Bệnh suy hô hấp cấp nguy hiểm như thế nào, điều trị ra sao?

Cập nhật 10/05/2023

1.7K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Hô hấp

Bệnh suy hô hấp cấp xảy ra do quá trình trao đổi khí của bộ máy hô hấp bị suy giảm khiến người bệnh cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Chính vì thế hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, mức độ của bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa và đưa ra hướng điều trị kịp thời.

Bệnh suy hô hấp cấp là gì?

Suy hô hấp cấp là hiện tượng chức năng thông khí của bộ máy hô hấp và trao đổi khí của phổi suy giảm. Tình trạng này sẽ làm cho lượng oxy (O2) trong máu bị thiếu hụt, chỉ số PaO2 (áp suất riêng phần khí oxy trong máu động mạch) <60mmHg. Có thể kèm theo hoặc không kèm theo tăng CO2 máu, PaCO2 (áp suất riêng phần khí CO2 trong máu động mạch) có thể bình thường, giảm hoặc tăng. Lượng O2 không đủ nuôi dưỡng cho các cơ quan, gây ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động bình thường của toàn bộ cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp nếu không được điều trị nhanh chóng có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng suy hô hấp cấp do chức năng thông khí suy giảm gây thiếu hụt oxy

Hội chứng suy hô hấp cấp do chức năng thông khí suy giảm gây thiếu hụt oxy

Nguyên nhân gây hội chứng suy hô hấp cấp

Tham vấn y khoa, Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng – Bác sĩ nội hô hấp Tổ hợp y tế MEDIPLUS cho biết, hội chứng suy hô hấp cấp là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng phổi, tim và hệ thần kinh. Qua đó có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến hội chứng này bao gồm:

Nhóm nguyên nhân tại phổi

Nhiễm trùng phổi: Lao kê, viêm phổi do vi khuẩn (liên cầu, phế cầu) hoặc virus (virus SARS, H7N9, cúm A H5N1,…) gây viêm nhiễm nghiêm trọng, sau đó lan rộng ra khắp các thùy phổi nếu không được điều trị sớm.

Phù phổi cấp

  • Phù phổi cấp do tim: Các cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hở van hai lá, suy mạch vành,…
  • Phù phổi cấp do tổn thương: Mắc cúm ác tính (do virus, cơ địa, tuổi tác,…) nhiễm độc (nọc độc rắn, heroin,…) đuối nước, sốc nhiễm trùng,…

Hen phế quản: Do người bệnh có cơ địa dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là hen phế quản và không được điều trị sớm hoặc đã điều trị nhưng điều trị không đúng cách.

Tắc nghẽn phế quản cấp do mắc dị vật ở trẻ nhỏ, do u hoặc xẹp phổi cấp ở người lớn.

Hen phế quản nguyên nhân thường gặp gây suy hô hấp cấp

Hen phế quản nguyên nhân thường gặp gây suy hô hấp cấp

Nhóm nguyên nhân ngoài phổi

  • Tràn dịch màng phổi: Suy hô hấp cấp xảy ra khi lượng dịch bên trong đường hô hấp tiết ra nhiều.
  • Tắc nghẽn khí quản – thanh quản: Thường là di chứng sau khi mắc các bệnh lý như viêm thanh quản, u thanh quản, u thực quản,…
  • Thần kinh trung ương bị tổn thương: Do tai biến, chấn thương sọ não,…

Biểu hiện của suy hô hấp cấp

Tùy vào mức độ, nguyên nhân gây suy hô hấp cấp mà biểu hiện của bệnh ở mỗi người cũng sẽ rất khác nhau. Nếu các triệu chứng không được khắc phục, điều trị sớm thì tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ chuyển biến tồi tệ hơn. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng sau:

Khó thở: Do cơ quan hô hấp bị tổn thương, phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên khiến cho người bệnh cảm thấy khó thở.

Nhịp thở thay đổi

Quá trình trao đổi khí ảnh hưởng gây thiếu oxy và dư thừa CO2 nên người bệnh phải thở nhanh hơn để lấy đủ lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Tần số thở của người bị suy hô hấp sẽ tăng lên khoảng 40 lần/phút. Lúc này có thể quan sát thấy rõ sự co kéo mạnh của các cơ hô hấp tại khoảng hõm xương ức hoặc giữa các gian sườn.

Đối với trẻ em khi thở nhanh sẽ thấy hai bên cánh mũi phập phồng rõ rệt. Còn với các trường hợp suy hô hấp có kèm các tổn thương thì nhịp thở thường sẽ giảm đi, người bệnh ngứa cổ nhưng lại không ho được khiến đờm ứ đọng lại bên trong phế quản.

Biểu hiện tím tái: Tím tái môi, mặt, chân, đầu ngón tay hoặc toàn thân là triệu chứng rất dễ gặp ở người bị suy hô hấp cấp. Biểu hiện này sẽ xuất hiện rõ rệt hơn khi nồng độ hemoglobin trong máu tăng cao. Tình trạng tím tái thường kèm theo cả giãn mạch ở đầu các chi, tăng nồng độ CO2 máu và đôi khi đổ mồ hôi.

Mặt môi tím tái là một trong các biểu hiện nhận biết suy hô hấp cấp

Mặt môi tím tái là một trong các biểu hiện nhận biết suy hô hấp cấp

Tuần hoàn: Ban đầu có thể xuất hiện cơn tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp trên thất sau đó là hạ huyết áp.

Triệu chứng thần kinh: Biểu hiện lơ mơ, hôn mê, rối loạn tri giác, vật vã thường chỉ gặp khi suy hô hấp tiến triển nặng.

Suy tim phải cấp: Triệu chứng thường gặp khi suy tim phải cấp tính là gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, thậm chí nổi tĩnh mạch cổ tự nhiên thường gặp ở các cơn cấp của suy hô hấp mạn tính. Tuy nhiên những biểu hiện này sẽ mất dần khi cơn suy hô hấp cấp suy giảm.

Các dạng và giai đoạn phát triển hội chứng suy hô hấp

Chẩn đoán chính xác người bệnh đang mắc suy hô hấp ở dạng nào, bệnh đang tiến triển đến đâu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra hướng điều trị phù hợp, an toàn, hiệu quả.

Các dạng suy hô hấp cấp

Bệnh suy hô hấp cấp được chia làm 3 nhóm, cụ thể:

  • Nhóm I: Biểu hiện giảm nồng độ oxy máu và không có tăng nồng độ khí cacbonic. Khi kiểm tra thì thấy chỉ số SaO2<90%, PaO2<60 mmHg, PaCO2 bình thường hoặc giảm nhẹ kèm theo nhiễm toan chuyển hóa do nồng độ acid lactic tăng hoặc kiềm hô hấp do thông khí phế nang tăng.
  • Nhóm II: Với biểu hiện giảm thông khí ở các phế nang. Suy hô hấp nhóm này sẽ có nồng độ PaCO2>45mmHg kèm theo nhiễm toan hô hấp có mức pH<7,35.
  • Nhóm III: Là dạng phối hợp nhóm I và II với nồng độ PaCO2>45 mmHg, PaO2<60 mmHg. Người bệnh được kết luận nhiễm toan hô hấp hoặc toan hỗn hợp do phối với với sự tăng acid lactic máu.

Các giai đoạn phát triển hội chứng suy hô hấp

Suy hô hấp cấp tiến triển theo 4 giai đoạn với triệu chứng cụ thể như sau:

Triệu chứng Giai đoạn 1 Giai đoạn 2 Giai đoạn 3 Giai đoạn 4
Nhịp thở (lần/phút) 25-30 khi gắng sức 25-30 30-40 <10 hoặc >40
Khó thở Khó thở xuất hiện khi gắng sức, lồng ngực di động được khi nằm. Liên tục cảm thấy khó thở, lồng ngực khó di động. Khó thở liên tục, lồng ngực không di động dù các cơ hô hấp vẫn đang hoạt động. Khó thở liên tục, rối loạn hô hấp, các cơ hô hấp hoạt động yếu.
Tím tái Xuất hiện khi gắng sức Tím tái ở môi, đầu chi Tím tái ở mặt, đầu chi, mô Tím tái toàn thân
Mạch (lần/phút) 90-100 100-110 110-120 >120
Mức huyết áp Huyết áp bình thường Huyết áp bình thường Huyết áp cao Huyết áp thấp
Rối loạn ý thức Không có Không có Biểu hiện vật vã Lơ mơ hoặc hôn mê

Chẩn đoán sớm hội chứng suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là bệnh lý cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Để chẩn đoán chính xác tình trạng suy hô hấp cấp các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra các dấu hiệu bất thường ban đầu cảnh báo nguy cơ suy hô hấp. Cụ thể:

Thăm khám lâm sàng

Khi nghi ngờ người bệnh đang gặp phải vấn đề nào đó trên đường hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp cấp thì quá trình thăm khám sẽ bao gồm:

  • Kiểm tra da mặt, môi, các ngón tay, ngón chân xem có biểu hiện nhợt nhạt, xanh xao hay không.
  • Nghe tim phổi để kiểm tra xem nhịp tim có đập bình thường không, phổi có xuất hiện âm thanh lạ và lồng ngực có di chuyển đều đặn khi thở hay không.
  • Kiểm tra huyết áp.
  • Đo thân nhiệt.
  • Đo nồng độ oxy máu bằng cách dùng dụng cụ chuyên dụng kẹp vào đầu ngón tay.

Kiểm tra cận lâm sàng

Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, người bệnh cần phải làm thêm một số phương pháp cận lâm sàng khác có giá trị chẩn đoán xác định như:

  • Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá chức năng, hoạt động của các cơ quan cũng như giúp phát hiện được nguyên nhân gây ra tổn thương ở phổi.
  • Nội soi phế quản: Phát hiện sớm sự tồn tại của các khối u, những tổn thương, tắc nghẽn ở bên trong phế quản.
  • X-quang ngực: Hình ảnh X-quang giúp xác định được vị trí, mức độ tổn thương tại phổi.
  • CT phổi: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính giúp xác định mức độ tổn thương, nhiễm khuẩn tại phổi.
  • Siêu âm phổi: Kiểm tra những bất thường trong hoạt động của các cơ quan hô hấp.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Giúp xác định vấn đề hô hấp đang gặp phải của người bệnh bằng cách lấy mẫu máu bên trong động mạch người bệnh đem đi phân tích, kiểm tra nồng độ oxy, carbonic, bicarbonate, pH,…

Phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lý suy hô hấp

Suy hô hấp cấp là bệnh lý cần được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời bằng các biện pháp hồi sức hô hấp sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Tham khảo chi tiết hướng điều trị hiệu quả:

Thông đường dẫn khí

Những thủ thuật áp dụng để thông đường dẫn khí bao gồm:

  • Tiến hành lấy hết cát, bụi, dị vật, thức ăn,… mắc tại đường hô hấp.
  • Hút hết dịch, đờm, rãi, mủ, máu bên trong khí – phế quản.
  • Nâng hàm, đặt canuyn mayo nâng lưỡi, ngửa đầu ra đằng sau hoặc kéo lưỡi ra ngoài khi lưỡi tụt.
  • Luồn dây polyten theo đường giáp nhẫn.
  • Hút đờm dãi, máu trong khí phế quản
  • Đặt nội khí quản, mở khí quản để khai thông đường dẫn khí.
  • Với những trường hợp hút không được hết dịch, đờm bên trong đường hô hấp thì phải tiến hành luồn dây polyten theo đường giáp nhẫn để đi vào bên trong khí quản rồi sau đó bơm thuốc long đờm hoặc kháng sinh vào để tống hết lượng đờm, mủ còn sót lại ra ngoài.

Đặt nội khí quản

Đặt nội khí quản có thể thực hiện ở mũi hoặc mồm, tùy vào tình trạng người bệnh. Cụ thể:

  • Với đặt nội khí quản qua mồm thì thao tác dễ dàng, nhanh chóng nhưng do phải dùng đèn soi khi đặt nên người bệnh dễ cắn phải ống cũng như gây bất tiện trong quá trình vệ sinh răng miệng.
  • Với đặt nội khí quản qua mũi thì không cần dùng đèn soi, để dài hơn nhưng thời gian tiến hành lâu và dễ gây chảy máu, chảy mủ, loét, tắc ống.
Đặt nội khí quản giải pháp duy trì đường thở thông thoáng và thông khí

Đặt nội khí quản giải pháp duy trì đường thở thông thoáng và thông khí

Liệu pháp Oxy

Liệu pháp oxy thường được áp dụng với các trường hợp suy hô hấp có giảm oxy máu. Người bệnh cần tiến hành thở oxy sau khi đã đẩy hết được lượng CO2 thải ra khỏi cơ thể. Người bệnh có thể lựa chọn thở oxy qua mặt nạ, luồn đặt ở mũi, thở oxy trong lồng ấp hoặc thở oxy cao áp.

Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo

Bệnh nhân khi bị giảm thông khí sẽ được sơ cứu bằng các phương pháp như:

  • Thổi ngạt: Dễ thực hiện, linh hoạt, hiệu quả cao, giúp cấp cứu kịp thời cho nhiều trường hợp bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, tắc nghẽn hô hấp.
  • Thở máy: Sau khi tiến hành các biện pháp sơ cứu thủ công như thổi ngạt, ép tim mà không mang lại kết quả gì thì người bệnh sẽ được thở oxy để hỗ trợ cho quá trình hô hấp.

Rửa phế quản

Đây là thủ thuật dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao, giúp loại bỏ được những tác nhân gây tắc nghẽn hô hấp như đờm, mủ, máu,… bằng cách bơm vào ống nội khí quản khoảng 20ml nước cất sau đó hút sạch dịch mủ trong phế quản theo nhiều chiều khác nhau. Khi thực hiện thủ thuật này người bệnh cần được thở oxy liên tục trước khi tiến hành ít nhất 20 phút.

Dùng thuốc

Những loại thuốc được chỉ định trong suy hô hấp cấp bao gồm:

  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh trong trường hợp người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp như trong bệnh viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
  • Các thuốc kích thích hô hấp: Giúp cho đường thở của bệnh nhân được thông thoáng, giúp oxy dễ dàng lưu thông, cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể.

Phòng ngừa hội chứng suy hô cấp hiệu quả

Không phải tất cả các trường hợp suy hô hấp cấp tính đều có khả năng phòng ngừa được từ sớm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau đây:

  • Bỏ thuốc lá để bảo vệ 2 lá phổi.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, luyện tập một cách hợp lý để duy trì sự ổn định, tăng cường sức khỏe cho phổi.
  • Khi cơ thể có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp như sốt, ho, mũi họng tiết nhiều dịch nhầy thì nên đi gặp bác sĩ để được xử trí sớm.
  • Khi bị các vấn đề về đường hô hấp thì cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị, dùng thuốc của bác sĩ để cơ thể mau chóng khỏe mạnh trở lại.

Suy hô hấp cấp là một căn bệnh tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Chính vì thế, khi xuất hiện những triệu chứng cảnh báo người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và cấp cứu kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của MEDIPLUS!

*Bài viết tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị của Bác sĩ!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám