Bệnh ho gà có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ?

Cập nhật 11/05/2023

991

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh ho gà, trong đó có tới 44% trẻ dưới 10 tuổi. Vậy tình trạng ho gà có thật sự nguy hiểm đối với trẻ em? Điều trị bệnh ho gà ở trẻ nhỏ như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của MEDIPLUS để tìm thêm những thông tin hữu ích phòng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà là một bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp gây ra bởi tác nhân là vi khuẩn Bordetella pertussis. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi do mắc bệnh ho gà là 1/27 ( tức là cứ 27 trẻ bệnh có 1 trẻ tử vong).

Vi khuẩn ho gà tác động lên phổi và đường hô hấp (khí phế quản) của trẻ gây ra các cơn ho mạnh không thể kiểm soát, gây khó thở và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, tổn thương não và thậm chí là tử vong.

Khuyến cáo nên tiêm vacxin phòng ho gà cho trẻ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em từ 6 tuần tuổi nên được tiêm  vaccin hỗn hợp “Bạch hầu – ho gà – uốn ván” (DTP3 vaccin) để phòng ngừa ho gà ở trẻ và giảm nguy cơ tử vong do bệnh lý này. Vaccin DTP3 hoạt động tối ưu khi tiêm đủ 4 mũi:

  • 3 mũi cơ bản: WHO khuyến cáo liều đầu tiên nên tiêm ở thời điểm 6 tuần tuổi. Các mũi tiêm cách nhau từ 4-8 tuần. Tức là mũi thứ 2 tiêm vào tuần tuổi thứ 10-14 của trẻ và mũi thứ 3 tiêm vào tuần 14-18.
  • Mũi nhắc lại: Theo khuyến cáo thì trẻ sau khi được tiêm 3 mũi cơ bản nên tiêm thêm mũi nhắc lại vào năm sau để kéo dài hiệu quả phòng bệnh.
Khuyến cáo nên tiêm vacxin phòng ho gà cho trẻ

Khuyến cáo từ WHO nên tiêm vacxin phòng ho gà cho trẻ

Triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ

Các triệu chứng của bệnh ho gà có thể xuất hiện từ 5-10 ngày sau khi phơi nhiễm. Các triệu chứng nặng dần theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn sớm

Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1-2 tuần, thậm chí có thể đến 1-2 tháng và lâu hơn. Các triệu chứng trong giai đoạn này thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Ho khan
  • Khó thở, thậm chí là ngừng thở (thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi).
  • Ngừng bú
  • Nghẹt mũi, chảy mũi
  • Sốt nhẹ.

Giai đoạn sau

Giai đoạn này kéo dài từ 1-6 tuần, đôi khi có thể kéo dài đến 10 tuần. Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh ho gà như:

  • Ho kịch phát: Các cơn ho mạnh và nhanh xảy ra liên tục từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho, càng về sau càng yếu và giảm dần. Điều này gây thiếu hụt oxy trong phổi làm trẻ khó thở. Các cơn ho có thể mạnh đến mức làm tổn thương xương sườn của trẻ.
  • Thở rít: Tình trạng này thường xuất hiện sau mỗi cơn ho, tiếng rít có âm thanh giống như tiếng gà rít.
  • Có đờm: Đờm mủ màu trắng, trong như lòng trắng trứng, đem cấy xét nghiệm sẽ phát hiện trực khuẩn ho gà.
  • Nôn ói: Sau những cơn ho kịch phát, trẻ thường có cảm giác buồn nôn, kiệt sức và thậm chí ngất xỉu.

Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn này kéo dài từ 2-3 tuần. Các triệu chứng bệnh của giai đoạn sau giảm dần, tuy nhiên tình trạng ho có thể tiếp diễn nhiều tháng sau đó. Nếu không phòng ngừa bệnh hợp lý thì giai đoạn này có thể gây ra biến chứng viêm phổi.

Các triệu chứng trẻ bị ho gà

Các triệu chứng của bệnh ho gà có thể xuất hiện từ 5-10 sau khi mắc

Biến chứng nguy hiểm do bệnh ho gà ở trẻ

Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với các trường hợp trẻ không tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh. Bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phổi: Theo ước tính, cứ 4 trẻ nhập viện điều trị ho gà thì có 1 trẻ gặp phải biến chứng viêm phổi.
  • Ngưng thở: Biến chứng này rất phổ biến ở trẻ em (khoảng 61%).
  • Co giật: 1,1% trẻ em mắc ho gà bị co giật.
  • Tổn thương não: Chiếm 0,3% các trường hợp.

Bệnh ho gà có lây không? Lây qua đường nào?

Bệnh ho gà là một bệnh rất dễ lây lan nhưng chỉ có ở người. Theo đó, bệnh lý này lây truyền từ người sang người. Con đường lây truyền trực tiếp qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi khi người bị có tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, khi tiếp xúc gần nhau trong thời gian dài, cùng chia sẻ không gian thở cũng là con đường truyền nhiễm cho người khác.

Nguồn lây nhiễm từ những người bị bệnh sẽ dễ gây lây lan nhất cho đến khoảng 2 tuần sau khi có triệu chứng ho bắt đầu. Như vậy, quá trình lây nhiễm ho gà cho người khác có thể đã xảy ra khi hoàn toàn chưa có biểu hiện gì.

Chăm sóc và phòng bệnh ho gà ở trẻ như thế nào

Bên cạnh việc điều trị thì cách chăm sóc trẻ bị ho gà cũng rất quan trọng. Khi trẻ mắc bệnh ho gà, việc tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ là cần thiết, ngoài ra thì bố mẹ cần lưu ý kết hợp những biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây để nâng cao hiệu quả điều trị, giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh:

  • Giữ ấm cho trẻ: Các yếu tố môi trường và đặc biệt là nhiệt độ lạnh và gió có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Bố mẹ cần cho bé nằm nghỉ ngơi tại khu vực thoáng mát, hạn chế nằm trong phòng điều hoà.
  • Hạn chế tiếp xúc: Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không đến nơi đông người để hạn chế việc phát tán mầm bệnh. Người trực tiếp chăm sóc trẻ phải cách ly với những người xung quanh để tránh lây lan, đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay, súc miệng thường xuyên.
  • Tăng sức đề kháng trẻ: Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ sơ sinh nên cho bú mẹ nhiều hơn để bổ sung thêm các kháng thể có trong sữa mẹ.
  • Giữ vệ sinh môi trường xung quanh: Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, tránh bụi bẩn. Tạo môi trường trong lành, trồng thêm cây xanh để lọc bớt khói bụi để ngăn ngừa các bệnh qua đường hô hấp.

Phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:

  • Tiêm vaccin: Tiêm vaccin ho gà cho mẹ trong giai đoạn mang thai từ tuần 27-36 của thai kỳ, hoặc tiêm vaccin cho trẻ ở 6-8 tuần tuổi là biện pháp phòng ngừa ho gà hiệu quả nhất.
  • Cách ly người bệnh: Khi khu vực xung quanh có người mắc bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ và thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan như đeo khẩu trang, rửa tay, súc miệng thường xuyên.
  • Dùng kháng sinh: Khi tiếp xúc với nguồn bệnh, tham khảo ngay ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt để có phác đồ điều trị kịp thời ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn ho gà trong cơ thể trẻ.

Bệnh ho gà – Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì thế bố mẹ cần có kiến thức cơ bản về những dấu hiệu để phát hiện điều trị sớm cũng như chủ động tiêm phòng vaccin ho gà để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế phác đồ điều trị y khoa!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám