Viêm đường tiết niệu là gì? Có nguy hiểm, Dấu hiệu nhận biết

Cập nhật 14/06/2023

2.3K

Tham vấn y khoa:

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Sức khỏe

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan bên trong hệ tiết niệu gồm bàng quang, niệu đạo, niệu quản, thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dễ dàng điều trị khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên nếu không phát hiện sớm, quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian cũng như dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn.

1. Viêm đường tiết niệu là gì?

Đường tiết niệu có chức năng lọc máu, hình thành và bài tiết nước tiểu cùng các sản phẩm độc hại ra ngoài cơ thể. Hệ tiết niệu bao gồm các cơ quan là thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang, mỗi bộ phận lại đóng một vai trò riêng trong hệ tiết niệu. Hai quả thận có chức năng lọc các chất thải, sản phẩm chuyển hóa, điện giải ra khỏi máu dưới dạng nước tiểu sau đó theo ống niệu quản đổ vào bàng quang. Khi bàng quang đã chứa đầy nước tiểu, các cơ ở xung quanh thành bàng quang sẽ co thắt lại, phát tín hiệu dưới dạng cảm giác buồn tiểu để nhắc nhở chúng ta phải đi tiểu ngay.

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở bất kỳ vị trí, cơ quan nào của hệ tiết niệu, có thể là viêm thận, bàng quang, niệu đạo, niệu quản. Viêm đường tiết niệu đa phần xảy ra ở đường tiết niệu dưới (gồm bàng quang và niệu đạo). Trong trường hợp nước tiểu chảy ngược lại niệu đạo, bể thận vì một lý do nào đó sẽ gây viêm đường tiết niệu trên.

>>> Cần biết: Đau quặn thận do sỏi đừng chủ quan

Viêm đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập gây ra nhiễm trùng

Viêm đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập gây ra nhiễm trùng

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng khá phổ biến, xuất hiện ở mọi độ tuổi, giới tính nhưng nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn do kết cấu cơ quan sinh dục đặc biệt, niệu đạo ở gần hậu môn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây bệnh.

2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm đường tiết niệu

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy nữ giới là đối tượng có nguy cơ cao viêm đường tiết niệu do:

  • Cấu tạo đường niệu đạo ngắn nên vi khuẩn từ hậu môn dễ dàng di chuyển vào âm đạo, gây viêm nhiễm hệ thống đường tiết niệu.
  • Dễ bị viêm nhiễm, tổn thương khi quan hệ.
  • Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh lượng nội tiết tố estrogen giảm mạnh khiến cho niêm mạc đường tiết niệu bị khô lại, mất đàn hồi, lượng dịch nhầy bảo vệ âm đạo cũng tiết ra ít hơn, từ đó làm giảm khả năng tự bảo vệ khỏi vi khuẩn và các yếu tố gây viêm nhiễm.

Trẻ nhỏ dị tật đường tiết niệu bẩm sinh sẽ gặp khó khăn khi đi tiểu, dòng nước tiểu bị cản trở khiến nước tiểu chảy ngược trở lại vào niệu đạo, mang theo vi khuẩn gây viêm niệu đạo.

Người bị sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn dòng tiểu, tích tụ vi khuẩn bên trong bàng quang, niệu đạo.

Người bị hôn mê, mắc các bệnh lý về thần kinh phải đặt sonde tiểu có thể dẫn đến xước, tổn thương đường tiết niệu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn từ bên ngoài theo đường ống xâm nhập vào đường tiết niệu.

Mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ thống miễn dịch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, tấn công, gây nhiễm trùng hô các cơ quan.

Viêm đường tiết niệu và viêm bàng quang có phải là một?

Bàng quang là một cơ quan thuộc hệ tiết niệu, có chức năng chứa đựng nước tiểu đi ra từ bể thận và đào thải chúng ra ngoài cơ thể qua ống niệu đạo. Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng, là một dạng của viêm đường tiết niệu. Còn viêm đường tiết niệu là thuật ngữ biểu thị viêm nhiễm xuất hiện ở hệ tiết niệu, đó có thể là viêm bể thận, viêm niệu đạo, viêm bàng quang,…

3. Nguyên nhân viêm đường tiết niệu do đâu?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn từ niệu đạo di chuyển lên bàng quang, gây viêm nhiễm các cơ quan tại đường niệu và một phần nhỏ là do vi khuẩn E.coli (Escherichia Coli). E.coli là vi khuẩn sinh sống ở đường ruột, theo phân đi ra ngoài cơ thể qua đường hậu môn. Do đó có thể tìm thấy vi khuẩn này ở cả bề mặt lớp da hậu môn. Khi vệ sinh không đúng cách, E.coli sẽ di chuyển từ hậu môn vào niệu đạo gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

E.coli từ hậu môn đi vào niệu đạo gây viêm nhiễm đường tiết niệu

E.coli từ hậu môn đi vào niệu đạo gây viêm nhiễm đường tiết niệu

3.1 Viêm tiết niệu ở nam giới

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu ở nam giới bao gồm:

  • Quy đầu bị viêm do vệ sinh không đúng cách gây viêm nhiễm bên trong đường tiết niệu.
  • Dương vật bị chấn thương do quan hệ mạnh, tai nạn gây kích ứng niệu đạo.
  • Vi khuẩn E.coli từ hậu môn xâm nhập gây viêm đường tiết niệu.
  • Các bệnh lý tại đường tiết niệu như sỏi thận, hẹp quy đầu, hẹp niệu đạo, hẹp niệu quản, phì đại tuyến tiền liệt,… làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hệ tiết niệu.
Quy đầu bị viêm gây viêm nhiễm bên trong đường tiết niệu

Quy đầu bị viêm gây viêm nhiễm bên trong đường tiết niệu

Phì đại tuyến tiền liệt gây viêm tiết niệu

Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt có nguy cơ cao bị viêm tiết niệu

3.2 Viêm tiết niệu ở nữ giới

Nữ giới có tỷ lệ viêm nhiễm đường tiết niệu cao hơn nam giới do các nguyên nhân sau:

  • Niệu đạo nữ gần hậu môn hơn nam nên vi khuẩn E.coli dễ đi vào đường sinh dục trong, gây viêm nhiễm.
  • Thói quen vệ sinh vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh không đúng cách, lau từ sau ra trước gây lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.
  • Không vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ khi đến kỳ kinh, dùng băng vệ sinh có khả năng thấm hút kém, không thay băng vệ sinh thường xuyên sẽ khiến âm đạo trở nên ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm vùng kín.
  • Mắc các bệnh lý như hẹp niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi thận,… cũng làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu.
Thói quen vệ sinh vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh không đúng cách ở nữ

Thói quen vệ sinh vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh không đúng cách ở nữ

4. Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết viêm đường tiết niệu

Các triệu chứng viêm nhiễm tại các cơ quan trong hệ tiết niệu có thể khác nhau. Người bệnh có thể phát hiện sớm thông qua các triệu chứng sau:

4.1 Các triệu chứng tại chỗ

Có một số trường hợp, viêm đường tiết niệu chỉ vô tình phát hiện được khi người bệnh đi khám, làm xét nghiệm nước tiểu bởi các triệu chứng không rõ ràng. Trường hợp này thường gặp ở phụ nữ có thai, người mắc bệnh lý đái tháo đường,…

Các triệu chứng điển hình tại đường tiết niệu khi bị viêm thường là đi tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có màu vàng đậm, có thể lẫn dịch mủ hoặc lẫn máu, mùi khó chịu. Một số người bệnh lại có biểu hiện đau hạ vị do viêm bàng quang, đau lưng hông do áp xe, viêm bể thận hoặc đau do có sỏi xuất hiện trong bàng quang.

Đi tiểu nhiều triệu chứng viêm đường tiết niệu

Đi tiểu nhiều triệu chứng viêm đường tiết niệu

Tiểu buốt tiểu rắt cũng là triệu chứng cảnh báo viêm đường tiết niệu

Tiểu buốt tiểu rắt cũng là triệu chứng cảnh báo viêm đường tiết niệu

4.2 Triệu chứng toàn thân

Ngoài các triệu chứng tại đường tiết niệu, người bệnh có thể gặp phải một số dấu hiệu bất thường như sốt cao, mặt xanh xao, hốc hác, rét run, môi khô,.. do nhiễm trùng huyết – biến chứng của viêm niệu đạo. Trong đường tiết niệu, thận là cơ quan luôn phải tiếp nhận, lọc một lượng máu lớn mỗi ngày đổ vào. Do đó, khi hệ tiết niệu bị viêm, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào máu để đi khắp cơ thể, gây tình trạng nhiễm trùng huyết.

Ở nam giới

Biểu hiện cụ thể khi bị nhiễm trùng niệu đạo ở nam giới bao gồm:

  • Nước tiểu màu vàng đục, có thể lẫn dịch nhầy hoặc máu, mùi hôi nồng.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu tiện nhiều lần trong ngày nhưng mỗi khi đi tiểu lượng nước tiểu rất ít.
  • Ngứa, đau rát niệu đạo.
  • Đau bụng vùng hạ vị, đau chậu hông, thắt lưng, cường độ đau tăng khi đi vệ sinh, quan hệ.
Nước tiểu có màu vàng đục triệu chứng cảnh báo viêm tiết niệu

Nước tiểu có màu vàng đục triệu chứng cảnh báo viêm tiết niệu

Ở nữ giới

Nữ giới bị viêm niệu đạo sẽ có biểu hiện:

  • Tiểu buốt, tiểu rắt, cảm thấy nóng rát mỗi khi đi tiểu.
  • Đi tiểu nhiều, cứ 15-20 phút lại buồn đi tiểu nhưng mỗi lần chỉ tiểu được rất ít, có khi chỉ vài giọt.
  • Đau nhói bụng dưới, thắt lưng, chậu hông do viêm nhiễm lan sang niệu quản, thận.
  • Nước tiểu đục màu, mùi tanh hôi, có lẫn dịch mủ hoặc máu.
Đi tiểu nhiều nhưng tiểu ít nước tiểu có mùi

Đi tiểu nhiều nhưng tiểu ít nước tiểu có mùi hôi tanh

4.3 Các loại nhiễm trùng

Tùy vào vị trí bị nhiễm trùng mà người bệnh có thể mắc các loại viêm nhiễm niệu đạo sau:

  • Viêm bàng quang: Khi bàng quang bị viêm nhiễm sẽ khiến cho người bệnh có cảm giác thường xuyên buồn đi tiểu nhưng lượng nước tiểu mỗi lần lại rất ít kèm theo cảm giác nóng rát, nước tiểu có màu bất thường, mùi hôi khó chịu, nước tiểu lẫn máu hoặc dịch nhầy, đau nhức vùng chậu mỗi khi đi tiểu,…
  • Viêm bể thận: Bể thận bị viêm đặc biệt là trong trường hợp viêm cấp tính gây đau nhức khi đi tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi. Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng: sốt, rét run, đau nhức chậu hông hoặc đau quặn thận. Viêm bể thận nếu không điều trị sớm rất dễ gây nhiễm trùng máu.
  • Viêm niệu đạo: Triệu chứng của viêm niệu đạo cũng tương tự như viêm nhiễm ở các cơ quan đường tiết niệu khác gây đau khi đi tiểu, tiểu buốt tiểu rắt, sốt kèm rét run,… Ở nữ giới, dịch tiết âm đạo sẽ có màu, mùi bất thường kèm theo cảm giác đau nhức khi quan hệ. Còn ở nam giới, tinh dịch khi xuất ra thường có lẫn máu, dịch mủ, đau khi xuất tinh, thậm chí nổi hạch ở bẹn.
Hình ảnh siêu âm viêm bể thận

Hình ảnh siêu âm viêm bể thận

5. Biến chứng nguy hiểm do viêm đường tiết niệu

Những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, điều trị muộn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khi độc lực của vi khuẩn mạnh, chúng có thể phá hủy các mô, tế bào thận, gây tắc nghẽn, hoại tử, suy giảm chức năng thận. Nếu không được điều trị kịp thời thận có thể bị hỏng và phải cắt bỏ. Ở nam giới, viêm đường tiết niệu có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, áp xe tuyến tiền liệt, thậm chí gây vô sinh.

Viêm đường tiết niệu, nhất là viêm bể thận nếu không được điều trị bằng kháng sinh đúng cách, vi khuẩn tại ổ viêm có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

6. Chẩn đoán và điều trị viêm đường tiết niệu

Thăm khám, điều trị sớm chính là biện pháp tối ưu nhất để viêm nhiễm đường tiết niệu nhanh khỏi cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

6.1 Các phương pháp chẩn đoán

Khi có nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu, người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu của người bệnh được đem đi phân tích để kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn, bạch cầu, hồng cầu tại đường tiết niệu. Người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục trước khi lấy nước tiểu và bỏ nước tiểu đầu để hạn chế yếu tố gây sai số xét nghiệm.
  • Nuôi cấy nước tiểu: Sau khi kiểm tra mẫu nước tiểu, phát hiện sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh thì mẫu nước tiểu này có thể tiếp tục được mang đi nuôi cấy. Mục đích của việc lấy mẫu nước tiểu đem nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là tìm ra loại vi khuẩn gây viêm nhiễm để xây dựng phác đồ điều trị đặc hiệu nhất cho người bệnh.
  • Hình ảnh học hệ niệu(Chụp chiếu, tái dựng hình ảnh học hệ niệu): Bao gồm nội soi, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Các phương pháp này thường được chỉ định khi nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Hình ảnh đường tiết niệu thu được giúp bác sĩ dễ dàng quan sát tình trạng nhiễm trùng của người bệnh.
  • Nội soi bàng quang: Phương pháp này sử dụng một ống mềm đầu có gắn thấu kính luồn trực tiếp vào âm đạo người bệnh để thu được hình ảnh bên trong. Từ hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể theo dõi được tình trạng, vị trí viêm nhiễm và đưa ra hướng điều trị khắc phục kịp thời.
  • Các xét nghiệm khác: Bên cạnh những xét nghiệm ưu tiên chẩn đoán viêm đường tiết niệu kể trên, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm một số liệu pháp để xác định mức độ viêm nhiễm, đánh giá chức năng gan thận để điều chỉnh liều cho phù hợp với thể trạng của từng người. Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm đường tiết niệu thường được chỉ định là đo nồng độ protein C phản ứng, tổng phân tích tế bào máu, X-quang phổi, siêu âm tim,…

6.2 Phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý hoàn toàn chữa khỏi chỉ cần người bệnh tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với duy trì lối sống lành mạnh hàng ngày. Trong điều trị viêm đường tiết niệu, kháng sinh là lựa chọn hàng đầu để ngăn chặn vi khuẩn lây lan ra khắp cơ thể. Tùy vào mức độ nhiễm trùng đường tiết niệu mà bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh và thời gian dùng thuốc khác nhau, cụ thể:

  • Trường hợp viêm nhẹ: bác sĩ sẽ chỉ định một số loại kháng sinh nhóm Cephalosporin như Cephalexin, Ceftriaxone,… nhóm Tetracyclin như: Doxycycline hoặc Trimethoprim/sulfamethazine,… kéo dài từ 5-7 ngày.
  • Viêm liên tục, mãn tính: Người bệnh được chỉ định sử dụng kháng sinh liều thấp, duy trì khoảng 6 tháng đối với mỗi đợt điều trị. Với các trường hợp viêm đường tiết niệu liên quan trực tiếp đến đời sống tình dục, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ để phòng ngừa nguy cơ tái phát đợt viêm cấp.
  • Tình trạng nặng: Với các trường hợp viêm nặng, không còn đáp ứng với kháng sinh đường uống thì cần nhập viện để được tiêm hoặc truyền kháng sinh.

Ngoài ra, tùy vào triệu chứng viêm nhiễm mà có thể chỉ định cho người bệnh dùng thêm các thuốc giảm đau, giãn cơ, lợi tiểu trong quá trình điều trị.

Điều trị viêm đường tiết niệu sử dụng thuốc kháng sinh

Điều trị viêm đường tiết niệu sử dụng thuốc kháng sinh

7. Phòng ngừa tránh viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu có thể phòng ngừa sớm bằng các biện pháp xây dựng lối sống lành mạnh, chăm sóc vùng kín cẩn thận khi bị viêm nhiễm sẽ khiến bệnh viêm đường tiết niệu mau khỏi, hạn chế tái phát:

  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể: Uống nhiều nước khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn, khi đó vi khuẩn đường tiết niệu cũng theo nước tiểu đi ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.
  • Lau vùng kín theo chiều từ trước ra sau khi đi vệ sinh xong để ngăn vi khuẩn từ hậu môn lây lan sang âm đạo, âm hộ, vào cơ quan sinh dục trong.
  • Đi tiểu, vệ sinh vùng kín, uống nước sau khi quan hệ để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập gây viêm đường tiết niệu.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giúp giảm viêm nhiễm đường tiết niệu như sữa chua, trái cây họ cam, tỏi,…
  • Lựa chọn dung dịch vệ sinh dịu nhẹ từ thiên nhiên có khả năng kháng khuẩn tốt để tránh bị kích ứng, nhiễm khuẩn.
  • Thay đổi cách tránh thai từ bao cao su bằng các phương pháp khác để tránh bị kích ứng với các thành phần cấu tạo của bao cũng như hạn chế dùng các chất bôi trơn khi quan hệ để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Ngoài ra, khi bị viêm tiết niệu người bệnh có thể tự mình làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra bằng các cách sau:

  • Uống đủ nước, từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày bao gồm nước lọc và các loại nước hoa quả, trái cây.
  • Dùng thuốc hạ sốt khi bị sốt cao.
  • Dùng khăn ấm chườm lên bụng để giảm bớt cảm giác khó chịu, đau nhức ở bàng quang.
  • Xây dựng chế độ ăn giàu vitamin, đạm để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, lau theo chiều từ trước ra sau khi đi vệ sinh xong.
  • Vận động, thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.

Viêm đường tiết niệu tuy không phải là căn bệnh phổ biến nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu viêm nhiễm cơ quan sinh sản cần đi kiểm tra, điều trị kịp thời. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 3366 hoặc Fanpage để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của MEDIPLUS!

*Bài viết mang tính tham khảo thêm, không thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa!

5/5 - (1 bình chọn)

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Quan hệ bị khô rát phải làm sao? 9 nguyên nhân và cách chữa

    Không ít chị em phụ nữ bị tình trạng khô rát âm đạo, ít ra nước và làm ảnh hưởng đến cuộc yêu. Vậy quan…

    28 Th10, 2024
    1.6K

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Bầu 6 tháng quan hệ có sao không?

    Nhiều cặp vợ chồng tiết lộ rằng việc quan hệ khi mang thai giúp họ có trải nghiệm tốt nhất trong đời sống tình dục.…

    16 Th9, 2024
    3.1K

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Quan hệ dùng bao cao su an toàn không? 4 Cách tránh thai an toàn

    Sử dụng bao cao su khi quan hệ là cách để nhiều cặp đôi có thể tránh thai khá hiệu quả. Phương pháp này rất…

    28 Th10, 2024
    466

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Quan hệ ra bọt trắng có sao không? Có nguy hiểm không?

    Trong đời sống tình dục, hiện tượng ra bọt trắng sau khi quan hệ là vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Điều này có…

    17 Th12, 2024
    442

    Chuyên mục: Sức khỏe

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám