Chuyển dạ kéo dài: Nguyên nhân vì sao mẹ bầu hay gặp?

Cập nhật 25/05/2023

1.5K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sản khoa

Khoảnh khắc chào đời của con luôn là những giây phút tuyệt vời và thiêng liêng nhất đối với ba mẹ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó người mẹ đã không ngừng nỗ lực trải qua 9 tháng 10 ngày “mang nặng đẻ đau”. Đặc biệt, nhiều thai phụ còn phải đối mặt với tình trạng chuyển dạ kéo dài khiến cho quá trình sinh con trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Vậy tình trạng này tại sao lại gặp phải, mẹ bầu cấn xử trí như thế nào? Cùng theo dõi chi tiết bài chia sẻ dưới đây.

Chuyển dạ kéo dài là như thế nào?

Chuyển dạ là một hiện tượng sinh lý bình thường giúp đẩy thai nhi và các phần phụ ra khỏi tử cung người mẹ. Thai phụ sẽ xuất hiện hàng loạt các cơn co cơ tử cung (dạ con) đều đặn theo chu kỳ, ngày càng mạnh dần. Một quá trình chuyển dạ bao gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn xóa mở cổ tử cung: Đây là giai đoạn tính từ lúc xuất hiện cơn gò tử cung đầu tiên (cơn co thắt – giãn nở của các cơ tử cung) cho đến khi cổ tử cung được mở hoàn toàn.
  • Giai đoạn sổ thai: Khi cổ tử cung mở hoàn toàn, thai nhi sẽ được sổ ra bên ngoài thông qua động tác rặn của thai phụ kết hợp với sự tăng áp suất trong buồng tử cung sau từng cơn gò.
  • Giai đoạn sổ nhau: Sau khi thai nhi được sổ ra ngoài, phần nhau thai cũng được tống ra nhờ các cơn gò tử cung. Khi đó, tử cung sẽ co nhỏ làm nhau chùn lại và bong tróc ra, thuận tiện cho việc tống suất nhau xuống âm đạo và sổ ra ngoài.

Sau giai đoạn sổ nhau, tử cung sẽ co thắt, các mạch máu tại vị trí nhau bám sẽ được siết chặt theo cơ chế đông máu bình thường của cơ thể giúp ngưng chảy máu.

Thông thường, quá trình chuyển dạ diễn ra trong vòng 12-18 tiếng đối với thai phụ sinh con so và trung bình từ 8-12 tiếng ở thai phụ sinh con rạ.

Quá trình chuyển dạ trung bình kéo dài 8 - 18 tiếng phụ thuộc vào lần mang thai của sản phụ

Quá trình chuyển dạ trung bình kéo dài 8 – 18 tiếng phụ thuộc vào lần mang thai của sản phụ

Chuyển dạ kéo dài xảy ra khi thời gian chuyển dạ kéo dài từ 20 giờ trở lên (đối với trường hợp sinh con lần đầu) và từ 14 giờ (đối với trường hợp sinh con lần 2). Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những bất thường ở cơ co tử cung, thai nhi hoặc khung chậu.

Vì sao mẹ bầu lại bị chuyển dạ kéo dài?

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng chuyển dạ kéo dài ở thai phụ. Trong đó, một số yếu tố chính là:

Tính chất cơn co

Các cơn co tử cung đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dạ. Do đó, sự bất thường về tính chất cơn co cũng có thể là nguyên nhân làm kéo dài cuộc chuyển dạ.

Cơn co tử cung quá yếu (không đủ trương lực cơ) hoặc thưa (không thường xuyên) là các yếu tố chính khiến quá trình chuyển dạ kéo dài.

Bản thân thai phụ

Các yếu tố liên quan đến sản phụ cũng có thể là nguyên nhân của việc kéo dài quá trình chuyển dạ, trong đó phải kể đến các nguyên nhân sau:

  • Tâm lý thai phụ bất ổn, lo lắng, stress về việc sinh nở nên làm rối loạn quá trình co cơ tử cung.
  • Bản thân sản phụ có những bất thường về khung chậu như khung chậu giới hạn, khung chậu lệch, khung chậu hẹp, khung chậu không đủ lớn để em bé có thể chui ra,…
  • Cổ tử cung không tiến triển hoặc âm đạo giãn nở chưa đủ rộng để em bé chào đời.
  • Các bất thường bẩm sinh về tử cung như tử cung đôi, tử cung kém phát triển cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình chuyển dạ.
  • Có khối u ở đường sinh dục hoặc vùng chậu (u xơ tử cung, u buồng trứng,…) gây cản trở đường ra của em bé.
  • Bàng quang đầy cũng có thể gây nên tình trạng chuyển dạ kéo dài do làm chèn ép đường sinh dục.
  • Thai phụ mắc phải một số bệnh lý toàn thân: lao, tiền sản giật, bệnh tim,…
  • Sản phụ rặn yếu, kém chịu đựng, có sẹo mổ ở tử cung (sẹo bóc u xơ, sợ mổ đẻ cũ).
  • Trong quá trình chuyển dạ, việc nằm ngửa sẽ làm cho các cơn co thắt tử cung hoạt động không đủ mạnh và tạo đủ lực để đưa thai nhi ra ngoài. Do đó, trước khi sinh, các bác sĩ luôn khuyên thai phụ nên ngồi xổm hoặc tăng cường đi lại để hỗ trợ co cơ tử cung.

Thai nhi

Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến sản phụ, quá trình chuyển dạ cũng phụ thuộc phần lớn vào tình trạng của thai nhi:

  • Kích thước thai lớn hơn mức trung bình (trên 3.500 gram) được xem là thai to. So với khung chậu bình thường của thai phụ Việt Nam, thai to có thể gây cản trở quá trình chuyển dạ.
  • Chu vi vòng đầu của thai nhi lớn hơn kích thước vùng chậu cũng là tác nhân kéo dài tình trạng chuyển dạ.
  • Ngôi thai thay đổi bất thường. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, tư thế của em bé sẽ hướng lên trên. Vào những tuần cuối thai kỳ, em bé sẽ chuyển đầu hướng ngược lại 180 độ về phía cổ tử cung để chào đời. Do đó, một số em bé không thay đổi tư thế hoặc đã thay đổi nhưng đột ngột đổi ngôi ở thời kỳ chuyển dạ sẽ gây khó khăn cho thai phụ khi sinh.
  • Một số dị dạng ở bẩm sinh làm thai to hơn như bụng cóc, não úng thủy,… cũng có thể được xem là nguyên nhân của chuyển dạ kéo dài.
Thai nhi kích thước lớn cũng làm chậm quá trình chuyển dạ

Thai nhi kích thước lớn cũng làm chậm quá trình chuyển dạ

Những dấu hiệu và nguy cơ tăng chuyển dạ kéo dài

Nhận biết sớm các biểu hiện và nguy cơ gây chuyển dạ kéo dài sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp trị liệu hoặc tầm soát kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng của một cơn chuyển dạ kéo dài thường khá rõ ràng với các biểu hiện chính sau:

  • Thời gian chuyển dạ của thai phụ trung bình kéo dài trên 18 tiếng: đây là dấu hiệu dễ nhận biết và đặc trưng nhất của tình trạng này.
  • Thai phụ cạn kiệt sức lực, mất lượng lớn nước, khô miệng do thở bằng đường miệng kéo dài, nhịp tim nhanh.
  • Xuất hiện cơn đau ở vùng lưng và hai bên người, dần lan xuống vùng đùi do lưng phải chịu áp lực thời gian dài.
  • Các cơn đau chuyển dạ có xu hướng giảm dần do sự mỏi cơ.
  • Tử cung mềm khi chạm và không giãn nở hoàn toàn khi có cơn co thắt.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng chuyển dạ kéo dài

Việc tầm soát sớm hoặc lưu ý các yếu tố nguy cơ gây kéo dài tình trạng chuyển dạ là cần thiết để có những biện pháp đề phòng giúp giảm bớt sự khó khăn trong việc sinh nở của thai phụ.

  • Thai phụ béo phì: Thừa cân đi kèm với tình trạng tăng huyết áp và đái tháo đường có thể gây ảnh hưởng đến kích thước của thai nhi. Ngoài ra, các vấn đề trên ảnh hưởng lớn đến thể trạng của người mẹ, yếu tố quan trọng quyết định quá trình chuyển dạ do sức khỏe thai phụ không ổn định thì việc rặn sẽ gặp khó khăn.
  • Bên canh đó thai phụ béo phì cũng tích tụ mỡ ở khu vực âm đạo nhiều hơn làm giảm khả năng giãn nở khiến quá trình chuyển dạ diễn ra chậm hơn.
  • Thai phụ quá gầy: Cơ thể gầy gò, thiếu chất khiến cho người mẹ không đủ sức khỏe để rặn, các cơn co cơ tử cung diễn ra yếu ớt, gây chuyển dạ kéo dài.
  • Vấn đề tuổi tác: Độ tuổi lý tưởng cho việc sinh nở ở phụ nữ là từ 20-30 tuổi bởi lúc này cơ thể phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho việc mang thai. Trường hợp sinh con khi đã vượt ngưỡng 40, nếu thể trạng sản phụ không đủ khỏe sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ kéo dài.
  • Khối lượng cơ bắp bị giảm: Chủ yếu là do thiếu vận động ở phụ nữ có thai. Việc mang thai, chuyển dạ đòi hỏi các khối cơ bắp phải hoạt động cật lực để đưa em bé ra ngoài. Do đó, nếu khối lượng cơ không đủ, sản phụ có thể phải trải qua tình trạng chuyển dạ kéo dài.

Biến chứng có thể gặp do chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ kéo dài không những làm tăng nguy cơ phải mổ lấy thai mà còn tiềm ẩn những biến chứng, di chứng nặng nề về sau, cụ thể:

Biến chứng trên thai phụ

  • Đau tầng sinh môn: Sản phụ cũng có thể gặp các cơn đau bất thường phát sinh ở vùng đáy xương chậu. Nguyên nhân có thể là do thai phụ phải rặn nhiều trong thời gian dài dù không có bất kì chấn thương hay vết cắt nào.
  • Băng huyết sau sinh: Hiện tượng này xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi sổ nhau, không thể hình thành cục máu đông tại vị trí nhau bám dẫn đến việc băng huyết do mất quá nhiều máu.
  • Vỡ tử cung: Các nguyên nhân gây ra chuyển dạ kéo dài, nếu không được xử lý kịp thời, có thể gây ra hiện tượng vỡ tử cung. Đây là tình trạng tử cung bị xé rách từ niêm mạc đến lớp cơ, thậm chí là cả lớp phúc mạc.
  • Nhiễm trùng ối: Tình trạng này có thể xảy ra khi vi khuẩn từ âm đạo xâm nhập vào tử cung. Khi đó, nước ối, nhau thai và em bé có thể bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng ối sau đó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng trong niêm mạc tử cung,…

Biến chứng trên thai nhi

  • Thiếu oxy đến thai nhi là biến chứng hàng đầu của quá trình chuyển dạ kéo dài. Hậu quả của tình trạng này là những tổn thương não dẫn đến bại não ở trẻ. Thời gian chuyển dạ càng lâu thì tổn thương não càng nặng.
  • Các biến chứng trên người mẹ có thể dẫn đến suy thai trong quá trình chuyển dạ, gây nhiễm trùng sơ sinh do em bé đã uống phải nước ối bẩn, phân su.
  • Tỷ lệ tử vong chu sinh tỷ lệ thuận với thời gian chuyển dạ. Nguyên nhân là do trẻ bị viêm phổi (sau khi nhiễm khuẩn từ tử cung), do ngạt.
  • Có thể nói, thai nhi sẽ phải chịu đựng những di chứng nặng nề hơn thai phụ bởi lúc này, sức khỏe và hệ miễn dịch của các bé chưa được phát triển đầy đủ.

Chuyển dạ kéo dài cần xử trí thế nào?

Khi đã được chẩn đoán chuyển dạ kéo dài, các mẹ bầu bình tĩnh và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được xác định chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý thích hợp.

Rối loạn co cơ tử cung, cổ tử cung ngừng tiến triển

Khi các cơn cơ tử cung yếu dần, bác sĩ thường chỉ định tiêm truyền oxytocin với mục đích tăng cường cũng như điều chỉnh các cơn gò tử cung. Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể kết hợp với liệu pháp tia ối (phá ối) giúp tăng cường chuyển dạ.

Trong trường hợp các cơn co tử cung cường tính: Dùng thuốc giảm co để ổn định tần suất co của các cơn gò tử cung.

Thai to hoặc khung chậu hẹp

Bác sĩ sẽ dùng nghiệm pháp lọt ngôi chỏm đánh giá cuộc sinh trong các tình huống cụ thể như khung chậu của mẹ giới hạn hoặc thai nhi khá to. Mục đích cuối cùng của phương pháp này là quyết định xem có nên tiếp tục sinh thường hay chuyển sang mổ lấy thai.

Phương pháp này chống chỉ định với các trường hợp thai suy, có sẹo mổ tử cung cũ hoặc ngôi thai không phải ngôi chỏm (thai nhi nằm xuôi, trục của thai nhi song song trục tử cung).

Thai suy

Hiện tượng này xảy ra khi thai nhi không được khỏe do không nhận đủ oxy. Điều này có thể để lại di chứng nặng nề về hô hấp cho trẻ sau sinh hoặc thậm chí khiến thai nhi ngưng thở. Khi có suy thai, bước đầu có thể dùng thuốc giảm bớt cơn co tử cung để tăng tuần hoàn, cải thiện oxy cho thai nhi. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ cần chỉ định mổ lấy thai cấp cứu kèm với các biện pháp hồi sức tích cực sơ sinh ngay trong phòng mổ.

Mổ lấy thai được chỉ định trong các trường hợp cụ thể

  • Đã dùng thuốc giảm co nhưng tần số và cường độ cơn co tử cung vẫn nhanh.
  • Cổ tử cung đã mở hết nhưng đầu thai vẫn chưa lọt ra dẫn đến suy thai.
  • Ngôi bất thường hoặc đã xử trí bằng nghiệm pháp lọt ngôi chỏm nhưng thất bại.
  • Xuất hiện dấu dọa vỡ tử cung nhưng cổ tử cung chưa mở được hết.
  • Thời gian cổ tử cung mở hết quá 1 giờ.

Sinh giúp bằng dụng cụ giác hút hoặc forceps

Forceps là dụng cụ có 2 cành tách biệt, khi bác sĩ tác động kẹp lên forceps đặt sẵn lên đầu thai nhi, đồng thời xoay sẽ kéo được thai nhi ra ngoài âm đạo. Phương pháp này được các bác sĩ cân nhắc sử dụng khi:

  • Có dấu hiệu dọa vỡ tử cung hoặc cổ tử cung đã mở hết.
  • Thai suy hoặc mẹ rặn yếu.
  • Cần lưu ý sử dụng theo đúng chỉ định vì nếu không, có thể gây ra những sang chấn cho cả đường sinh dục của mẹ và sang chấn cho em bé.
Sinh giúp bằng dụng cụ giác hút hoặc forceps

Sinh giúp bằng dụng cụ giác hút hoặc forceps

Biện pháp giúp mẹ bầu giảm nguy cơ chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ kéo dài không thường xuyên xảy ra, tuy nhiên, các mẹ bầu cũng cần có những biện pháp phòng ngừa trước cho bản thân để tránh gặp phải tình trạng không mong muốn này:

  • Tự thiết lập một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ các chất cần thiết, vận động thể dục hàng ngày đều đặn, nhẹ nhàng theo tư vấn của các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
  • Tránh các cảm xúc tiêu cực, lo lắng, căng thẳng; giữ cho bản thân một tinh thần tích cực, thoải mái giúp thai phụ có một chu kỳ mang thai khỏe mạnh.
  • Việc thăm khám đều đặn theo chỉ định của bác sĩ không những giúp phát hiện các bất thường và rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ mà còn tạo điều kiện cho các chuyên gia y tế kịp thời đưa ra những lời khuyên về tình trạng sức khỏe của mẹ bầu nhằm có một thai kỳ khỏe mạnh nhất (giáo dục về cân nặng lý tưởng, tư vấn các trường hợp thai to và hướng xử trí có thể có trong quá trình chuyển dạ,…)
Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi được sức khỏe của bản thân và sự phát triển thai nhi

Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi được sức khỏe của bản thân và sự phát triển thai nhi

Trên đây là các thông tin cơ bản về tình trạng chuyển dạ kéo dài ở mẹ bầu, hy vọng bài viết trên có thể giúp sản phụ trang bị cho mình những kiến thức bổ ích về tình trạng này để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc sinh nở. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bố mẹ liên hệ tới Hotline: 1900 3366 hoặc nhắn tin trực tiếp tới fanpage Facebook Tổ hơp Y tế MEDIPLUS để nhận được giải đáp từ chuyên gia.

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc phác đồ điều trị y khoa!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Bà bầu ăn nấm được không? 5 lợi ích và 7 lưu ý 

    Nấm là một loại thực phẩm phong phú về hương vị và dinh dưỡng, thường được ưa chuộng trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy…

    24 Th12, 2024
    2.7K

    Chuyên mục: Sản khoa

    12 cách tăng lượng sữa mẹ an toàn cho mẹ và bé

    Nuôi con bằng sữa mẹ không phải đơn giản, vì có những trường hợp mẹ bầu bị mất sữa không khi sinh, không đủ sữa…

    28 Th10, 2024
    480

    Chuyên mục: Sản khoa

    Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối có nguy hiểm không?

    Phụ nữ mang thai thường xuyên gặp phải tình trạng mất ngủ, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Vậy nguyên nhân gây…

    24 Th12, 2024
    382

    Chuyên mục: Sản khoa

    Mẹ bầu có được cắt tóc không? 7 Lưu ý cho mẹ

    Khi mang thai, có rất nhiều điều cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Một trong những…

    16 Th9, 2024
    4.0K

    Chuyên mục: Sản khoa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám