Bổ sung sắt cho bé dưới 6 tuổi như thế nào cho đúng và đủ?

Cập nhật 11/05/2023

1.4K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu, trong đó tỷ lệ gặp ở các bé dưới 6 tuổi khá cao (khoảng 20%). Thiếu sắt khiến cho cơ thể mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến chức năng của một số bộ phận và hệ thống miễn dịch cũng suy giảm. Vậy bổ sung sắt cho bé dưới 6 tuổi như thế nào cho đúng và đủ? Bố mẹ theo dõi ngay chia sẻ của chuyên gia dưới đây để được giải đáp nhé.

Vai trò của sắt đối với cơ thể trẻ nhỏ

Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ thể ( lượng sắt ở trẻ sơ sinh là 250mg, ở trẻ trên 1 tuổi là 420mg ) nhưng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe.

Đây là thành phần quan trọng tham gia quá trình tổng hợp hemoglobin (Hb) – thành phần chính của hồng cầu. Theo nghiên cứu có đến 2/3 lượng sắt trong cơ thể được tìm thấy trong hồng cầu. Do đó nếu không đủ sắt, sẽ thiếu nguyên liệu để tổng hợp Hb, hậu quả là hồng cầu nhỏ, nhược sắc. Thiếu sắt khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, da xanh xao, dễ đau ốm.

Sắt đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh

Sắt đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh

Trong cơ thể, Hb có tác dụng vận chuyển oxy, đảm bảo cung cấp đủ oxy đến các cơ quan để duy trì hoạt động. Não là cơ quan quan trọng sử dụng là tới 20% tổng lượng oxy của cơ thể, nếu không cung cấp đủ oxy sẽ ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, tập trung và tiếp thu. Ngoài ra thiếu oxy, khiến cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn phải tăng cường hoạt động hơn bình thường, nên xuất hiện tình trạng bé thở nhanh, thở dốc, tăng nguy cơ suy tim, suy hô hấp nếu không điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, sắt tham gia vào quá trình co bóp của cơ, đồng thời góp phần tổng hợp myoglobin-là chất dự trữ và giải phóng oxy trong cơ bắp, đảm bảo một khối cơ săn chắc. Quá trình vận chuyển oxy của hemoglobin cũng tham gia vào quá trình co cơ bắp. Vì vậy, nồng độ sắt thấp dễ khiến co cơ bị nhức mỏi, trẻ lười vận động.

Ngoài ra sắt còn tham gia vào quá trình sản sinh các tế bào bạch cầu lympho T – có vai trò ngăn cản sự tấn công của vi khuẩn. Thiếu hụt sắt sẽ khiến hàng rào bảo vệ cơ thể bị suy giảm gây nên nhiều bệnh lý viêm nhiễm. Sắt cũng có tác dụng với hệ thống tiêu hóa, kích thích dạ dày tiêu hóa, thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ do ăn k ngon miệng, lâu dài sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, chậm phát triển.

Như vậy, dù chiếm một lượng nhỏ, nhưng sắt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của cơ thể. Chính vì vậy việc bổ sung sắt cho bé dưới 6 tuổi là vô cùng quan trọng.

Nhu cầu bổ sung sắt cho trẻ là bao nhiêu?

Bổ sung sắt cho bé giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện về thể chất cũng như trí não. Nhưng mỗi độ tuổi trẻ sẽ có nhu cầu sắt khác nhau. Nhu cầu sắt ở trẻ tương ứng với mỗi độ tuổi như sau:

  • Đối với trường hợp trẻ sơ sinh khỏe mạnh bố mẹ không cần bổ sung sắt cho trẻ trong 4-6 tháng đầu vì lượng sắt dự trữ trong cơ thể và nhận từ sữa mẹ đã đủ.
  • Trẻ sinh non: Cần bổ sung từ 2-15mg/ ngày, nên bổ sung sắt từ 2 tuần tuổi đến khi đủ 1 tuổi.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, nên lựa chọn các thực phẩm giàu sắt kẽm cho trẻ hoặc lựa chọn bổ sung sắt dạng lỏng cho trẻ. Hàm lượng sắt khuyến cáo trong giai đoạn này là 11mg/ngày.
  • Trẻ 1 tuổi: Trẻ càng lớn nhu cầu sắt của cơ thể lại càng lớn. Ở độ tuổi này, bố mẹ cần bổ sung hàm lượng sắt cho trẻ là 7mg/ ngày.
  • Bé 4-6 tuổi: Ở giai đoạn này nhu cầu sắt của cơ thể trẻ là 8mg/ngày. Hệ tiêu hóa ở giai đoạn này cũng đã tốt hơn, vì vậy nên tăng cường bổ sung cho trẻ qua những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, lợn, sữa, gan…

Nhu cầu sắt ở mỗi độ tuổi là khác nhau, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý để bổ sung cho bé vừa đủ. Bởi vì, thừa hay thiếu sắt cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nhu cầu sắt ở mỗi lứa tuổi là khác nhau

Nhu cầu sắt ở mỗi lứa tuổi là khác nhau

Khi nào thì nên bổ sung sắt cho bé?

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ kéo theo nhiều triệu chứng khác nhau. Một số dấu hiệu điển hình ở trẻ thiếu sắt có thể kể đến như:

  • Da xanh xao, nhợt nhạt. Đây là một triệu chứng dễ nhận biết ở bệnh nhân thiếu máu. Thiếu sắt nhược sắc do không đủ lượng hb, khiến cho vùng da mặt, môi, bàn tay, bàn chân, móng tay dễ bị xanh xao, nhợt nhạt.
  • Trẻ biếng ăn, ăn không ngon, trẻ sụt cân hoặc tăng cân chậm.
  • Trẻ mệt mỏi, chậm chạp, giảm trí nhớ, ít tập trung, ít đùa nghịch, ít vận động.
  • Trẻ thường kêu mệt, có các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, khó thở nhất là khi vận động. Nguyên nhân là do cơ thể không vận chuyển đủ oxy lên não.
  • Sức đề kháng kém, dễ đau ốm, hay mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm hô hấp, viêm phế quản.
  • Tay chân, bắp thịt mềm nhão, trẻ hay kêu đau nhức xương.
  • Trường hợp nặng có thể xuất hiện “hội chứng Pica”. Trẻ mắc hội chứng này sẽ xuất hiện tình trạng rối loạn hành vi, thích ăn đất sét, sơn, phấn,…

Các trường hợp thiếu sắt ở giai đoạn đầu thường chưa có triệu chứng rõ ràng khiến cho các bậc phụ huynh khó phát hiện. Chính vì thế, khi con xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Thiếu sắt khiến cho trẻ mệt mỏi, xanh xao, lười vận động

Thiếu sắt khiến cho trẻ mệt mỏi, xanh xao, lười vận động

Bổ sung sắt cho bé vào lúc nào và trong bao lâu?

Việc dư thừa hay thiếu hụt sắt đều ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ. Do đó phụ huynh cần nắm bắt thời điểm và thời gian bổ sung sắt vừa đủ.

Trên thực tế, nếu được sinh đủ tháng, trẻ có sẵn lượng sắt dự trữ trong cơ thể và nhận được từ sữa mẹ trong vòng 4-6 tháng đầu.

Sau đó, kho dự trữ cạn kiệt, bên cạnh việc bú sữa mẹ thì trẻ cần bổ sung thêm các loại thực phẩm từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Một chế độ ăn giàu sắt và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ bổ sung sắt vào giai đoạn này sẽ cung cấp đủ sắt cho bé. Như vậy, các chuyên gia khuyến cáo có thể bổ sung sắt cho bé trên 4 tháng tuổi.

Đối với trẻ sinh non, lượng sắt dự trữ không đủ, trẻ có nguy cơ bị thiếu sắt. Trẻ sinh non nên bổ sung sắt từ 2 tuần tuổi, việc bổ sung sắt nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Các chuyên gia khuyến nghị, nên bổ sung sắt vào buổi sáng, vì đây là lúc hàm lượng sắt và canxi trong cơ thể đang ở mức thấp nhất, giúp cho cơ thể dễ hấp thu hơn. Sắt cũng hấp thu tốt hơn lúc đói, vậy nên dùng thuốc trước ăn sáng 30 phút hoặc sau ăn sáng 1 đến 2 tiếng sẽ làm tăng khả năng hấp thụ của sắt. Tránh trường hợp dùng sắt vào buổi tối vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Dựa trên tình trạng, cân nặng, lứa tuổi thì mỗi bé sẽ có khoảng thời gian bổ sung sắt khác nhau:

  • Đối với trẻ đủ tháng: nên bổ sung đến khi trẻ có thể ăn được nhiều hơn 2 khẩu phần mỗi ngày thì mới ngừng lại. Giai đoạn bú sữa nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, sau đó thêm dần bằng các loại sữa bột khác.
  • Trẻ thiếu tháng: nên bổ sung đến khi trẻ 1 tuổi. Đây là thời điểm tốt để trẻ bổ sung sắt.
  • Trẻ ở lứa tuổi khác: thường ít nhất 2-3 tháng. Tuy nhiên để biết chính xác cần bổ sung bao lâu thì nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.

Sắt cho bé có nên bổ sung hàng ngày không? 

Ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển nhu cầu về sắt cũng cao hơn để đáp ứng với sự tăng trưởng của cơ thể. Ngoài ra quá trình tạo hồng cầu tái sử dụng 95% sắt từ hồng cầu già và 5% sắt từ bên ngoài. Vậy nên việc bổ sung chất sắt hàng ngày là vô cùng cần thiết.

Cần bổ sung sắt cho bé qua thuốc bổ sắt hay chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách áp dụng các thực phẩm nhiều sắt như thịt bò, bí ngô, bông cải xanh, gà tây, sò, ốc,…

Bổ sung sắt cho trẻ qua chế độ ăn uống giàu sắt

Bổ sung sắt cho trẻ qua chế độ ăn uống giàu sắt

Dưới đây là một số thực đơn bổ sung sắt cho trẻ do các chuyên gia gợi ý:

  • Thực đơn 1: Cháo thịt bò bí đỏ, Nước ép cam
  • Thực đơn 2: Cá thu rán, bông cải xanh luộc, dưa hấu.
  • Thực đơn 3: Súp ( gồm có gà, ngô, củ cải, đậu hà lan), nho
  • Thực đơn 4: Khoai lang, tôm luộc, súp lơ xanh luộc, dâu tây
  • Thực đơn 5: Cơm, canh cua nấu với rau xanh, cá hồi rán.
  • Thực đơn 6: Cháo yến mạch, ức gà kết hợp tráng miệng với chuối
  • Thực đơn 7: Bánh mì bơ đậu phộng, dưa chuột, pate gan
  • Thực đơn 8: Cơm gạo lứt, thịt nạc lợn hầm, canh tôm nấu với rau cải xoăn.
  • Thực đơn 9: Cơm nấu từ gạo, đậu gà, trứng rán bằng dầu ô liu, canh rau cải.
  • Thực đơn 10: Bánh mì, cá ngừ sốt chanh dây, nước ép lựu.

Nhằm đảm bảo an toàn cho con, các mẹ cũng lưu ý nên lựa chọn những thực phẩm hữu cơ tự nhiên, có nguồn gốc rõ ràng. Mẹ nên chế biến món ăn đa dạng và đẹp mắt để kích thích vị giáo của bé.

Bên cạnh đó, có thể bổ sung sắt cho trẻ  bằng các loại thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đảm bảo bổ sung theo khuyến cáo hàm lượng sắt tối đa cung cấp cho trẻ hàng ngày.

Nguy hại nếu bổ sung thừa sắt cho bé

Thiếu sắt hay thừa sắt đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc sắt do bổ sung quá liều. Triệu chứng ban đầu thường gặp như buồn nôn, nôn, đau dạ dày,… thậm chí gây ra những tổn thương ở đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do bổ sung lượng sắt quá lớn, ruột và dạ dày không hấp thu hết, khiến cho dạ dày và ruột bị tổn thương tại những vị trí tồn đọng sắt.

Lượng sắt thừa được dự trữ trong gan nếu dư quá nhiều có thể gây tổn thương gan do do tăng áp lực tại gan, tăng nguy cơ ung thư gan hoặc suy gan.

Thừa sắt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về đái tháo đường, do sắt dư thừa tích tụ trong tụy làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp insulin, khiến cho đường trong máu tăng lên.

Sắt tích tụ trong các khớp xương cũng gây tổn hại đến các mô, xương bị mất đi lớp bao phủ bên ngoài, quá trình sửa chữa mô của cơ thể bị ngăn cản, có thể dẫn đến nguy cơ viêm khớp ở bệnh nhân.

Một số bệnh về thần kinh như: Parkinson rối loạn tăng động chú ý, Alzheimer, các hành vi bạo lực, chống đối xã hội cũng do dư thừa sắt gây ra. Lượng sắt tích tụ nhiều trong máu gây ra những cảm xúc tiêu cực, giận dữ, sợ hãi,…

Hướng dẫn mẹ cách bổ sung sắt cho bé

Để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé, chuyên gia Nhi khoa MEDIPLUS hướng dẫn bố mẹ các cách bổ sung sắt cho bé an toàn hiệu quả dưới đây:

Cho bé bú sữa mẹ

Sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng trong đó bao gồm cả sắt. Các chuyên gia khuyến nghị nên nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 4 tháng và tốt nhất là trong vòng 6 tháng. Giai đoạn này trẻ chỉ uống nữa nên chỉ nhận được sắt qua sữa mẹ. Dó đó các mẹ bỉm cũng cần chú ý phải bổ sung sắt cho cả mẹ lẫn bé để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.

Sữa mẹ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho bé, bao gồm cả sắt

Sữa mẹ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho bé, bao gồm cả sắt

Bổ sung sắt qua thực phẩm

Thực phẩm là nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể hàng ngày. Chính vì thế, đây có thể là lực chọn bổ sung sắt cho bé hàng đầu mà bố mẹ cần quan tâm. Các loại thực phẩm giàu sắt có thể bổ sung vào chế độ ăn của con bao gồm:

  • Thực phẩm động vật: trong các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn… đều chứa một lượng lớn sắt. Ngoài ra các thực phẩm như hải sản, trứng, gan động vật cũng là nguồn cung cấp sắt rất tốt. Ví dụ như 100g gan bò chứa tới 5mg sắt.
  • Thực phẩm thực vật: các loại rau màu xanh đậm thường có chứa nhiều sắt như rau bó xôi, rau muống, súp lơ,… Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu,trái cây khô… cũng chứa một lượng lớn sắt.

Cơ thể hấp thu sắt từ thực phẩm động vật tốt hơn so với thực vật. Các chuyên gia đã chứng minh với chế độ ăn có khoảng 10-12g chất xơ sẽ làm giảm hấp thu sắt từ 50-70%. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn các thực phẩm bổ sung sắt trong thực đơn của bé.

Bổ sung sắt cùng Vitamin C

Vitamin C làm tăng khả năng hấp thu sắt của cơ thể, do loại vitamin này có tác dụng khử Fe3+ thành Fe2+ dạng sắt cơ thể dễ hấp thu hơn. Một số nghiên cứu đã chứng minh được việc sử dụng sắt có vitamin C sẽ giúp tăng 20% khả năng hấp thu so với khi dùng sắt đơn độc. Có thể sử dụng viên sắt có kết hợp vitamin C, hoặc kết hợp ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin C như cam, quýt,ổi, dâu tây, bưởi, cà chua,…

Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý việc dùng sắt kết hợp vitamin C cho trẻ lúc đói vì dễ gây đau dạ dày, hoặc uống vào buổi tối cũng có nguy cơ bị mất ngủ.

Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu của sắt

Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu của sắt

Lưu ý khi bổ sung sắt cho bé với các thực phẩm kiêng kị

Một số thực phẩm được khuyến cáo không nên bổ sung cùng với sắt để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu. Chính vì thế, bố mẹ không bổ sung sắt cho con cùng với các loại dưới đây:

  • Canxi: Canxi có nhiều trong các hải sản như tôm, cua,.. và các loại sữa. Nếu uống sắt cùng thời điểm với canxi sẽ làm giảm khả năng hấp thu của cả hai.
  • Oxalat: tương tự canxi, oxalat cũng làm giảm khả năng hấp thụ của sắt. Ví dụ như rau chân vịt, dù có rất nhiều sắt, nhưng lại chứa oxalat gây khó khăn cho quá trình hấp thu sắt.
  • Tanin: tanin có nhiều trong trà, cà phê, táo,… hợp chất này cũng gây giảm khả năng hấp thu của sắt.
  • Đồ cay nóng: Các gia vị có tính cay, nóng như gừng, hạt tiêu, ớt,… thường sẽ làm tăng tác dụng phụ của sắt, do các gia vị này làm tăng hấp thu nước và tăng hoạt động của dạ dày, tạo ra cảm giác khó chịu, nóng ran vùng bụng và táo bón.

Để đảm bảo cơ thể có thể hấp thụ tốt sắt, chúng ta nên tránh sử dụng các loại thực phẩm này cùng lúc, nên dùng cách nhau ít nhất 2 giờ và nên  lựa chọn viên bổ sung sắt kết hợp với vitamin C để tăng khả năng hấp thu.

Bổ sung sắt cho bé là việc cần thiết để đảm bảo cơ thể trẻ được phát triển toàn diện. Hy vọng thông qua bài viết này, bố mẹ đã nắm được cách bổ sung sắt cho con hợp lý. Nếu còn điều gì thắc mắc, khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline: 1900 3366 hoặc fanpage để nhận được tư vấn từ chuyên gia MEDIPLUS!

*Bài viết mang tính chia sẻ và tham khảo thêm, không thay thế phác đồ của Bác sĩ chuyên khoa!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám