Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Cập nhật 11/05/2023

3.0K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh lý tự miễn nguy hiểm ảnh hưởng lên nhiều hệ cơ quan. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh lý này ở Hoa Kỳ vào khoảng 1/200.000. Liệu tình trạng bệnh lupus ban đỏ có thật sự nguy hiểm? Bệnh lý có điều trị dứt điểm được không? Hãy để chuyên gia của MEDIPLUS giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc tốt cho sức khỏe.

Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Lupus là một bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm, sưng, đau khắp cơ thể. Đây là một bệnh lý tự miễn (tế bào miễn dịch tự tấn công những tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể) ảnh hưởng đến 16.000 người hằng năm tại Hoa Kỳ.

Bệnh lupus ban đỏ, một dạng bệnh lý mạn tính gây sưng viêm khắp người

Bệnh lupus ban đỏ, một dạng bệnh lý mạn tính gây sưng viêm khắp người

Bệnh có tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam. Ở độ tuổi trẻ em trước khi dậy thì, tỷ lệ nữ – nam mắc Lupus ban đỏ xấp xỉ 4:1. Bệnh có thể chia thành nhiều thể khác nhau:

  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Đây là thể điển hình và thường gặp nhất, ảnh hưởng hệ thống lên nhiều bộ phận và thậm chí là toàn cơ thể.
  • Lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE): Đặc trưng bởi tình trạng phát ban da trong thời gian dài.
  • Lupus ban đỏ ở da bán cấp: Thể bệnh này khiến da của trẻ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và thậm chí có thể gây loét da nếu không được che chắn cẩn thận.
  • Lupus do thuốc: Lupus khởi phát do tương tác hoặc dị ứng thuốc.
  • Lupus ban đỏ sơ sinh: Bệnh lý có liên quan đến các yếu tố di truyền và rất hiếm gặp.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ

Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh Lupus ban đỏ ở trẻ. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia sức khỏe đều cho rằng bệnh lý này khởi phát là do sự phối hợp giữa các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong cơ thể.

Yếu tố nguy cơ bên trong (di truyền)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra trên 50 gen có liên quan đến bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Trên thực tế, người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này cũng sẽ có nguy cơ mắc tỉ lệ cao gấp 20 lần so với người bình thường.

Trong phần lớn các trường hợp, chỉ có 30% cặp song sinh mang gen có liên quan đến bệnh Lupus ban đỏ đồng thời cùng mắc bệnh này. Điều này cho thấy, gen di truyền chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác, không phải ai mang các gen này đều bị Lupus ban đỏ.

Bên cạnh đó, người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý miễn dịch khác (không phải Lupus ban đỏ) cũng có nguy cơ cao mắc Lupus ban đỏ hơn so với người bình thường.

>>> Xem thêm:

Các nghiên cứu cho thấy bệnh lupus ban đỏ có liên quan đến yếu tố di truyền

Các nghiên cứu cho thấy bệnh lupus ban đỏ có liên quan đến yếu tố di truyền

Yếu tố nguy cơ bên ngoài

Bên cạnh các rối loạn miễn dịch gây nên tình trạng viêm sưng lupus ban đỏ, các yếu tố khách quan bên ngoài khác như điều kiện môi trường hoặc do đáp ứng với một số loại thuốc đôi khi cũng là tiền đề khởi phát cho căn bệnh này.

  • Môi trường: Khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm,…) hoá chất (chẳng hạn như bụi Silica trong công nghiệp và nông nghiệp), Tia UV trong ánh sáng mặt trời,… sẽ có nguy cơ khởi phát lupus ban đỏ. Khả năng mắc bệnh tăng cao hơn ở trẻ mang gen nguy cơ cho bệnh lý này.
  • Do tác dụng của thuốc: Khoảng 400 loại thuốc được cho là có khả năng gây ra triệu chứng tương tự bệnh Lupus ban đỏ. Thường là các nhóm thuốc hạ huyết áp, chống động kinh và đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh Lupus do thuốc gây ra thường tự hồi phục sau một thời gian kể từ khi ngừng thuốc. Một vài hoạt chất thường gặp là Procainamid, quinidin, hydralazine, phenytoin.

Triệu chứng lupus ban đỏ biểu hiện bên ngoài

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn phức tạp, diễn biến bệnh trải qua nhiều đợt và thường có mức độ nghiêm trọng tăng dần. Bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như: hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hoá, hô hấp, thận, da,…đồng thời gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình là các triệu chứng sau:

  • Nổi ban hình cánh bướm: Đây là triệu chứng rất đặc trưng cho Lupus ban đỏ với sự xuất hiện của ban hình cánh bướm trên mặt, thường là ở má và mũi.
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời: Tia UV trong ánh sáng mặt trời làm trầm trọng thêm ban hình cánh bướm của trẻ. Đôi khi ánh sáng mặt trời có thể làm loét da ở các bộ phận trên người, khiến trẻ mệt mỏi và đôi khi xuất hiện đau nhức xương khớp.
  • Phát ban dạng đĩa: Các ban dạng đĩa thường xuất hiện trên mặt, da đầu, cổ sau đó lan rộng và để lại sẹo.
  • Loét miệng hoặc mũi: Những vết loét do Lupus thường tập trung ở vòm miệng và không đau.
  • Sưng khớp: Các tế bào miễn dịch bị rối loạn có thể tấn công hệ thống sụn khớp trong cơ thể trẻ, gây triệu chứng sưng, đau, nóng, đỏ các khớp.
  • Viêm màng tim hoặc phổi: Màng tim và màng phổi cũng có thể là đối tượng tấn công của tế bào miễn dịch trong bệnh Lupus. Hậu quả là dẫn đến viêm màng ngoài tim hoặc viêm màng phổi với các triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở.
  • Các rối loạn thần kinh: Lupus có thể ảnh hưởng lên não bộ của trẻ gây ra các triệu chứng thường gặp như: co giật, lo âu, đau đầu, rối loạn thị giác, sa sút trí tuệ, ảo tưởng và ảo giác.
  • Thiếu máu: Lupus làm vỡ hồng cầu gây nên tình trạng thiếu máu tán huyết ở trẻ, dẫn đến da niêm mạc xanh nhạt, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt.
Triệu chứng khi trẻ bị lupus ban đỏ

Xuất hiện các vết ban dạng đĩa, cánh bướm, riệu chứng khi trẻ bị lupus ban đỏ

Sự nguy hiểm của bệnh lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Có thể nói đây là căn bệnh tự miễn phúc tạp và nguy hiểm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng trên nhiều mô của cơ thể:

  • Tổn thương thận: Lupus ban đỏ gây tổn thương nghiêm trọng các mô trong thận, nguy cơ dẫn tới suy thận. Đây cũng được xem là một trong các nguyên nhân cao của bệnh nhân mắc lupus. Tổn thương thận có thể gặp phải: Ngứa da toàn thân, buồn nôn và nôn, đau ngực, phù chân,…
  • Tác động lên máu và mạch máu: Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể khiến người bị thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu, đông máu hoặc tắc mạch máu và viêm thành mạch.
  • Tấn công hệ thần kinh trung ương: Lupus ban đỏ gây đau đầu, chóng mặt, đôi khi là ảo giác và thay đổi hành vi hoặc thậm chí là đột quỵ. Nhiều bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng diễn đạt duy nghĩ.
  • Biến chứng tim: Lupus còn có thể gây xơ hóa màng ngoài tim, tổn thương van 2 lá, van 3 lá, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dẫn tới các cơn đau tim rất nguy hiểm.
  • Tác động tới phổi: người bệnh dễ bị viêm phổi, viêm màng phổi, dẫn tới tràn dịch màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, thuyên tắc phổi và xuất huyết phổi, người bệnh cảm thấy đau và khó thở.
  • Nguy hiểm khi mang thai: Bệnh lupus làm tăng nguy cơ dọa sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Thai phụ có tiền căn bệnh thận có nguy cơ cao mắc tiền sản giật khá cao. Mẹ mắc lupus khi sinh bé có triệu chứng của lupus ban đỏ dạng đĩa, có thể bị rối loạn nhịp tim hoặc gan lách to.
  • Một số các biến chứng khác có thể gặp phải: Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch suy giảm, tăng nguy cơ mắc ung thư, hoại tử vô mạch của xương (đặc biệt là khớp háng).

Chẩn đoán lupus ban đỏ bằng cách nào?

Để chẩn đoán cũng như xác định có bị Lupus ban đỏ hay không cần xem xét kỹ các yếu tố như tiền sử bệnh gia đình, các gen di truyền liên quan đến Lupus, các triệu chứng lâm sàng cũng như thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng. Dưới đây là một số xét nghiệm thường được chỉ định:

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cho thấy được sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch trong bệnh lý Lupus. Một số chỉ số thường được quan tâm khi xét nghiệm máu để chẩn đoán Lupus bao gồm:

  • Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): thường tăng lên trong các bệnh lý viêm chẳng hạn như Lupus.
  • Xét nghiệm máu toàn bộ: Đếm tổng số lượng các tế bào máu trong cơ thể bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Tìm kháng thể trong huyết tương: Kháng thể kháng nhân (ANA) hoặc anti-dsDNA thường được tìm thấy trong các bệnh lý tự miễn, điển hình là trong bệnh Lupus ban đỏ.

Xét nghiệm nước tiểu

Bên cạnh các xét nghiệm máu chẩn đoán lupus và theo dõi bệnh, bác sĩ còn sử dụng xét nghiệm nước tiểu thường để kiểm tra chức năng thận và đánh giá mức độ tổn thương thận do Lupus ở trẻ:

  • Protein nước tiểu / Microalbumin niệu: Đo lượng protein (hoặc albumin) trong nước tiểu, chỉ ra nguy cơ mắc bệnh thận.
  • Độ thanh thải Creatinin: Đo hiệu quả lọc máu để loại bỏ chất thải của thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích nước tiểu, sự hiện diện của protein, hồng cầu, bạch cầu và phôi tế bào để sàng lọc bệnh thận, đánh giá mức độ tổn thương thận do Lupus ở trẻ.
Xét nghiệm nước tiểu đánh giá mức độ tổn thương thận do Lupus ở trẻ

Xét nghiệm nước tiểu đánh giá mức độ tổn thương thận do Lupus ở trẻ

Cách điều trị lupus ban đỏ cho trẻ

Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ không thể trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị sớm và đúng cách giúp kiểm soát bệnh tình, cải thiện các triệu chứng và cải thiện sức khỏe cho trẻ. Các nhóm thuốc thường được chỉ định điều trị:

  • Thuốc NSAID: Là các thuốc kháng viêm, giảm đau không chứa Steroid với các hoạt chất thường gặp như Ibuprofen, Meloxicam, Naproxen, Diclofenac,… Thuốc nhóm này sử dụng trong thời gian dài làm tăng nguy cơ loét dạ dày (do tăng tiết acid dịch vị) do đó cần phải cho trẻ uống khi ăn no.
  • Thuốc corticosteroid: Là nhóm kháng viêm có cấu trúc khung Steroid với hoạt tính mạnh giúp giảm nhanh tình trạng viêm nghiêm trọng hoặc trường hợp trẻ có tổn thương nội tạng. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có rất nhiều tác dụng phụ như: gây viêm loét dạ dày, tá tràng, chậm phát triển xương ở trẻ, làm suy giảm miễn dịch, teo tuyến thượng thận,… Do đó, cần phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc chống sốt rét: Với các hoạt chất như Hydroxychloroquine, Chloroquine làm giảm nhẹ các tổn thương ở da và khớp.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, chỉ sử dụng trong trường hợp trẻ không đáp ứng với điều trị bằng các thuốc khác. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Nhóm thuốc trên với các hoạt chất như Cyclosporin, Cyclophosphamide, Azathioprine, Cyclosporine,…
Bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc cho trẻ

Bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc cho trẻ

*Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ, tuân thủ theo hướng dẫn để tránh những tác dụng không mong muốn xảy ra!

Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh Lupus ban đỏ những biến chứng và hướng điều trị, hy vọng bài viết trên mang lại nhiều thông tin hữu ích trong việc phòng ngừa bệnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng liên hệ tới hotline: 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới fanpage Facebook Tổ hợp y tế Mediplus để nhận được giải đáp từ chuyên gia.

*Bài viết mang tính tham khảo và không thay thế chẩn đoán, điều trị y khoa!

5/5 - (1 vote)

    ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời với chuyên gia.


    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám