Bệnh viêm tai giữa có tự khỏi được không, triệu chứng nhận biết sớm

Cập nhật 12/06/2023

2.4K

Tác giả:MEDIPLUS

Chuyên mục:Tai mũi họng

Viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến ở nhiều độ tuổi, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Theo thống kê, có 80% trẻ dưới 5 tuổi bị viêm tai giữa ít nhất một lần, và có đến 40% trẻ bị tái phát nhiều lần. Nguyên nhân gây ra trường hợp này thường là do vi khuẩn hoặc virus trong tai gây ra. Bệnh thường tiến triển nhanh chóng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó khiến nhiều người lo lắng khi mắc bệnh.

1. Tổng quan bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp vào thời điểm thời tiết giao mùa. Bệnh gây ra các biến chứng nặng và có thể sẽ bị di chứng suốt đời. Viêm tai giữa xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là những trẻ khoảng 6 đến 36 tháng tuổi. Theo kết quả thống kê, hơn 80% trẻ em 3 tuổi bị viêm tai giữa ít nhất một đợt.

1.1 Vị trí viêm tai giữa

Tai có cấu tạo 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Vòi nhĩ là nơi thoát ra của các tạp chất từ trong tai ra ngoài, vòi nhĩ có đường kính nhỏ hẹp, đặc biệt là ở trẻ em, do đó rất dễ bị tắc nghẽn. Điều này khiến các chất thải không thoát ra được mà tích tụ trong tai dẫn đến viêm nhiễm.

Vị trí viêm tai giữa

Vị trí viêm tai giữa

Một số nguyên nhân gây tắc vòi nhĩ như do vòi xẹp kéo dài, do vòi nhĩ quá mềm, hay cơ chế mở vòi thay đổi bất thường. Tắc vòi thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi do sụn vòi mềm và vòi nhĩ ở trẻ cũng ngắn hơn so với người lớn.

Viêm tai giữa là hiện tượng tai giữa (khu vực ở phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, bệnh nhân sốt, chảy dịch từ tai gây đau đớn, khó chịu. Trẻ em dưới 3 tuổi là đối tượng phổ biến nhất vì ở độ tuổi này cấu trúc tai của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và sức đề kháng của trẻ còn non nớt.

1.2 Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa

Tai - mũi - họng thông nhau nên rất dễ lây nhiễm.

Tai – mũi – họng thông nhau nên rất dễ lây nhiễm.

Tai mũi họng là 3 “cửa ngõ” thông nhau, có nguy cơ bị tấn công trực tiếp từ các tác nhân gây bệnh. Thống kê cho thấy bệnh lý viêm tai giữa chủ yếu xuất phát từ tình trạng viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA,… không được điều trị triệt để. Hoặc do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng với tác nhân nào đó, gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ.

Đặc biệt ở trẻ nhỏ, cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn thiện, do đó rất dễ bị tắc vòi nhĩ, dẫn đến viêm tai giữa. Ngoài ra trẻ em thường có sức đề kháng rất kém nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.

1.3 Triệu chứng của viêm tai giữa

Các triệu chứng nhiễm trùng tai thường khởi phát nhanh chóng và khá rõ ràng. Các triệu chứng này là bước đầu để bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa cho người bệnh.

  • Tai đau nhức thường xuyên gây khó chịu, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt cũng như học tập và làm việc.
  • Đau đầu kéo dài, âm ỉ cả ngày ngay cả khi nghỉ ngơi, khiến người bệnh mất ngủ và gây mệt mỏi kéo dài cho cơ thể.
  • Sốt nhẹ đến sốt vừa, sức khỏe suy giảm, người mệt mỏi, uể oải, mất nước.
  • Ù tai, có dịch trong tai, và dịch chảy ra từ tai
  • Nghe không rõ, nghe kém hay phản ứng kém với âm thanh
  • Trẻ em bị viêm tai giữa thường khó ngủ; khóc nhiều.

2. Các dạng viêm tai giữa hay gặp phải nhất

. Tùy vào mức độ nhiễm trùng, viêm tai giữa thường được chia thành các loại: viêm tai giữa cấp tính, mạn tính, mủ nhầy. Cụ thể biểu hiện của từng dạng:

  • Viêm tai giữa cấp: Là tình trạng vi khuẩn tấn công vào tai giữa gây viêm nhiễm, mưng mủ, thường kéo dài dưới 3 tháng. Bệnh thường gây tổn thương trên cả màng nhĩ và tai giữa, khiến dịch chảy liên tục qua lỗ làm thủng màng nhĩ.
  • Viêm tai giữa mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, kéo dài (trên 3 tháng), thường bắt đầu do viêm tai giữa cấp kéo dài. Triệu chứng thường gặp là chảy mủ ra ngoài tai.  Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch,…
  • Viêm tai giữa tái phát: Đây là tình trạng tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này ứ lại phía sau màng tai, chứ không chảy ra ngoài. Dịch tích tụ gây cảm giác nặng tai, khiến bệnh nhân khó nghe, nghe không rõ ràng nên rất khó phát hiện.

3. Phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa

Viêm tai giữa có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, do đó cần phát hiện bệnh sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm

  • Kiểm tra và khám tai: Đầu tiên các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như: chảy mủ tai, đau, nghe kém,.. từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.
  • Nội soi tai: Đây là kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến, hiện đại giúp phát hiện nhanh chóng và chính xác tình trạng viêm tai giữa cho người bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào bên trong tai để quan sát từng ngóc ngách bên trong tai qua hình ảnh thu được trên máy tính (hình ảnh xung huyết, tụ mủ, vỡ mủ,…) Phương pháp này có thể áp dụng được ở mọi đối tượng,  kể cả trẻ nhỏ.
  • Chụp X-quang tai: Là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp mô phỏng lại các hình ảnh xương chũm, hình ảnh tiêu xương,… Như trong trường hợp viêm tai giữa mạn tính chụp Xquang thấy hình ảnh viêm tai xương chũm, xương thái dương bị tiêu. Hay trường hợp viêm tai giữa cấp tính tái phát sẽ thấy hình ảnh xương chũm kém không bào nhưng không có tiêu xương.

Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp CT, đo thính lực đồ,…

Hình ảnh nội soi bị viêm tai giữa

Hình ảnh nội soi bị viêm tai giữa

4. Bị viêm tai giữa có tự khỏi được không, bao lâu thì khỏi?

Bị viêm tai giữa có thể tự khỏi trong vòng khoảng 2 đến 3 ngày mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, tình trạng nhiễm trùng viêm nhiễm bên trong tai có thể kéo dài (với dịch trong tai giữa trong 5 tuần hoặc kéo dài hơn), ngay cả sau khi có sử dụng kháng sinh để điều trị.

5. Cách điều trị bệnh viêm tai giữa hiệu quả

Ở người lớn, viêm tai giữa tiến triển theo 3 giai đoạn: giai đoạn sung huyết, ứ mủ và vỡ mủ. Tùy vào từng giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phác đồ điều trị khác nhau.

5.1 Điều trị bằng thuốc

Viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết thường chỉ cần điều trị bằng các thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do các bệnh lý mũi họng sẽ cần điều trị kết hợp. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị khác nhau.

Thuốc nhỏ mũi có tác dụng chống sung huyết, giảm phù nề, chống viêm, co mạch,.. để giảm tắc nghẽn, làm thông thoáng cho tai giữa và vùng mũi họng. Một số thuốc thường được chỉ định gồm sunfarin, collydexa, otrivin, naphazolin,…

Khi viêm tai giữa không bị thủng màng nhĩ bác sĩ sẽ chỉ định kê một số thuốc nhỏ tai có chứa thành phần kháng sinh hoặc chất chống viêm như effexin, rifamycin, polydexa, otipax,…

Với các trường hợp viêm tai giữa do vi khuẩn các kháng sinh đường uống hoặc đường tiêm nhóm beta-lactam, macrolid, hay nhóm quinolon thường được chỉ định cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn cân nhắc kết hợp thuốc chống viêm corticoid ngắn ngày ( dùng 7 – 10 ngày) hoặc thuốc chống viêm giảm phù nề phù hợp.

Đặc biệt, nếu có các bệnh lý mũi họng kèm theo, cần điều trị triệt để bệnh lý và vệ sinh tai mũi họng hàng ngày để ngăn chặn sự phát triển của tác nhân gây bệnh.

*Lưu ý: Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị và chỉ định của bác sĩ, tránh những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra!

5.2 Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng mà áp dụng điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan thì bác sĩ sẽ cân nhắc đến một số phẫu thuật như phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm, mở thượng nhĩ…

Giai đoạn ứ mủ, điều trị bằng thuốc có thể không giải quyết bệnh hoàn toàn. Do đó các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật trích rạch màng nhĩ loại bỏ dịch mủ ứ đọng, sau đó điều trị bằng thuốc tương tự giai đoạn đầu. Hoặc trong các trường hợp viêm tai giữa kèm với triệu chứng viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn khi VA phì đại phẫu thuật nạo VA thường được chỉ định thay thế cho dùng thuốc..

6. Biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa

Phòng bệnh hơn chữa bệnh! Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do viêm tai giữa gây ra như: giảm thính giác, thủng màng nhĩ, viêm não hoặc màng não,… người bệnh cần lưu ý một số biện pháp “nhỏ nhưng có võ” dưới đây trong phòng ngừa bệnh hiểu quả:

  • Điều trị triệt để các bệnh lý tai – mũi – họng tránh để vi khuẩn phát triển, lây lan sang các bộ phận khác.
  • Sau khi đi tắm hoặc đi bơi cần lau khô tai bằng khăn sạch, tránh để nước vào tai.
  • Vệ sinh tai mũi họng hàng ngày, giữ vệ sinh răng miệng và môi trường xung quanh để loại bỏ môi trường thuận lợi của tác nhân gây bệnh.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu và các loại vaccin cần thiết khác.

Viêm tai giữa là là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là với các bậc phụ huynh khi có con nhỏ mắc bệnh này. Phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời sẽ hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó mọi người khi thấy những dấu hiệu bất thường thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và xử trí bệnh sớm.  Nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào, các bạn vui lòng liên hệ hotline 1900 3366 để nhận được tư vấn từ chuyên gia MEDIPLUS!

Đánh giá bài viết

    ĐẶT LỊCH KHÁM, TƯ VẤN VỚI BÁC SĨ

    Bài viết liên quan

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      Gói tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa

      Tầm soát và phát hiện sớm ung thư…

      6.660.000đ

      Tư vấn miễn phí

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám