Trẻ bị viêm mũi kéo dài – Cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan

Cập nhật 11/05/2023

4.2K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Nhi

Viêm mũi là bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Trẻ bị viêm mũi kéo dài nếu không điều trị dứt điểm có nguy cơ cao chuyển thành hen suyễn, làm tổn thương thị giác. Vậy điều trị viêm mũi cho trẻ như thế nào? Nếu bố mẹ vẫn còn băn khoăn, lo lắng về vấn đề này, hãy theo dõi bài viết dưới đây!

Bệnh viêm mũi ở trẻ em

Bệnh viêm mũi ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm mũi ở trẻ nhỏ có nhiều loại và tác nhân gây ra

Viêm mũi là tình trạng sưng tấy lớp niêm mạc trong khoang mũi. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh viêm mũi đặc biệt là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu. Viêm mũi thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi trong đó trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Thông tin từ Bác sĩ Phạm Thị Vân Anh – Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, viêm mũi ở trẻ nhỏ thường có 2 dạng dễ gặp nhất:

Viêm mũi dị ứng: là tình trạng phản ứng lại của hệ miễn dịch đối với tác nhân trong môi trường. Các tác nhân này có thể là động vật, phấn hoa, cỏ, cây, bụi,… hoặc dị ứng thời tiết.

Viêm mũi không do dị ứng là bệnh không do dị ứng gây ra, dạng này lại được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn:

  • Viêm mũi virus cấp tính là tình trạng viêm mũi do virus xâm nhập vào khoang mũi.
  • Viêm mũi mãn tính là kết quả của bệnh viêm mũi virus cấp tính kéo dài.
  • Viêm mũi vận mạch xảy ra khi hệ thần kinh đối giao cảm niêm mạc mũi phản ứng quá mức đối với các tác nhân bên ngoài như bụi, phấn hoa, động vật,…
  • Viêm mũi teo là bệnh lý mãn tính, là tình trạng teo bề mặt niêm mạc mũi với hốc mũi khô, nở rộng.
  • Viêm mũi do thuốc xảy ra khi dùng liên tục, quá mức thuốc thông mũi không kê đơn.

Trẻ bị viêm mũi kéo dài nguyên do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm mũi, cụ thể như:

  • Do các tác nhân dị ứng: bụi, phấn hoa, lông động vật, gián,… gây viêm nhiễm, tổn thương niêm mạc mũi do kích ứng.
  • Do các yếu tố từ môi trường: Trẻ tiếp xúc thường xuyên với khói đốt, khói thuốc lá, khói bụi từ các khu công nghiệp,…
  • Thay đổi thời tiết: thời tiết chuyển mùa đột ngột từ nóng sang lạnh làm cơ thể trẻ không thích ứng kịp thời gây nên bệnh viêm mũi.
  • Do di truyền: Trong gia đình bố mẹ mắc viêm mũi dị ứng thì con cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những trẻ bình thường.
  • Do các bệnh về đường hô hấp: Trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp trước đó như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản,… làm niêm mạc mũi bị kích ứng gây viêm mũi.

Bên cạnh đó, trẻ bị viêm mũi có thể do thường xuyên ăn đồ cay nóng hoặc do thay đổi nội tiết tố ở các bé gái.

Các triệu chứng và biểu hiện khi trẻ bị viêm mũi

Trẻ bị viêm mũi thường xuất hiện các triệu chứng, bao gồm:

  • Ngứa mũi: Đây là triệu chứng điển hình đầu tiên xảy ra ở trẻ thường là do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
  • Chảy nước mũi, ngạt mũi: Trẻ có thể ngạt mũi hoặc chảy nước mũi trong, nước mũi dịch nhầy, thở khò khè. Một số trường hợp có thể khó thở thậm chí xuất hiện tình trạng ngưng thở.
Các triệu chứng khi trẻ bị viêm mũi

Các triệu chứng khi trẻ bị viêm mũi ba mẹ cần biết

  • Hắt hơi: Kích ứng niêm mạc mũi gây nên triệu chứng hắt hơi liên tục ở trẻ, thường xảy ra vào sáng sớm.
  • Sốt cao: Nhiều trường hợp trẻ bị sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể thường vào khoảng trên 37,5 độ C. Nếu bị bội nhiễm, trẻ có thể bị sốt cao tới 39 đến 40 độ trong vòng từ 2 đến 3 ngày.
  • Ngoài ra trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như đau họng, chảy nước mắt, đau đầu, ù tai, chán ăn, mệt mỏi có thể nôn ói kèm theo tiêu chảy. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị chảy máu cam, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Trẻ nhỏ bị viêm mũi có nguy hiểm không?

Nếu tình trạng viêm mũi kéo dài không điều trị kịp thời có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:

  • Viêm mũi mạn tính: Viêm mũi cấp tính lâu ngày có thể chuyển thành viêm mũi mạn tính rất khó điều trị. Bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
  • Bệnh viêm xoang: Dịch nhầy ở hốc mũi chảy xuống họng sẽ tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào họng và các xoang mũi. Viêm mũi cũng gây ra tăng tiết dịch nhầy ở xoang mũi và là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xoang khiến trẻ khó chịu, đau đầu, mệt mỏi.
  • Các bệnh về họng: Vi khuẩn gây viêm mũi có thể thâm nhập vào họng gây ra các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm hầu họng,…khiến bé chán ăn.
  • Các bệnh về tai: Tình trạng viêm mũi lâu ngày không điều trị sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào tai gây viêm tai giữa, làm giảm thính lực của trẻ.
  • Nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn: Trường hợp viêm mũi nặng lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ. Hen suyễn là bệnh mạn tính, rất khó để chữa trị dứt điểm. Nếu không xử lý kịp thời cơn hen suyễn cấp tính có thể gây đe dọa đến tính mạng.
  • Tổn thương thị giác: Viêm mũi nặng có thể ảnh hưởng tới mắt gây ra các triệu chứng như chảy nước mắt, đỏ mắt,… nghiêm trọng hơn có thể tổn thương kết mạc.

Trẻ bị viêm mũi cha mẹ xử trí như thế nào?

Điều trị viêm mũi bằng cách sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, độ tuổi của trẻ mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:

  • Thuốc kháng histamin: Histamin là chất do cơ thể sản xuất ra khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Thuốc kháng histamin có tác dụng giảm, ức chế histamin từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi,…
  • Thuốc chống viêm: Nhóm thuốc này thường ở dạng xịt, thuốc corticosteroid là loại thuốc được dùng phổ biến. So với thuốc viên thì thuốc dạng xịt ít gây tác dụng phụ và giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng nhanh chóng. Tuy nhiên loại thuốc này được chỉ định dùng trong vài ngày.
  • Thuốc nhỏ mũi, xịt mũi: có thể giảm nhẹ tình trạng mô trong mũi sưng phù nề, ngạt mũi cho trẻ. Do thuốc không có chứa các hoạt chất kháng histamin nên ít tác dụng phụ hơn với thuốc kháng histamin. Bạn chỉ nên cho trẻ dùng thuốc trong 2 đến 3 ngày.
  • Thuốc hạ sốt: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C. Đồng thời, cho trẻ mặc quần áo mỏng và nằm ngủ nơi thông thoáng tránh xa quạt, gió mạnh.

*Lưu ý: Bố mẹ chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ theo đúng liều lượng như trong đơn thuốc đã kê.

Chăm sóc trẻ bị viêm mũi tại nhà

Bố mẹ cần kết hợp việc sử dụng thuốc với các biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Một số biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà bố mẹ có thể áp dụng như:

  • Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý: Bố mẹ cần rửa mũi cho trẻ từ 3 đến 4 lần một ngày bằng nước muối sinh lý đến khi không còn triệu chứng chảy nước mũi. Để tránh bị đau rát mũi, bố mẹ nên dùng khăn mềm lau dịch mũi cho trẻ. Trường hợp trẻ có dịch mũi quá đặc, bố mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi giúp đường hô hấp của trẻ thông thoáng.
Rửa mũi thường xuyên cho trẻ giúp giảm tình trạng viêm mũi

Rửa mũi thường xuyên cho trẻ giúp giảm tình trạng viêm mũi

  • Chế độ dinh dưỡng của trẻ: Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa viêm mũi tái phát. Bên cạnh chế độ ăn đầy đủ chất đạm như thịt, cá, trứng bố mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin đặc biệt là vitamin C. Bố mẹ cũng cần cho trẻ dùng các thực phẩm như thịt, cá,… chứa nhiều kẽm, omega.
  • Cho trẻ uống đủ nước: Uống nhiều nước sẽ khiến chất nhầy trong mũi lỏng đi, giúp giảm nhẹ các triệu chứng viêm mũi. Bố mẹ có thể cho trẻ uống nước ấm và nước trái cây. Đối với trẻ đang bú,  mẹ cần cho bé bú sữa thường xuyên để bổ sung nước và nên chia thành nhiều lần đề phòng tình trạng nôn trớ.
  • Cách ly trẻ tránh xa khỏi tác nhân gây dị ứng: Nếu trẻ bị viêm mũi do các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật,… bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân này.

Phòng ngừa viêm mũi ở trẻ cha mẹ cần

Các bậc cha mẹ có thể phòng ngừa nguy cơ mắc viêm mũi ở trẻ bằng cách thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Vệ sinh tai mũi họng hằng ngày bằng nước ấm để rửa sạch gỉ mũi, chất nhầy giúp phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp.
  • Xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng, lành mạnh đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh.
  • Luôn giữ ấm cơ thể của trẻ nhất là trong thời điểm giao mùa, không để trẻ nhiễm lạnh.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng hoặc các thức ăn gây dị ứng.
  • Không bật điều hòa, máy tạo độ ẩm thời gian dài trong phòng của trẻ.

Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bố mẹ sẽ không còn phải lo lắng mỗi khi con trẻ bị viêm mũi kéo dài. Nếu còn điều gì thắc mắc, bố mẹ có thể liên hệ tới hotline: 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới fanpage Tổ hợp Y tế MEDIPLUS để được tư vấn nhanh nhất từ các bác sĩ chuyên khoa.

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám