Hẹp thực quản: 2 Nguyên nhân và 2 Cách điều trị

Cập nhật 10/04/2025

40

Tác giả:Phạm Quang Nam

Chuyên mục:Tiêu hóa

Hẹp thực quản là tình trạng phổ biến gây khó nuốt, đau rát và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Mediplus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 2 nguyên nhân gây hẹp thực quản và 2 phương pháp điều trị hiệu quả. 

1. Hẹp thực quản là gì? các loại hẹp thực quản

Hẹp thực quản là tình trạng một đoạn của thực quản bị tổn thương, khiến lòng ống thực quản bị thu hẹp lại. Điều này cản trở quá trình đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày, khiến người bệnh cảm thấy khó nuốt, đau rát khi ăn uống, thậm chí nghẹn ở cổ họng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hẹp thực quản có thể gây suy giảm khả năng ăn uống, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng và suy kiệt sức khỏe.

Hẹp thực quản được chia thành 2 loại chính, bao gồm: 

  • Hẹp thực quản lành tính: Đây là dạng phổ biến, chiếm khoảng 70–80% trường hợp ở người lớn. Nguyên nhân thường gặp là do trào ngược dạ dày–thực quản (GERD) kéo dài hoặc do tổn thương thực quản sau khi nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn. Các yếu tố này gây viêm, tạo mô sẹo và dần làm hẹp lòng thực quản.
  • Hẹp thực quản ác tính: Xảy ra khi có sự xuất hiện của khối u ung thư phát triển trong thực quản, thường gặp nhất là ung thư biểu mô vảy hoặc ung thư biểu mô tuyến. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là hậu quả của khối u ác tính từ cơ quan khác di căn đến thực quản, gây chèn ép và thu hẹp đường tiêu hóa.
Hẹp thực quản là tình trạng một đoạn của thực quản bị tổn thương, khiến lòng ống thực quản bị thu hẹp lại

Hẹp thực quản là tình trạng một đoạn của thực quản bị tổn thương, khiến lòng ống thực quản bị thu hẹp lại

2. 2 Nguyên nhân chính gây hẹp thực quản

Hẹp thực quản không phải lúc nào cũng do ung thư gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này thường bắt nguồn từ hai nhóm nguyên nhân chính dưới đây. 

Các nguyên nhân lành tính

Các nguyên nhân lành tính có thể gây ra hẹp thực quản thường do bị tổn thương bởi các bệnh lý hoặc do có can thiệp ở thực quản, điển hình là: 

  • Nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn: Khi người bệnh vô tình nuốt phải các sản phẩm tẩy rửa gia dụng như nước lau sàn, chất tẩy bồn cầu…, niêm mạc thực quản có thể bị tổn thương nghiêm trọng, gây viêm loét, sẹo và dẫn đến hẹp thực quản.
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE): Bệnh lý mạn tính do cơ chế miễn dịch, thường gây khó nuốt. Nếu không được điều trị sớm, EoE có thể dẫn đến xơ hóa và hẹp thực quản, nhất là khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
  • Viêm thực quản do thuốc: Một số thuốc như NSAID, kali clorua, alendronate, tetracycline… có thể gây kích ứng thực quản nếu dùng không đúng cách. Viêm kéo dài có thể gây sẹo và hẹp thực quản.
  • Tác động của xạ trị: Xạ trị vùng cổ hoặc ngực, đặc biệt trong điều trị ung thư đầu mặt cổ hoặc phổi, có thể làm tổn thương mô mềm và niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp do xơ hóa về sau.
  • Biến chứng sau nội soi hoặc phẫu thuật: Các thủ thuật như sinh thiết, cắt niêm mạc, phẫu thuật điều trị tổn thương thực quản có thể làm tổn thương mô tái tạo, dẫn đến sẹo và hẹp, nhất là khi can thiệp diện rộng.
  • Chấn thương do nhiệt: Một nguyên nhân hiếm gặp, thường xảy ra khi ăn hoặc uống đồ quá nóng (như cà phê, trà), gây bỏng niêm mạc thực quản và để lại sẹo.
  • Viêm thực quản do nhiễm trùng: Các tác nhân như virus CMV, HSV, HIV hoặc nấm Candida có thể gây viêm ở thực quản, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Viêm kéo dài có thể gây hẹp.
  • Hẹp thực quản do hóa trị: Hiếm gặp, nhưng một số phác đồ điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến thực quản, gây viêm và hẹp.
  • Các nguyên nhân hiếm gặp khác như: đặt ống thông mũi và dạ dày lâu ngày, các bệnh mô liên kết như xơ cứng bì, hội chứng Plummer-Vinson, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lao, bệnh Crohn,…
Uống đồ có nóng có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và để lại sẹo

Uống đồ có nóng có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và để lại sẹo

Hẹp thực quản do các nguyên nhân ác tính

Hẹp thực quản do các nguyên nhân ác tính như bị ung thư biểu mô tuyến thực quản, khối u thực quản di căn chủ yếu do ung thư phổi, ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản và do khối u cạnh thực quản chèn ép hoặc xâm lấn thực quản. 

3. Triệu chứng hẹp thực quản là gì? Ai dễ mắc bệnh?

Triệu chứng phổ biến nhất của hẹp thực quản là khó nuốt. Người bệnh thường cảm thấy thức ăn bị mắc lại hoặc di chuyển chậm ở vùng cổ họng, sau xương ức hoặc vùng bụng trên. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị trí hay mức độ hẹp của thực quản đều gây ra triệu chứng ngay lập tức.

Ở giai đoạn đầu, cảm giác khó nuốt thường chỉ xuất hiện khi ăn thức ăn đặc hoặc uống thuốc. Khi tình trạng tiến triển nặng hơn, ngay cả việc nuốt nước hoặc chất lỏng cũng có thể trở nên khó khăn.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các biểu hiện khác như ợ chua, nôn trớ, đau khi nuốt, sụt cân bất thường hoặc giảm cân không kiểm soát.

Hẹp thực quản có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như người thường xuyên uống rượu bia, người bị ung thư vùng cổ, thoát vị hoành, có tiền sử khó nuốt hoặc bị trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày,…

Người bị ung thư vùng cổ có nguy cơ cao bị hẹp thực quản

Người bị ung thư vùng cổ có nguy cơ cao bị hẹp thực quản

4. Chẩn đoán hẹp thực quản thế nào?

Sau khi đã nhận diện được các triệu chứng nghi ngờ bệnh, bước tiếp theo sẽ là tiến hành chẩn đoán để xác định chính xác tình trạng hẹp thực quản và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp chẩn đoán hẹp thực quản được sử dụng hiện nay như sau: 

Phương pháp nội soi đường tiêu hoá trên

Nội soi tiêu hóa là một trong những phương pháp can thiệp quan trọng nhất trong chẩn đoán và điều trị hẹp thực quản. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí bị hẹp, đồng thời thực hiện sinh thiết để loại trừ nguyên nhân ác tính. Ngoài ra, nội soi còn giúp phát hiện các tổn thương khác như loét, viêm hoặc khối u xung quanh vùng hẹp.

Dựa trên hình ảnh nội soi, hẹp thực quản lành tính được chia thành hai dạng là hẹp đơn giản và hẹp phức tạp. Hẹp đơn giản thường có chiều dài dưới 2cm, bề mặt tương đối thẳng, lòng thực quản không quá hẹp và ống nội soi có thể đi qua dễ dàng. Trong khi đó, hẹp phức tạp thường dài hơn 2 cm, có bề mặt gồ ghề, bờ không đều hoặc quanh co, gây chít hẹp rõ rệt lòng thực quản.

Nội soi tiêu hóa là một trong những phương pháp can thiệp quan trọng nhất trong chẩn đoán

Nội soi tiêu hóa là một trong những phương pháp can thiệp quan trọng nhất trong chẩn đoán

Xem thêm: Nội soi dạ dày ở đâu tốt? Gợi ý 10+ địa chỉ uy tín

Chụp X-quang thực quản với thuốc cản quang

Chụp thực quản với thuốc cản quang là phương pháp giúp đánh giá hình dạng, vị trí và mức độ hẹp của thực quản. Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong trường hợp ống nội soi tiêu chuẩn không thể đi qua vị trí hẹp hoặc khi không có sẵn ống soi cỡ nhỏ.

Thuốc cản quang barit có độ nhạy lên tới 95% trong việc phát hiện hẹp thực quản. Trong những trường hợp nghi ngờ thủng thực quản, chất cản quang tan trong nước sẽ được ưu tiên sử dụng để tránh nguy cơ thấm thuốc barit ra ngoài thực quản, giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn hoặc biến chứng do hít phải.

Siêu âm nội soi

Siêu âm nội soi (EUS) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cung cấp hình ảnh chi tiết với độ phân giải cao về cấu trúc thành thực quản và mức độ tổn thương trong các trường hợp bị hẹp. Phương pháp này đặc biệt có giá trị khi kết quả sinh thiết tại vị trí hẹp không rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân chính xác.

Ở những bệnh nhân nghi ngờ hẹp thực quản ác tính, siêu âm thực quản có thể phát hiện dấu hiệu dày thành thực quản và mất cấu trúc lớp – đặc điểm không thường thấy ở hẹp lành tính. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc các can thiệp sâu hơn như chỉ định phẫu thuật để xử lý triệt để.

Siêu âm thực quản có thể phát hiện dấu hiệu dày thành thực quản và mất cấu trúc lớp

Siêu âm thực quản có thể phát hiện dấu hiệu dày thành thực quản và mất cấu trúc lớp

5. Hẹp thực quản có nguy hiểm không, có biến chứng không?

Hẹp thực quản có nguy hiểm không? Câu trả lời là không nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hẹp thực quản có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Suy dinh dưỡng do ăn uống khó khăn kéo dài, khiến cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp do thức ăn hoặc dịch tiêu hóa trào ngược lên đường thở, dễ dẫn đến viêm phổi hít.
  • Thủng thực quản, đặc biệt khi hẹp nghiêm trọng và có can thiệp không phù hợp.
  • Chảy máu thực quản do tổn thương niêm mạc tại vị trí hẹp.
  • Tăng nguy cơ ung thư thực quản, nhất là ở những trường hợp hẹp kéo dài do viêm mạn tính hoặc tổn thương lặp đi lặp lại.

6. 2 Cách điều trị hẹp thực quản 

Hẹp thực quản uống thuốc gì? Điều trị như thế nào? Tùy vào tình trạng cụ thể các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp để giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là 3 cách điều trị hẹp thực quản thường được áp dụng: 

Điều trị hẹp thực quản lành tính

Với trường hợp hẹp thực quản lành tính, ngoài việc người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp không sử dụng thuốc, bao gồm: 

  • Nong thực quản

Nong thực quản là phương pháp điều trị phổ biến giúp làm giãn đoạn thực quản bị hẹp, từ đó hạn chế tình trạng ứ đọng thức ăn và cải thiện khả năng ăn uống cho người bệnh. Đây là lựa chọn ưu tiên trong nhiều trường hợp nhờ vào tính hiệu quả, thủ thuật đơn giản và ít gây biến chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nong thực quản không phải là thủ thuật dễ chịu đối với người bệnh. Quá trình thực hiện thường cần gây mê và phải lặp lại nhiều lần để duy trì hiệu quả, do thực quản có xu hướng tái hẹp sau một thời gian.

  • Đặt stent thực quản

Đặt stent thực quản là biện pháp hỗ trợ nhằm duy trì hiệu quả sau khi đã thực hiện nong thực quản. Sau khi đoạn thực quản hẹp được làm giãn bằng bóng, bác sĩ sẽ đặt một stent – một ống mỏng dạng lưới làm từ kim loại hoặc nhựa – vào vị trí bị hẹp. Stent có khả năng tự mở rộng và giữ nguyên hình dạng, tạo thành một khung đỡ vững chắc cho thành thực quản, giúp duy trì độ mở cần thiết.

Phương pháp này giúp ngăn ngừa tình trạng hẹp tái phát và cải thiện rõ rệt khả năng ăn uống của người bệnh, đặc biệt hữu ích với những trường hợp hẹp tái đi tái lại hoặc có yếu tố ác tính.

Bác sĩ sẽ đặt một stent – một ống mỏng dạng lưới làm từ kim loại hoặc nhựa – vào vị trí bị hẹp

Điều trị hẹp thực quản ác tính (Phẫu thuật)

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản được áp dụng trong trường hợp hẹp thực quản ác tính hoặc hẹp lành tính kéo dài, không đáp ứng với điều trị nội khoa. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần đặt ống thông dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình hồi phục.

7. Lời khuyên về phòng ngừa hẹp thực quản

Các biện pháp phòng ngừa hẹp thực quản chủ yếu tập trung vào kiểm soát trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), vốn là nguyên nhân phổ biến nhất. Những nguyên nhân khác thường khó dự phòng hơn. Dưới đây là một số cách đơn giản giúp hạn chế nguy cơ hẹp thực quản do GERD:

  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no một lúc
  • Không hút thuốc lá cũng như sử dụng các sản phẩm chứa nicotin
  • Tránh các loại thực phẩm cay, chua và nóng
  • Hạn chế ăn cà chua, cam, quýt và thực phẩm có tính axit
  • Tránh đồ uống chứa cồn, caffeine hoặc có ga
  • Nằm kê cao gối khi ngủ để hạn chế trào ngược. 
Nằm ngủ với gối cao để hạn chế tình trạng trào ngược

Nằm ngủ với gối cao để hạn chế tình trạng trào ngược

8. Giải đáp thắc mắc về hẹp thực quản

Một số thắc mắc liên quan đến vấn đề hẹp thực quản được giải đáp như sau: 

  • Hẹp thực quản khi nào thì gặp bác sĩ? 

Khi bị khó nuốt kéo dài, đau khi nuốt hoặc sụt cân bất thường.

  • Bị hẹp thực quản do trào ngược dạ dày có đáng lo?

Có, có thể gây viêm, sẹo và hẹp thực quản nếu không điều trị.

  • Hẹp thực quản có ảnh hướng đến tính mạng không?

Có thể. Hẹp thực quản nếu không được điều trị có thể gây suy dinh dưỡng, thủng thực quản, nhiễm trùng hoặc biến chứng thành ung thư thực quản.

  • Hẹp thực quản nên ăn và kiêng ăn gì?

Người bệnh nên ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt. Tránh thực phẩm cay, nóng, chua, cứng, đồ uống có ga, caffeine và rượu bia. Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn.

  • Hẹp thực quản không điều trị có sao không?

Nếu không điều trị, tình trạng có thể tiến triển nặng hơn, gây khó nuốt nghiêm trọng, biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Hẹp thực quản là tình trạng không thể xem nhẹ vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống, sức khỏe và chất lượng sống. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn thường xuyên gặp khó khăn khi nuốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ, đừng chủ quan, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

*Lưu ý: Bài viết là các kiến thức chia sẻ, không thay thế cho khám, chẩn đoán và điều trị y khoa. 

5/5 - (1 bình chọn)

    Đặt lịch khám bệnh

    Bài viết liên quan

    [Gợi ý] 6 cách chữa đau dạ dày bằng mật ong tại nhà 

    Mật ong được xem là món quà từ thiên nhiên, có tác dụng rất tốt với mọi người. Mật ong không chỉ giúp đẹp da…

    14 Th9, 2024
    1.0K

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Xuất huyết dạ dày có phải mổ không? 6 thời điểm cần mổ và 2 Lưu ý 

    Xuất huyết dạ dày là biến chứng khi dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng này rất nguy hiểm đến tính mạng của…

    24 Th12, 2024
    1.1K

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    [Gợi ý] 5 loại thuốc trị Hp dạ dày tốt nhất hiện nay

    Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng dạ dày của bạn. Nó có thể làm hỏng mô trong dạ dày…

    20 Th11, 2024
    1.6K

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đau dạ dày nên uống nước ép gì? Gợi ý 6 loại 

    Khi bị đau dạ dày, chúng ta cần để đường tiêu hóa được nghỉ ngơi. Một chế độ ăn uống với nước ép là cách…

    23 Th11, 2024
    4.0K

    Chuyên mục: Tiêu hóa

    Đăng ký khám

    Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

      DỊCH VỤ NỔI BẬT

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

      Chia sẻ

      facebook-messenger-icon
      Đặt khám