75% trường hợp sau hoặc trong khi mắc lupus ban đỏ hệ thống. Do Lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn nghĩa là hệ thống miễn dịch mất kiểm soát, tấn công cả vào các mô, tế bào khỏe mạnh trên cơ thể gây viêm nhiễm các cơ quan, trong đó có cả phổi. Vì vậy, khi bị lupus ban đỏ hệ thống, người bệnh rất dễ bị viêm phổi, tràn dịch xuất huyết màng phổi.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến áp xe gan

Áp xe gan là tình trạng gan bị nhiễm khuẩn, hình thành các ổ mủ tại các vị trí mà tế bào gan bị phá hủy với kích thước to nhỏ khác nhau. Khi ổ áp xe nằm ở đỉnh gan bên phải và  kích thước quá lớn vỡ ra sẽ gây thủng cơ hoành, đổ thẳng vào phổi khiến cho khoang màng phổi chứa đầy dịch mủ.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến viêm tụy

Tràn dịch màng phổi liên quan đến viêm tụy có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên phổi nhưng phổ biến nhất là tràn dịch phổi trái. Khi tụy bị viêm sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học như Interleukin 1, Prostaglandin E1, Prostaglandin E2,… làm tăng tính thấm, tăng tiết dịch tại các cơ quan, trong đó có phổi gây tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi do viêm tụy thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình nên việc điều trị sẽ không quá phức tạp nếu bệnh được phát hiện sớm.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến viêm gan

Viêm gan là tình trạng tế bào và các nhu mô gan bị tổn thương, viêm nhiễm. Các ổ viêm này khiến kích thước của gan phát triển to lên, chèn ép vào cơ hoành và các dịch mủ tại ổ viêm có thể vỡ ra, tràn vào khoang màng phổi. Tràn dịch màng phổi do viêm gan thường là những ca tràn dịch nhỏ và dịch thường có màu vàng hoặc sẫm màu. Đa phần tình trạng tràn dịch sẽ hết trước khi viêm gan được giải quyết.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến viêm gan

Tràn dịch màng phổi liên quan đến viêm gan

Tràn dịch màng phổi liên quan đến thủng thực quản

Khi bị thủng thực quản, quan sát hình ảnh trên phim X-quang sẽ thấy tràn dịch màng phổi do thức ăn và dịch tiêu hóa trào ngược vào phổi khiến cho khoang màng phổi chứa đầy dịch, huyết thanh. Tùy vào mức độ thủng thực quản mà lượng dịch đổ vào khoang màng phổi sẽ khác nhau. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch màng phổi và khâu lại vị trí thực quản bị thủng để khắc phục triệt để tình trạng này.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến hội chứng Meigs

Meigs là một hội chứng bao gồm 3 triệu chứng: cổ trướng, khối u buồng trứng lành tính và tràn dịch màng phổi. Mối liên quan giữa u buồng trứng với tràn dịch màng phổi và cổ trướng chưa được xác định rõ. Tuy nhiên có một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng dịch tiết được tìm thấy bên trong các khoang màng phổi khá tương đồng với mẫu dịch cổ trướng ở bụng. Hiện tượng cổ trướng và tràn dịch màng phổi sẽ tự động được chữa khỏi sau khi cắt bỏ u buồng trứng.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến hội chứng Meigs

Tràn dịch màng phổi liên quan đến hội chứng Meigs

Tràn dịch màng phổi liên quan đến xạ trị

Khi tiến hành xạ trị các tia bức xạ có thể khiến cho màng phổi bị viêm, hệ thống miễn hệ thống miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động gây hình thành mủ bên trong khoang màng phổi. Hiện tượng tràn dịch màng phổi sẽ được bác sĩ khắc phục trong suốt quá trình điều trị nên người bệnh không cần quá lo lắng. Khoảng 1-2 năm sau khi kết thúc xạ trị, tình trạng tràn dịch cũng sẽ biến mất.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến phổi bị kẹt

Phổi bị kẹt đa phần là do hiện tượng các mô phổi bị xơ hóa, trở nên sần sùi khiến hai bên màng phổi gặp khó khăn mở rộng ra trong quá trình hô hấp. Khi màng phổi không thể giãn nở rộng  đến thành ngực sẽ gây tăng áp lực bên trong khoang màng phổi làm tích tụ chất lỏng bên trong khoang nhiều hơn để màng phổi có thể giãn rộng ra. Hình ảnh X quang phổi khi bị tràn dịch màng phổi do phổi bị kẹt sẽ thấy màng phổi tách đôi ra.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến suy tim

Khi sức khỏe của tim bị suy yếu, máu sẽ không được vận chuyển để cung cấp cho hoạt động của các cơ quan. Do đó mà tích tụ lại bên trong phổi, gây tăng áp lực cho tĩnh mạch phổi khiến cho dịch và các chất lỏng thấm nhanh vào phổi, gây tràn dịch màng phổi. Hình ảnh X quang của bệnh nhân tràn dịch do suy tim sẽ thấy tim to, phổi tràn dịch hai bên và dịch tập trung chủ yếu ở phổi phải. Tình trạng tràn dịch màng phổi sẽ được khắc phục hiệu quả sau khi dùng thuốc lợi tiểu.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến suy tim

Tràn dịch màng phổi liên quan đến suy tim, máu cung cấp ít tới các cơ quan

Tràn dịch màng phổi liên quan đến xơ gan

Xơ gan là tình trạng các mô gan được thay thế bởi các tế bào bị xơ hóa khiến cho kích thước của gan tăng lên. Điều này sẽ làm tăng áp lực lên màng phổi khiến cho chất lỏng và dịch thấm nhanh vào khoang màng phổi gây tràn dịch. Tràn dịch có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên phổi và có đến 6% trường hợp suy tim gây tràn dịch ồ ạt phải tiến hành chọc hút để loại bỏ dịch trong màng phổi.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến thẩm phân phúc mạc

Thẩm phân phúc mạc là một phương pháp được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân suy thận với chức năng thay thế hoạt động đào thải các chất cặn bã và ổn định cân bằng dịch của thận. Tràn dịch màng phổi thường xuất hiện sau khi tiến hành thẩm phân phúc mạc khoảng 30 giờ hoặc sau nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Do điều trị suy thận là quá trình kéo dài nên để tránh tràn dịch màng phổi nghiêm thường xuyên thì người bệnh nên ưu tiên lựa chọn phương pháp chạy thận nhân tạo.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến hội chứng thận hư

Trong hội chứng thận hư, do chức năng lọc của thận bị suy giảm khiến cho lượng lớn protein thoát ra ngoài cùng với nước tiểu gây giảm protein trong máu. Nồng độ protein máu thấp sẽ làm giảm sức kéo  giữ nước lại bên trong các tế bào, gây phù, sau đó là tràn dịch, trong đó bao gồm cả tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi xuất hiện ở 20% trường hợp mắc hội chứng thận hư nhưng  sẽ mau chóng cải thiện khi chức năng thận nhanh chóng phục hồi.

Tràn dịch màng phổi liên quan đến thận hư

Tràn dịch màng phổi liên quan đến chứng thận hư thận yếu

Tràn dịch màng phổi do nhiễm virus

Nhiễm virus, đặc biệt là các virus gây bệnh đường hô hấp sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương, viêm nhiễm tại phổi. Khi bị nhiễm virus đường hô hấp, người bệnh sẽ có biểu hiện ho, sốt, đau tức ngực và hình ảnh X quang ngực có thể thấy viêm phổi đi kèm. Tràn dịch do nhiễm virus đa phần là những tràn dịch nhỏ và sẽ hết sau khoảng 2 tuần điều trị tích cực.

Xẹp phổi cũng là nguyên nhân gây tràn dịch

Xẹp phổi là tình trạng các phế nang phổi bị teo, xẹp lại gây khó khăn trong quá trình hít thở. Phổi bị xẹp lâu ngày có thể dẫn đến viêm phổi, khiến cho phổi bị nhiễm trùng, mưng mủ, tiết nhiều dịch nhầy. Tình trạng xẹp phổi thường xuất hiện ở người bệnh sau khi tiến hành phẫu thuật vùng bụng trên và từ từ biến mất sau một thời gian điều trị.

Tràn dịch do bệnh đái tháo đường

Khi nồng độ đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây suy yếu hệ thống miễn dịch. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có cả phổi. Phổi bị viêm sẽ dần mưng mủ, khiến cho khoang màng phổi chứa đầy dịch nhầy gây tràn dịch.

Tràn dịch màng phổi do bệnh suy giáp

Suy giáp là bệnh lý suy giảm khả năng kiểm soát, điều hòa quá trình trao đổi chất diễn ra bên trong cơ thể. Suy giáp lâu ngày có thể gây hạ canxi máu khiến cho hoạt động của tim bị ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến suy tim. Từ đó làm tăng áp lực lên phổi, khiến dịch và chất lỏng thấm vào màng phổi gây tràn dịch.

Cách điều trị tràn dịch màng phổi hiện nay

Tràn dịch màng phổi nếu không được khắc phục sớm sẽ khiến cho quá trình hô hấp của người bệnh gặp nhiều khó khăn, các cơ quan không được cung cấp đủ oxy cho hoạt động sống, khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, mất tinh thần. Vì vậy, khi quá trình thở trở nên khó khăn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi

Khi có nghi ngờ tràn dịch màng phổi, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • X-quang phổi: Là phương pháp sử dụng một chùm tia X có mức năng lượng thấp chiếu vào lồng ngực để thu ấy hình ảnh bất thường bên trong phổi. Phim chụp X quang ngực xuất hiện đám mờ ở một hoặc cả hai bên phổi, tập trung chủ yếu ở dưới phổi do tràn dịch. Tuy nhiên trong trường hợp tràn dịch lượng ít, rải rác thì sẽ rất khó quan sát được hiện tượng tràn dịch trên phim X quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp CT ngực sẽ cho ra hình ảnh rõ ràng, chi tiết hơn về vị trí, mức độ tràn dịch, từ đó đưa ra hướng khắc phục, điều trị phù hợp cho người bệnh.
  • Siêu âm màng phổi: Là kỹ thuật giúp xác định chính xác vị trí tràn dịch màng phổi ngay cả khi lượng dịch tiết ra chỉ khoảng vài ml mà chụp X quang không nhận biết được. Hình ảnh tràn dịch quan sát được trên máy siêu âm là một lớp dịch tiết mỏng nằm ngay giữa lá thành và lá tạng.
  • Nội soi lồng ngực: Là kỹ thuật sử dụng một ống soi luồn vào bên trong khoang màng phổi để giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được tình trạng hiện tại của phổi. Phương pháp này vừa giúp nhận biết được mức độ tổn thương màng phổi lại vừa tạo điều kiện thu được mẫu dịch màng phổi mang đi sinh thiết để tìm nguyên nhân.
  • Phân tích dịch màng phổi: Chọc hút dịch màng phổi đem đi phân tích được xem là kỹ thuật có độ tin cậy hàng đầu trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Thông qua màu sắc, thành phần, hình ảnh làm vi sinh, kết quả xét nghiệm tìm tế bào ác tính có trong dịch màng phổi sẽ giúp bác sĩ nhận định được chính xác tình trạng, nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi. Từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, an toàn, đặc hiệu cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằngcác phương pháp sau:

✜ Chọc hút dịch màng phổi: Chọc hút dịch màng phổi sẽ giúp loại bỏ bớt lượng dịch tiết dư thừa bên trong, làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.

✜ Dẫn lưu màng phổi: Phương pháp này sử dụng một dụng cụ hình ống được làm từ silicon có một đầu gắn với thiết bị hút áp lực âm và một đầu đâm xuyên qua da vào bên trong khoang màng phổi để hút hết dịch tiết dư thừa bên trong phổi ra ngoài. Dẫn lưu màng phổi thường được áp dụng với các trường hợp phổi bị tràn dịch mủ, máu kết hợp với tràn khí màng phổi.

Hình ảnh bình dẫn lưu màng phổi

Hình ảnh bình dẫn lưu màng phổi

✜ Điều trị nội khoa: Tùy vào nguyên nhân gây tràn dịch mà người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng một trong các thuốc sau:

  • Thuốc kháng sinh như Penicillin G, Gentamycin, Levofloxacin, Moxifloxacin,… Dành cho những trường hợp tràn dịch do viêm, nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm tủy, viêm gan,…
  • Thuốc kháng lao như Rifampicin, Isoniazid, Streptomycin, Pyrazinamide,… Chỉ định cho bệnh nhân bị tràn dịch do lao.
  • Hóa chất: Dành riêng cho những trường hợp tràn dịch do ung thư.

✜ Điều trị hỗ trợ: Để giúp cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt hơn thì người bệnh cần tuân thủ đúng một số hướng dẫn, chỉ định của các bác sĩ như sau:

  • Dùng paracetamol theo hướng dẫn khi có sốt, đau.
  • Để phòng ngừa suy hô hấp, người bệnh có thể được thở oxy, chọc tháo dịch.
  • Tập vật lý trị liệu hô hấp khi được bác sĩ chỉ định.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, đảm bảo đủ dinh dưỡng.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường quá ô nhiễm.
  • Thận trọng khi tiếp xúc với bệnh nhân lao.
  • Đồ ăn cần được đảm bảo sạch sẽ, nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm các loại vi khuẩn có hại.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày để phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Bỏ thuốc lá.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về bệnh lý tràn dịch màng phổi. Từ đó, có hướng phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn đầu. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 hoặc Inbox trực tiếp Fanpage facebook để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của MEDIPLUS!

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám