Nội soi đại tràng cần lưu ý gì để quá trình diễn ra thuận lợi?

Cập nhật 24/06/2023

1.4K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:Nguyễn Thị Lan Anh

Chuyên mục:Nội soi tiêu hóa

Nội soi đại tràng là kỹ thuật cho phép bác sĩ quan sát được phía bên trong đại tràng, trực tràng và phần cuối của ruột non nhờ sử dụng ống nội soi. Đây là thủ thuật có hiệu quả cao trong việc phát hiện, chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh lý ở đại, trực tràng. Có vài điều cần phải lưu ý để quá trình nội soi diễn ra được thuận lợi. Hãy cùng Tổ hợp y tế MEDIPLUS tìm hiểu rõ hơn nội soi đại tràng cần lưu ý gì trong bài viết dưới đây.

Xem thêm:

Nội soi đại tràng cần lưu ý gì?

Nội soi đại tràng cần lưu ý gì?

1. Lưu ý trước khi nội soi đại tràng

1.1. Lựa chọn địa chỉ uy tín

Mặc dù nội soi đại tràng được xem là kỹ thuật tương đối an toàn, tuy nhiên, không loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra các rủi ro, biến chứng nhất định. Vì vậy, bạn cần phải cân nhắc và lựa chọn địa chỉ uy tín khi có kế hoạch thực hiện nội soi đại tràng.

Để lựa chọn cơ sở y tế thực hiện nội soi, hãy lưu ý tới những tiêu chí sau đây:

  • Cơ sở đã được Bộ y tế cấp phép hoạt động.
  • Bác sĩ thực hiện nội soi được đào tạo chuyên môn, có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
  • Cơ sở có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho nội soi đại tràng.
  • Thủ tục nhanh gọn, không phải chờ đợi. 
  • Giá thành phù hợp.  

1.2. Thăm khám sức khỏe và đặt lịch nội soi

Tình trạng sức khỏe trước khi nội soi đại tràng là một yếu tố quan trọng. Không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể thực hiện nội soi đại tràng. Đa phần các trường hợp đều do bác sĩ chỉ định, một số ít khác là chủ động để tầm soát ung thư. Bạn nên tới các cơ sở y tế thăm khám để cân nhắc tình trạng sức khỏe của mình trước khi nội soi. Bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cho bạn thời gian thực hiện nội soi phù hợp nhất.

Bạn nên thăm khám sức khỏe trước khi thực hiện nội soi đại tràng

Bạn nên thăm khám sức khỏe trước khi thực hiện nội soi đại tràng

Người bệnh nên nói rõ với bác sĩ về bệnh sử của mình, có bị các bệnh mãn tính như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường,… hay không, hoặc đang sử dụng thuốc gì, liều lượng thế nào, kể cả thực phẩm chức năng đang dùng, chế độ ăn uống hàng ngày ra sao, khẩu phần ăn và thực phẩm chủ yếu để được hướng dẫn cụ thể. 

Trước khi thực hiện nội soi đại tràng, bạn phải làm một số xét nghiệm máu cần thiết, nhận thuốc để làm sạch đại tràng tại nhà hoặc tại cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, bạn nên sắp xếp thời gian, đặt lịch nội soi trước với bác sĩ nếu có ý định thực hiện thủ thuật này. 

1.3. Lưu ý về chế độ ăn uống

Làm sạch đại tràng là điều rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả của quá trình nội soi. Muốn vậy, đầu tiên bạn cần phải thay đổi 1 chút về chế độ ăn.

3 – 4 ngày trước nội soi bạn nên ăn các thức ăn nhẹ, thực phẩm ít xơ, dễ tiêu hóa, chẳng hạn như bánh mì, rau củ, trái cây không hạt, cơm, thịt nạc, thịt gà, cá, trứng…; tránh sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ thô, các loại quả có hạt, hạch cứng, thức ăn giàu chất béo, ngũ cốc như măng, dưa muối, kim chi, dưa hấu, thanh long, ổi, lạc, đậu,…

Ngừng sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn, các chất kích thích. Với người bệnh hút thuốc lá, phải ngưng sử dụng ít nhất 5 ngày trước khi nội soi.

Bạn nên dừng hút thuốc lá ít nhất 5 ngày trước khi nội soi

Bạn nên dừng hút thuốc lá ít nhất 5 ngày trước khi nội soi

Trước nội soi 1 – 2 ngày, nên ăn các thức ăn lỏng, mềm như cháo và soup; không ăn các thực phẩm rắn như thịt và rau. Hãy uống nhiều nước trong thời điểm này. Chỉ nên uống nước trắng và hạn chế sử dụng các loại nước có màu khác như nước ngọt có ga, trà, cafe….

Chế độ ăn như vậy giúp cho việc tiêu hóa cũng như làm sạch đại tràng được tốt hơn, bác sĩ có thể quan sát rõ bên trong đại, trực tràng, không bỏ sót tổn thương, đặc biệt là những tổn thương nhỏ.

 1.4. Lưu ý trước giờ tiến hành nội soi 

Thời gian 2 – 3 tiếng trước khi nội soi rất quan trọng. Người bệnh không được ăn hay uống bất cứ thứ gì, kể cả nước lọc để tránh tình trạng người bệnh bị sặc nước vào phổi gây nguy hiểm trong quá trình nội soi. 

1.5 Làm sạch ruột trước khi tiến hành nội soi

Làm sạch ruột là yếu tố quyết định tới hiệu quả của việc nội soi. Khi đại tràng của người bệnh sạch hoàn toàn, việc quan sát sẽ trở nên rất dễ dàng và chẩn đoán cũng chính xác. Thông thường đêm trước khi nội soi, bạn cần dùng thuốc nhuận tràng để làm sạch đường tiêu hóa. Kể từ khi uống thuốc cho đến khi tiến hành nội soi, bạn sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn nhưng có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng.

Bạn cần uống thuốc xổ để làm sạch đại tràng trước khi nội soi

Bạn cần uống thuốc xổ để làm sạch đại tràng trước khi nội soi

Các loại thuốc thường được sử dụng như:

Fortrans: Pha 3 gói Fortrans với 3 lít nước, uống trong vòng 3 giờ. Sau khi uống nếu cảm thấy khát có thể uống thêm nước lọc. Thuốc phải được uống hết trước khi nội soi 3 – 5 giờ.

Picoprep: Thuốc cần sử dụng 2 liều. Trước ngày nội soi hòa gói thuốc thứ nhất vào khoảng 150mL nước, khuấy đều trong 2 đến 3 phút để tạo dung dịch màu trắng hơi đục, mùi thơm nhẹ. sau đó uống thêm 2 lít nước. Gói thứ hai pha và uống tương tự gói thứ nhất vào ngày nội soi. Bạn cần uống hết thuốc trước khi nội soi 3 – 5 giờ.

Fleet phospho – soda (Sodium phosphate): Cần dùng 2 liều, mỗi liều hòa với 300mL và sử dụng cách nhau khoảng 10 – 12 giờ. Sau khi uống, 3 giờ tiếp theo cần uống thêm 3 lít nước lọc nữa.

Kể từ khi uống thuốc cho đến khi tiến hành nội soi, bệnh nhân phải nhịn ăn hoàn toàn. Nếu thấy đói, bạn có thể uống chút nước đường. Sau uống thuốc, bạn sẽ đi đại tiện liên tục, đây điều này là bình thường và không cần lo lắng.

Trường hợp đại tràng của người bệnh vẫn chưa được làm sạch thì cần phải tháo thụt trong 30-60 phút trước khi bắt đầu nội soi.

1.6. Chuẩn bị tâm lý

Nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng và e dè trước khi nội soi. Nên bạn cần chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái và thư giãn trước khi thực hiện thủ thuật này. Quá căng thẳng có thể khiến cho đại tràng bị co thắt dẫn tới quá trình nội soi khó khăn và kéo dài hơn, cũng có thể cảm thấy đau hơn. Hãy chuẩn bị tâm lý tốt và hợp tác với bác sĩ trong quá trình nội soi.

Có 2 hình thức nội soi đại tràng là nội soi không đau (tiền mê) và không tiền mê

Có 2 hình thức nội soi đại tràng là nội soi không đau (tiền mê) và không tiền mê

Có 2 hình thức nội soi đại tràng phổ biến là nội soi tiền mê và nội soi không tiền mê. Nếu lựa chọn thực hiện nội soi đại tràng tiền mê thì cần có người thân đi cùng để đảm bảo an toàn lúc về. Ngoài ra, người thân đi cùng có thể cùng nghe bác sĩ tư vấn, đưa ra lời khuyên, giúp tâm lý của bạn thoải mái hơn đồng thời bác sĩ có thể hỏi ý kiến thực hiện thủ thuật trong trường hợp nội soi tiền mê. 

2. Lưu ý trong quá trình nội soi đại tràng

  • Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ bơm hơi vào đại tràng để giúp dễ quan sát. Bạn có thể sẽ gặp cảm giác khó chịu, chướng hoặc đau bụng. Hãy thư giãn và thả lỏng, điều đó sẽ giúp bạn thoải mái hơn. 
  • Nếu cảm thấy quá đau, bạn cần giữ bình tĩnh, cố gắng nằm im và thông báo ngay với bác sĩ về điều này.
  • Trong quá trình nội soi, bạn có thể có cảm giác buồn đi đại tiện và co thắt đại tràng, hãy hít thật sâu và thở ra từ từ qua miệng giúp thư giãn cơ bụng và giảm co thắt. 

3. Lưu ý sau khi nội soi đại tràng

Sau khi thực hiện nội soi bạn nên ở lại bệnh viện 1 – 2 giờ để theo dõi sức khỏe xem có xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau nhiều, sốt hay chóng mặt, … hay không. Bệnh nhân có thể về nhà sau khi đã tỉnh táo.

Sau nội soi đại tràng, bạn có thể thấy đầy hơi, khó chịu

Sau nội soi đại tràng, bạn có thể thấy đầy hơi, khó chịu

Trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ cần bơm hơi vào trong đại tràng để dễ quan sát. Do đó, sau nội soi, bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đầy hơi, cần đánh hơi ra để giảm cảm giác khó chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, thường xuyên mót rặn nhưng không đi cầu được. Đừng quá lo lắng, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn những cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất và bạn sẽ bình phục trở lại vào ngày hôm sau.

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng vì có thể bạn đang gặp phải những biến chứng sau khi nội soi đại tràng:

  • Cảm giác đau bụng dữ dội, cứng bụng.
  •  Sốt cao, nôn mửa.
  • Tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở.
  • Chảy máu nhiều hoặc không ngừng.

Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào có thể ăn uống và hoạt động bình thường trở lại. Bạn nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất khi làm sạch đại tràng trước nội soi. Trong chế độ ăn uống hãy lưu ý:

  •  Nên ăn các thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu như: cháo loãng, soup, canh,… Bổ sung thêm nhiều trái cây không hạt, rau quả, nước ép hoa quả…
  • Không nên ăn các loại thức ăn cứng, khó tiêu, nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm lạnh, tanh, sống hay cay nóng. Hạn chế sử dụng rượu bia, nước ngọt có ga, cà phê, trà đặc cũng như các chất kích thích khác.
  • Một chế độ ăn tốt giúp người bệnh phục hồi và ổn định lại đại tràng nhanh hơn, làm giảm các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi, đầy hơi sau nội soi.
Sau nội soi, bạn nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu sẽ tốt cho đại tràng

Sau nội soi, bạn nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu sẽ tốt cho đại tràng

Trên đây là toàn bộ những điều mà nội soi đại tràng cần lưu ý. Bạn hãy chuẩn bị kỹ để có thể thực hiện thủ thuật này thuận lợi, an toàn và chính xác nhé. Nếu còn thắc mắc và tư vấn thêm, vui lòng gọi đến số hotline 1900 3366.

Các bài viết của Mediplus chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

2/5 - (1 vote)

    ĐĂNG KÝ NỘI SOI

    Đặt lịch nội soi tiêu hóa với Tiến sĩ Bác sĩ BV Bạch Mai tại MEDIPLUS



    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám