Sốt xuất huyết ở trẻ em: Sai lầm khiến trẻ nguy kịch

Cập nhật 11/05/2023

1.1K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh lý truyền nhiễm dễ lây lan và bùng phát nhanh chóng. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ thường khó phân biệt được với cảm cúm  nên phụ huynh dễ chủ quan, tự ý điều trị cho con tại nhà. Chăm sóc không đúng cách, không kịp xử trí khi bệnh diễn tiến nặng chính là nguyên nhân khiến bệnh tình của trẻ trở nên nguy kịch.

1. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ hay sốt Dengue là bệnh lý truyền nhiễm với trung gian gây bệnh là muỗi vằn. Sốt xuất huyết thường lây lan rất nhanh, bùng phát thành những đợt dịch lớn trên diện rộng.

Muỗi vằn là tác nhân trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Muỗi vằn là tác nhân trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Có 4 chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4 và sau khi nhiễm bất kỳ chủng virus sốt xuất huyết nào thì cơ thể người bệnh chỉ có khả năng hình thành miễn dịch chống lại chủng virus đó. Chính vì thế, một người có khả năng mắc sốt xuất huyết tối đa đến 4 lần.

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng tránh nên tạo thành một gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế. Do nguyên nhân lây bệnh là từ muỗi vằn chích nên bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện chủ yếu ở những nơi có điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, các ca mắc sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát thành những đợt dịch lớn vào mùa mưa, chủ yếu là các tháng 7, 8, 9, 10 do nước mưa đọng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Xem thêm:

2. Chủ quan khi trẻ có các dấu hiệu sốt xuất huyết

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 4-7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết, 36 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn. Đặc biệt, các bệnh ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng.Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết ban đầu khá giống với cảm cúm bình thường khiến cho các bậc phụ huynh bị nhầm lẫn, chủ quan tự điều trị tại nhà cho trẻ. Tuy nhiên điều này có thể khiến cho bệnh lý ngày càng chuyển biến xấu hơn và gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị.

Theo Bác sĩ CKII Tạ Thị Thu Hòa – Bác sĩ Nhi khoa Tổ hợp Y tế MEDIPLUS, khi trẻ sốt cao, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để xác định chính xác căn nguyên. Bởi với mỗi nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị đặc hiệu riêng. Chính vì thế, tốt hơn hết khi trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột thì bố mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất.

3. Tự điều trị tại nhà biến chứng khó lường

Trẻ xuất hiện ban đỏ trên da khi mắc sốt xuất huyết

Trẻ xuất hiện ban đỏ trên da khi mắc sốt xuất huyết

Virus sau khi xâm nhập cơ thể trẻ nhỏ sẽ ủ bệnh khoảng 3-10 ngày, tùy thuộc vào sức đề kháng của từng trẻ. Trong giai đoạn ủ bệnh cơ thể trẻ gần như không có nếu có cũng sẽ rất khó  nhận biết. Sau giai đoạn ủ bệnh, cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên, mở đầu cho 3 giai đoạn tiến triển bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.

Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt kéo dài khoảng 3-7 ngày. Trẻ tăng thân nhiệt đột ngột kèm theo một số triệu chứng khác như mệt mỏi, đau nhức các khớp, cơ, đau đầu, đau thượng vị, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn,… Một số trẻ khác lại có biểu hiện sổ mũi, đau họng. Những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ trong giai đoạn này thường không đặc hiệu nên rất dễ nhầm lẫn với sốt do mắc các loại virus khác.

Giai đoạn nguy hiểm

Xuất hiện từ khoảng ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ có thể đã đỡ sốt, tuy nhiên không phải là đã khỏi. Một số trường hợp, bệnh nhi sau khi đỡ sốt vẫn còn một số triệu chứng:

  • Mệt mỏi, nôn ói.
  • Đau bụng nhất là ở vị trí gần gan.
  • Thoát huyết tương: Nếu lượng huyết tương thoát ra quá nhiều, tràn vào khoang màng bụng, màng phổi, mô phổi khiến cho các cơ quan này bị phình to, phù nề. Thoát huyết tương nặng có thể khiến cho trẻ bị sốc với các triệu chứng như li bì, bứt rứt, chân tay lạnh, bí tiểu, tụt huyết áp, không xác định được chỉ số huyết áp.
  • Xuất huyết dưới da: Biểu hiện bằng các vết chấm đỏ hoặc bầm tím rời rạc ở đùi, cánh tay, bụng, mạn sườn.
  • Xuất huyết niêm mạc gây chảy máu mũi, đi ngoài ra máu chảy máu chân răng.
  • Thậm chí trẻ còn gặp phải tình trạng xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, phổi. Nếu không được can thiệp, cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến tính mạng.

Chính vì thế cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe để kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng ở trên.

Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn phục hồi thường diễn ra vào khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh. Trẻ đã hết sốt và bắt đầu có cảm giác thèm ăn, đi tiểu  nhiều hơn và  huyết áp dần trở nên ổn định.

Nắm rõ triệu chứng của từng giai đoạn mắc sốt xuất huyết sẽ giúp cha mẹ dễ dàng theo dõi hơn về tình trạng sức khỏe của trẻ. Từ đó có hướng chăm sóc đúng cách và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm.

4. Lưu ý chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thăm khám và tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ: Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám, điều trị giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
  • Khi trẻ bị sốt, ăn uống kém, cha mẹ đặc biệt lưu ý chia nhỏ bữa, thực phẩm dễ tiêu, phù hợp với độ tuổi của trẻ để trẻ dễ hấp thu, cơ thể có đủ chất để tạo nền tảng sức khỏe tốt chống lại tác nhân gây bệnh bên ngoài.
  • Từ ngày 3 trở đi, trẻ có thể giảm sốt nhưng sốt xuất huyết dễ chuyển nặng ở giai đoạn này. Do đó cha mẹ cần lưu ý đo thân nhiệt thường xuyên đồng thời theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như nôn, đau bụng,… để kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
  • Luôn chú ý những biểu hiện trẻ chuyển nặng: sốt li bì, lừ đừ, ói, chảy máu cam, phân lẫn máu,… để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
  • Tuyệt đối không cho bé truyền nước, uống thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định bác sĩ chuyên khoa: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị nên mục tiêu điều trị chủ yếu là hạ sốt và phòng mất nước cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi chưa có chỉ định cụ thể từ bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, cách dùng, thời gian dùng vì rất nguy hiểm. Đồng thời cũng không tự ý truyền dịch bù nước cho bé vì gây khó khăn cho bác sĩ trong việc tính toán lượng dịch cần truyền cho trẻ ở những ngày tiếp theo sau khi vào viện.

5. Phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Hiện nay chưa có vắc xin cũng như phương pháp điều trị đặc hiệu nào khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêu diệt, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh là các loại loăng quăng, bọ gậy, muỗi bằng cách:

  • Đậy kín các chum, vại, thùng chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng.
  • Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chứa nước thường xuyên, tránh để nước đọng bên trong lâu ngày khiến muỗi tích tụ đẻ trứng.
  • Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, úp các vật dụng, dụng cụ chứa nước, bát đũa, nồi niêu khi chưa cần dùng đến.
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước có dung tích lớn như ao, bể, giếng,… để cá ăn hết loăng quăng bọ gây, tránh để trứng phát triển thành muỗi truyền bệnh cho con người. Các loại cá thả vào nước nên ưu tiên cá rô phi, cá bảy màu, cá chép,…
  • Thay nước trong lọ hoa thường xuyên.
  • Thu gom các loại phế liệu trong nhà có khả năng đọng nước chai, lọ, lốp xe, ống bơ,… đem vứt đúng nơi quy định, hạn chế tối đa môi trường sống của muỗi.
  • Thức ăn còn thừa sau khi ăn nên đậy nắp cẩn thận để tránh ruồi muỗi.
Tiêu diệt muỗi xung quanh môi trường sống để phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ

Tiêu diệt muỗi xung quanh môi trường sống để phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ

Phòng ngừa muỗi đốt cho trẻ bằng cách:

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ màn, thoa kem xua muỗi để hạn chế bị muỗi đốt.
  • Dùng nhang muỗi, vợt muỗi, xịt muỗi,… để diệt muỗi.

Trên đây là một số thông tin về bệnh lý sốt xuất hiện ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý. Đây là bệnh lý truyền nhiễm khá nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Chính vì thế, khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu của MEDIPLUS!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám