Bảng chiều cao cân nặng của trẻ, biểu đồ tăng trưởng của bé

Cập nhật 16/06/2023

4.0K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Theo dõi bảng chiều cao cân nặng của trẻ không chỉ giúp bố mẹ nắm được quá trình phát triển của con yêu qua từng giai đoạn, mà còn là công cụ để bố mẹ đánh giá tình trạng thể chất của trẻ một cách khoa học nhất. Vậy cân nặng và chiều cao của trẻ như thế nào là đạt chuẩn? Chia sẻ của ThS BSNT Nguyễn Thị Hà – Bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai – Bác sĩ Nhi khoa MEDIPLUS qua bài viết dưới đây.

1. Tại sao cần đo chiều cao cân nặng cho trẻ?

Cân nặng và chiều cao là một trong những chỉ số quan trọng của trẻ giúp bố mẹ theo dõi và đánh giá quá trình phát triển thể chất của con yêu qua từng giai đoạn, nhất là vào những năm tháng đầu đời. Đây được xem là chỉ số cơ bản nhất giúp bố mẹ nắm được tổng quan tình trạng sức khỏe của con, từ đó có những giải pháp kịp thời để con phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, các chỉ số về cân nặng và chiều cao còn phản ánh tình trạng dinh dưỡng của trẻ, giúp bố mẹ cân nhắc xem liệu chế độ ăn hàng ngày cho con đã hợp lý hay chưa. Từ đó, bố mẹ cần xem xét, điều chỉnh và bổ sung thêm những thành phần còn thiếu cho con.

Chiều cao và cân nặng phản ánh rõ nhất tình trạng thể chất của trẻ

Chiều cao và cân nặng phản ánh rõ nhất tình trạng thể chất của trẻ

Ngoài ra, sự thay đổi bất thường về cân nặng và chiều cao cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ có vấn đề về sức khỏe. Khi có vấn đề về sức khỏe, trẻ có thể gặp tình trạng biếng ăn, khó hấp thu,… dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng, khiến trẻ chậm tăng cân và phát triển chiều cao.

Do đó, thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao cho trẻ sẽ giúp bố mẹ phát hiện và phản ứng kịp thời trước các thay đổi về sức khỏe. Căn cứ vào đó, bố mẹ có thể sớm tìm ra nguyên nhân và có phương án điều chỉnh phù hợp, đảm bảo sự phát triển toàn diện nhất cho trẻ.

>>> Xem thêm bài viết: TOP 10 thực phẩm vàng bổ sung canxi cho bé

2. Bảng chiều cao cân nặng của trẻ theo chuẩn WHO

Với những lý do quan trọng như trên, việc có một tiêu chuẩn chiều cao và cân nặng để bố mẹ dễ dàng theo dõi, đối chiếu là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ trích từ Child Growth Standards của Tổ chức Y tế Thế giới WHO mà bố mẹ có thể tham khảo:

2.1 Bảng chiều cao cân nặng của bé trai

Bảng chiều cao cân nặng của bé trai dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lúc sơ sinh cho đến 10 tuổi. Căn cứ vào thông tin trong bảng, bố mẹ có thể đánh giá mức độ tăng trưởng và kịp thời bổ sung dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi để trẻ phát triển thể chất toàn diện nhất. Xem chi tiết cân nặng bé trai chi tiết qua bảng:

Tuổi Cân nặng (kg) Chiều cao (cm)
-2SD TB +2SD -2SD TB +2SD
Sơ sinh 2,5 3,3 4,4 46,1 49,9 53,7
1 tháng 3,4 4,5 5,8 50,8 54,7 58,6
2 tháng 4,3 5,6 7,1 54,4 58,4 62,4
3 tháng 5,0 6,4 8,0 57,3 61,4 65,5
4 tháng 5,6 7,0 8,7 59,7 63,9 68,0
5 tháng 6,0 7,5 9,3 61,7 65,9 70,1
6 tháng 6,4 7,9 9,8 63,3 67,6 71,9
7 tháng 6,7 8,3 10,3 64,8 69,2 73,5
8 tháng 6,9 8,6 10,7 66,2 70,6 75,0
9 tháng 7,1 8,9 11,0 67,5 72,0 76,5
10 tháng 7,4 9,2 11,4 68,7 73,3 77,9
11 tháng 7,6 9,4 11,7 69,9 74,5 79,2
12 tháng 7,7 9,6 12,0 71,0 75,7 80,5
15 tháng 8,3 10,3 12,8 74,1 79,1 84,2
18 tháng 8,8 10,9 13,7 76,9 82,3 87,7
21 tháng 9,2 11,5 14,5 79,4 85,1 90,9
24 tháng 9,7 12,2 15,3 81,0 87,1 93,2
2,5 tuổi 10,5 13,3 16,9 85,1 91,9 98,7
3 tuổi 11,3 14,3 18,3 88,7 96,1 103,5
3,5 tuổi 12,0 15,3 19,7 91,9 99,9 107,8
4 tuổi 12,7 16,3 21,2 94,9 103,3 111,7
4,5 tuổi 13,4 17,3 22,7 97,8 106,7 115,5
5 tuổi 14,1 18,3 24,2 100,7 110,0 119,2
5,5 tuổi 15,0 19,4 25,5 103,4 112,9 122,4
6 tuổi 15,9 20,5 27,1 106,1 116,0 125,8
6,5 tuổi 16,8 21,7 28,9 108,7 118,9 129,1
7 tuổi 17,7 22,9 30,7 111,2 121,7 132,3
7,5 tuổi 18,6 24,1 32,6 113,6 124,5 135,5
8 tuổi 19,5 25,4 34,7 116,0 127,3 138,6
8,5 tuổi 20,4 26,7 37,0 118,3 129,9 141,6
9 tuổi 21,3 28,1 39,4 120,5 132,6 144,6
9,5 tuổi 22,2 29,6 42,1 122,8 135,2 147,6
10 tuổi 23,2 31,2 45,0 125,0 137,8 150,5

2.2 Bảng chiều cao cân nặng của bé gái

Tương tự với bé trai, bảng chiều cao cân nặng của bé gái cũng được thiết kế từ sơ sinh cho đến lúc 10 tuổi dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Nhìn chung, các chỉ số cân nặng và chiều cao ở bé gái cao hơn một chút so với bé trai cùng trang lứa. Cụ thể chiều cao cân nặng bé gái:

Tuổi Cân nặng (kg) Chiều cao (cm)
-2SD TB +2SD -2SD TB +2SD
Sơ sinh 2,4 3,2 4,2 45,4 49,1 52,9
1 tháng 3,2 4,2 5,5 49,8 53,7 57,6
2 tháng 3,9 5,1 6,6 53,0 57,1 61,1
3 tháng 4,5 5,8 7,5 55,6 59,8 64,0
4 tháng 5,0 6,4 8,2 57,8 62,1 66,4
5 tháng 5,4 6,9 8,8 59,6 64,0 68,5
6 tháng 5,7 7,3 9,3 61,2 65,7 70,3
7 tháng 6,0 7,6 9,8 62,7 67,3 71,9
8 tháng 6,3 7,9 10,2 64,0 68,7 73,5
9 tháng 6,5 8,2 10,5 65,3 70,1 75,0
10 tháng 6,7 8,5 10,9 66,5 71,5 76,4
11 tháng 6,9 8,7 11,2 67,7 72,8 77,8
12 tháng 7,0 8,9 11,5 68,9 74,0 79,2
15 tháng 7,6 9,6 12,4 72,9 77,5 83,0
18 tháng 8,1 10,2 13,2 74,9 80,7 86,5
21 tháng 8,6 10,9 14,0 77,5 83,7 89,8
24 tháng 9,0 11,5 14,8 80,0 86,4 92,9
2,5 tuổi 10,0 12,7 16,5 83,6 90,7 97,7
3 tuổi 10,8 13,9 18,1 87,4 95,1 102,7
3,5 tuổi 11,6 15,0 19,8 90,9 99,0 107,2
4 tuổi 12,3 16,1 21,5 94,1 102,7 111,3
4,5 tuổi 13,0 16,2 23,2 97,1 106,2 115,2
5 tuổi 13,7 18,2 24,9 99,9 109,4 118,9
5,5 tuổi 14,6 19,1 26,2 102,3 112,2 122,0
6 tuổi 15,3 20,2 27,8 104,9 115,1 125,4
6,5 tuổi 16,0 21,2 29,6 107,4 118,0 128,6
7 tuổi 16,8 22,4 31,4 109,9 120,8 131,7
7,5 tuổi 17,6 23,6 33,5 112,4 123,7 134,9
8 tuổi 18,6 25,0 35,8 115,0 126,6 138,2
8,5 tuổi 19,6 26,6 38,3 117,6 129,5 141,4
9 tuổi 20,8 28,2 41,0 120,3 132,5 144,7
9,5 tuổi 22,0 30,0 43,8 123,0 135,5 148,1
10 tuổi 22,3 31,9 46,9 125,8 138,6 151,4

3. Hướng dẫn bố mẹ đo và đọc các chỉ số đúng cách

Trên đây là bảng chiều cao cân nặng của trẻ trai và gái theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dựa vào thông tin trong bảng, bố mẹ sẽ theo dõi sát sao được các chỉ số tăng trưởng của trẻ. Từ đó, phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến sức khỏe và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để có được những thông tin chính xác nhất về thể trạng của con, bố mẹ cần nắm vững cách đo và đọc các chỉ số tăng trưởng chính xác để hạn chế tối đa các nguy cơ gây sai lệch. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ cho bố mẹ trong quá trình theo dõi sự phát triển chiều cao cân nặng của con:

3.1 Cách đo chiều cao cân nặng cho trẻ

Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên đo cân nặng cho con vào buổi sáng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nên chú ý trừ đi số đo trên cân khoảng 200-400gram (tương đương với trọng lượng của quần áo và bỉm) để có được kết quả chính xác nhất. Trong vòng 1 năm đầu đời trẻ sẽ phát triển khá nhanh, do đó, bố mẹ nên kiểm tra cân nặng cho trẻ mỗi tháng một lần để theo dõi và nắm được quá trình tăng trưởng của trẻ.

Thông thường, các trẻ sơ sinh gái sẽ có cân nặng nhỉnh hơn so với các bé nam đôi chút. Vì vậy, bố mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Bố mẹ nên sử dụng cân điện tử để hạn chế các sai số không cần thiết nhé!

Về chiều cao, trẻ trên 24 tháng tuổi có thể đo chiều cao đứng theo tiêu chuẩn “5 điểm chạm và 1 đường nằm ngang”. Trẻ dưới 24 tháng tuổi được khuyến nghị nên đo chiều dài nằm bằng dụng cụ chuyên dụng. Kỹ thuật đo cho trẻ cần phải đúng và chính xác vì đôi khi trẻ có thể không chịu hợp tác. Trong trường hợp đó, có thể chuyển sang đo chiều cao đứng cho trẻ và cộng thêm 0,7 cm.

Nên đo các chỉ số tăng trưởng của bé vào buổi sáng để có kết quả với độ chính xác cao

Nên đo các chỉ số tăng trưởng của bé vào buổi sáng để có kết quả với độ chính xác cao

3.2 Nguyên tắc đo chiều cao cho trẻ

Bố mẹ đo chiều dài nằm cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo các bước sau đây:

  • Đặt thước đo chiều dài nằm trên mặt phẳng nằm ngang. Cởi bỏ giày dép, vật dụng trên người trẻ có thể gây ảnh hưởng đến kết quả đo.
  • Đặt trẻ nằm thẳng trên ván đo sao cho đỉnh đầu trẻ chạm vào đế thước, mắt trẻ nhìn thẳng lên trần nhà, vuông góc với mặt phẳng ngang. Hai tay của bố hoặc mẹ áp vào tai trẻ để giữ bé nhìn thẳng theo tư thế trên.
  • Bố hoặc mẹ một tay giữ đầu gối hoặc cổ chân trẻ, duỗi thẳng. Tay còn lại đẩy thanh đo vào bàn chân trẻ. Giữ bàn chân trẻ thẳng đứng và áp sát vào thanh đo mặt thước.
  • Đọc kết quả và ghi lại số đo theo đơn vị cm với 1 số lẻ thập phân (Ví dụ: 58,4cm). Đỡ trẻ ngồi dậy và kết thúc quá trình đo chiều cao của bé.

Đối với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, bố mẹ đo chiều cao đứng của trẻ tuân theo nguyên tắc “5 điểm chạm và 1 đường nằm ngang”. Theo đó, thân người bé ép sát vào thước đo tạo thành 5 điểm chạm gồm đầu, vai, mông, bắp chân và gót chân. Mắt trẻ phải nhìn thẳng, đồng thời, đuôi mắt và đỉnh vành tai ngoài tạo thành một đường nằm ngang song song với mặt đất. Bố mẹ thực hiện đo theo các bước sau:

  • Đặt thước đo chiều cao trên mặt phẳng thẳng đứng, tựa vào tường. Thước nên đặt ở nơi vững vàng, vuông góc với mặt phẳng nằm ngang.
  • Cởi bỏ giày dép, mũ, cột tóc,… và những vật dụng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả đo chiều cao của trẻ.
  • Cho trẻ đứng tựa vào thước, hai bàn chân tạo thành hình chữ V. Áp sát đầu, lưng, gót chân trẻ vào thước. Hai mắt nhìn thẳng, hai tay thả lỏng dọc theo thân mình.
  • Bố hoặc mẹ giữ đầu gối và cổ chân trẻ sao cho gót chân và bắp chân áp sát vào đế thước. Người đo chính giữ cằm trẻ để cố định vị trí đầu, đồng thời, kéo thanh đo áp sát vào đỉnh đầu trẻ.
  • Đọc kết quả và ghi số đo theo đơn vị cm với 1 số lẻ thập phân. Đỡ trẻ bước ra khỏi thước và kết thúc quá trình đo chiều cao đứng.
Đo chiều cao đứng theo nguyên tắc “5 điểm chạm và 1 đường nằm ngang”

Đo chiều cao đứng theo nguyên tắc “5 điểm chạm và 1 đường nằm ngang”

3.3 Nguyên tắc khi đo cân nặng cho bé

Bố mẹ nên sử dụng cân điện tử để có kết quả chính xác nhất. Đặt cân ở nơi bằng phẳng, đồng hồ cân cần rõ ràng, dễ theo dõi. Kiểm tra độ chính xác của cân bằng vật chuẩn đã biết trước khối lượng sẵn, đồng thời, đảm bảo đã chỉnh cân về số 0 trước khi cho trẻ lên cân.

Bố mẹ đặt trẻ nằm ngửa hoặc ngồi yên giữa cân, không cử động. Trong trường hợp trẻ không hợp tác, bố mẹ có thể bế trẻ cùng lên cân, sau đó trừ đi cân nặng của bản thân. Đọc và ghi lại số đo cân nặng của trẻ theo đơn vị kg, lấy lẻ 1 chữ số thập phân.

Nên sử dụng cân điện tử để có kết quả đo chính xác hơn

Nên sử dụng cân điện tử để có kết quả đo chính xác hơn

3.4 Hướng dẫn tra cứu chiều cao cân nặng

Sau khi đã có số đo chính xác, bố mẹ đối chiếu với bảng chiều cao và cân nặng của trẻ dựa theo các cột “Tuổi”, “Cân nặng” và “Chiều cao”. Nếu các chỉ số thể trạng của bé nằm ở cột TB tức là trẻ đạt chuẩn trung bình.

Trường hợp chỉ số nhỏ hơn hoặc bằng mức -2SD, tức là trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Tương tự, chỉ số lớn hơn hoặc bằng mức +2SD, trẻ có nguy cơ bị thừa cân (béo phì) hoặc quá cao so với các trẻ cùng trang lứa. Căn cứ vào kết quả thu được, bố mẹ tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của trẻ một cách hợp lý.

4. Cân nặng và chiều cao trẻ không đạt bố mẹ phải làm gì?

Trong trường hợp cân nặng và chiều cao của trẻ không đạt chuẩn (quá thấp hoặc quá cao), bố mẹ cần bình tĩnh xem xét để tìm ra nguyên nhân. Từ đó, đưa ra giải pháp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một vài hướng giải quyết được các chuyên gia dinh dưỡng của MEDIPLUS khuyến nghị:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp với lứa tuổi: Cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, đậu phụ, sữa và các sản phẩm từ sữa,… tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển chiều cao ở trẻ.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ vận động thường xuyên: Với trẻ dưới 3 tuổi, bố mẹ nên khuyến khích và cùng con chơi các trò chơi vận động tay chân. Đối với những trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể cho bé làm quen dần với các môn thể thao như bơi lội, bóng đá, bóng rổ,…

>>> Ba mẹ cần biết: Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1-6 tuổi

Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ hoạt động, vui chơi ngoài trời

Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ hoạt động, vui chơi ngoài trời

Đảm bảo bé được ngủ đủ giấc, đúng đồng hồ sinh học: Bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, thường là trước 22h. Trẻ cần được ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày. Bố mẹ cần điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ cho phù hợp (tốt nhất là tư thế nằm ngửa để quá trình trao đổi chất được diễn ra thông suốt và hạn chế tác động xấu đến vóc dáng của trẻ), đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt nhất.

Tạo môi trường sống trong lành, lành mạnh cho trẻ: Bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ học tập và vui chơi ngoài trời nhiều hơn thay vì tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Bố mẹ cần hạn chế hút thuốc lá, dùng chất kích thích, tránh căng thẳng, xung đột  trước mặt trẻ. Trong quá trình dạy con, bố mẹ nên bình tĩnh, dịu dàng, thấu hiểu, thể hiện sự quan tâm, yêu thương thay vì dùng đòn roi, la mắng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý trẻ sau này.

Trẻ sẽ được phát triển toàn diện nếu sống trong môi trường lành mạnh và tràn đầy tình yêu thương

Trẻ sẽ được phát triển toàn diện nếu sống trong môi trường lành mạnh và tràn đầy tình yêu thương

Hy vọng thông qua bảng chiều cao cân nặng của trẻ theo chuẩn WHO, bố mẹ có thể theo dõi chính xác được các chỉ số tăng trưởng ở trẻ. Từ đó phát hiện sớm và điều trị kịp thời những nguy cơ bệnh lý đảm bảo trẻ phát triển toàn diện nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ qua số Hotline 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới Fanpage Facebook của Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia.

*Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám